Ấn Độ đang trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ khi số ca mắc liên tục phá kỷ lục thế giới, mới nhất là 349.691 bệnh nhân mới trong 24 giờ qua. Các bệnh viện đang từ chối tiếp người bệnh vì thiếu ôxy y tế.
“Làn sóng thứ hai đang càn quét Ấn Độ với sức mạnh chưa từng thấy. Chúng ta cần hành động nhanh để ngăn chặn biến chủng mới xâm nhập Đức”, ông Maas nói với báo Rheinische Post.
Đức coi Ấn Độ là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và đưa nước này vào danh sách cảnh báo riêng về các biến chủng virus mới.
Từ hôm nay, những người Đức trở về từ Ấn Độ sẽ chỉ được nhập cảnh nếu có kết quả xét nghiệm âm tính và sẽ phải cách ly 14 ngày. Những người nước ngoài từ Ấn Độ sẽ không được phép vào Đức.
Ông Maas nói rằng Đức sẽ làm hết mình để giúp Ấn Độ vượt qua tình hình khẩn cấp này.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức cho biết Bộ Ngoại giao đã đề nghị quân đội cung cấp một cơ sở sản xuất ôxy di động và hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ khẩn cấp cho Ấn Độ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua bày tỏ cảm thông trước “những đau khổ khủng khiếp” mà đại dịch đang gây ra ở Ấn Độ.
“Đức đoàn kết với Ấn Độ và đang khẩn trương chuẩn bị hỗ trợ”, bà Merkel nói.
Hội đồng châu Âu cũng cho biết sẽ gửi oxy và các thiết bị y tế cho Ấn Độ sau khi nhận được đề nghị từ Delhi. Anh và Mỹ cũng sẽ gửi hỗ trợ, bao gồm cả thiết bị y tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cho biết Mỹ sẽ ngay lập tức gửi nguyên liệu sản xuất vắc-xin COVID-19, thiết bị y tế và đồ bảo hộ cho Ấn Độ để giúp nước này vượt qua khủng hoảng.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Emily Horne cho biết các quan chức Mỹ đang “làm việc suốt ngày đêm” để triển khai các nguồn lực và vật tư giúp Ấn Độ sản xuất vắc-xin và hỗ trợ hàng triệu người Ấn Độ đang bệnh nặng. Mỹ cũng sẽ gửi các phương pháp điều trị, bộ xét nghiệm nhanh và máy thở cho Ấn Độ.
Washington đang chịu áp lực về việc phải hỗ trợ Ấn Độ, sau khi Anh, Pháp và Đức cam kết hỗ trợ.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)