Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 20-10 tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2, cũng là nhiệm kỳ cuối cùng, trong bối cảnh an ninh được thắt chặt tại thủ đô Jakarta. Buổi lễ diễn ra với sự tham gia của hầu hết lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và một phái đoàn Mỹ.
Ông Widodo, 58 tuổi, đã đọc lời tuyên thệ bên cạnh tân Phó Tổng thống Ma’ruf Amin, 76 tuổi. Đứng trước các nhà lập pháp và thượng nghị sĩ khu vực, Tổng thống Widodo còn phát biểu về những ưu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo của mình, bao gồm thu hút thêm vốn đầu tư và tập trung cải thiện nguồn nhân lực của đất nước. Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Indonesia Moeldoko cho biết ông Widodo đã bày tỏ mong muốn quay lại làm việc càng sớm càng tốt và sẽ công bố nội các mới sau lễ nhậm chức.
Trước đó, trong các cuộc bầu cử hồi tháng 4, ông Widodo tái tranh cử với các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng bên cạnh hàng loạt sáng kiến vì người nghèo và đã giành chiến thắng với 55,5% phiếu bầu. Mặc dù tái đắc cử với kết quả khá ấn tượng, theo chuyên gia phân tích chính trị Johanes Sulaiman của Trường ĐH Jenderal Achmad Yani (Indonesia), ông Widodo đang bước vào nhiệm kỳ 2 với hàng loạt thách thức.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế Indonesia đang chật vật với tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 5% - thấp hơn mức 7% mà Tổng thống Widodo cam kết khi ông tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ đầu vào năm 2014. Nhà lãnh đạo Indonesia, người từng nói về việc tạo ra 10 thiên đường Bali mới, giờ đây lên các kế hoạch đầy tham vọng trị giá 33 tỉ USD để xây dựng một thủ đô mới trên đảo Borneo và phát triển mạng lưới giao thông - liên lạc quan trọng đối với đất nước có hàng ngàn hòn đảo này.
Bên cạnh kinh tế, chính quyền mới của Tổng thống Widodo còn đối mặt với nhiều thách thức khác, bao gồm giáo dục, cải cách hành chính, đấu tranh chống tham nhũng cùng hàng loạt vấn đề môi trường, như ô nhiễm khói mù từ cháy rừng. "Có nhiều vấn đề đang chờ Tổng thống Widodo giải quyết" - ông Johanes Sulaiman khẳng định.
Cũng theo ông Johanes Sulaiman, chủ nghĩa cực đoan cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với nhà lãnh đạo Indonesia trong nhiệm kỳ này. Mới đây, tại tỉnh Papua vào tháng 8 qua, bạo lực bùng phát từ một cuộc nổi loạn quy mô nhỏ, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng ngàn người sơ tán. Tình trạng bất ổn diễn ra theo sau một chiến dịch quân sự hồi tháng 12-2018 được tiến hành sau khi các phần tử nổi loạn sát hại 31 công nhân xây dựng.
Báo The Straits Times cho biết khoảng 30.000 binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai xuyên suốt thời gian diễn ra lễ nhậm chức vì những lo ngại về an ninh trong thời gian gần đây. Trong những tuần qua, cảnh sát Indonesia bắt giữ hơn 36 nghi phạm, trong đó có 2 cựu cảnh sát, với cáo buộc âm mưu tấn công khủng bố. Tuần rồi, 2 đối tượng bị nghi có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị bắt giữ sau nỗ lực ám sát Bộ trưởng An ninh Indonesia Wiranto tại một sự kiện ở TP Pandeglang.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)