Nhiều nước đòi quyền sở hữu viên kim cương trên vương miện Nữ hoàng Anh

21/04/2016 09:01:52

Viên kim cương trên vương miện của Nữ hoàng Anh Elizabeth mà Ấn Độ muốn đòi lại cũng được ba nước khác nhận là thuộc sở hữu của mình.

Viên kim cương trên vương miện của Nữ hoàng Anh Elizabeth mà Ấn Độ muốn đòi lại cũng được ba nước khác nhận là thuộc sở hữu của mình.

Có ít nhất 4 nước đến thời điểm này nhận là chủ sở hữu viên kim cương "Núi ánh sáng" trên vương miện Nữ hoàng Anh - Ảnh: Reuters

 
Pakistan, Iran và Afghanistan tuyên bố muốn đòi lại viên kim cương Kohinoor nằm trong kho báu của Vương quốc Anh 150 năm nay, khiến cho câu chuyện về chủ nhân của viên kim cương đắt giá này trở nên ly kỳ hấp dẫn thêm.
Hồi đầu tuần này, Tòa án tối cao Ấn Độ xem xét đơn kiện của một tổ chức phi chính phủ có tên là Mặt trận xã hội, tư pháp và nhân quyền toàn Ấn Độ; yêu cầu tòa xem xét và buộc chính phủ nước này phải đi đòi lại viên kim cương từ chính phủ Anh. Chính phủ Ấn Độ cho rằng điều này là không thể vì đó là quà tặng của vua Ranjit Singh của thế kỷ 19 cho nước Anh, và người Anh không cướp nó từ Ấn Độ.
 
Trong khi các nước tranh cãi và đòi viên kim cương thì người Anh tiếp tục kể với hàng triệu du khách đến thăm Bảo tàng Anh mỗi năm rằng Kohinoor là một trong số các đồ trang sức và đá quý khác "tự nhiên chảy" vào ngân khố Anh như là chiến lợi phẩm hoặc quà tặng thể hiện lòng tôn kính của ông hoàng bản địa đến Hoàng gia Anh trong thời thuộc địa.
 
Bí ẩn nguồn gốc viên kim cương
 
Theo trang Samaa, viên kim cương Kohinoor (Mountain of Light, tạm dịch: Núi ánh sáng) đã được tặng cho Nữ hoàng Victoria vào năm 1850 trong thời gian xảy ra các cuộc chiến giữa Anh và Sikh với kết quả nước Anh giành quyền kiểm soát đế chế Sikh của Punjab, bây giờ được phân chia thành Pakistan và Ấn Độ.
 
Đế chế Singh sau đó đã lấy “Núi ánh sáng” từ một vị vua người Afghanistan lúc đó nương náu ở Ấn Độ.
 
Viên kim cương từng là một vật gia truyền của chế độ quân chủ ở Afghanistan trước khi rơi vào tay của hoàng gia Ba Tư. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của viên kim cương vẫn còn là một bí ẩn.
 

Viên kim cương Kohinoor trên vương miện Nữ hoàng Anh là một trong 5 viên kim cương đắt giá nhất thế giới Reuters

 
"Mountain of Light" từng được một nữ hoàng sử dụng và nó được nói là mang sẽ lại vận đen cho bất kỳ người đàn ông đeo nó.
 
Hồi tháng 2.2016, Tòa án tối cao Lahore ở Pakistan mở một cuộc điều trần để nghe vụ kiện của một luật sư người Pakistan có gốc gác Anh 76 tuổi muốn đòi lại viên kim cương từ nước Anh.
 
Ông Iqbal Geoffrey, cũng là một họa sĩ trừu tượng có tác phẩm đã xuất hiện tại Tate Modern, bắt đầu công việc đòi lại viên kim cương từ năm 1958.
 
"Kohinoor chính xác là thuộc tỉnh Punjab và bị người Anh cưỡng chế lấy đi từ những vị lãnh đạo địa phương, vì vậy nó phải được trả lại cho Pakistan", ông Geoffrey nói với phóng viên.
 
Chiến lợi phẩm đắt giá
 
Theo The Tribune, các tài liệu còn nói rằng viên kim cương được nhắc đến lần đầu tiên trong một biên niên sử bằng văn bản như là tài sản của vua Malwa. Sau đó, nó xuất hiện trong kho của hoàng đế Mughal Babar trong thế kỷ 16.
 
Khi Nadir Shah tấn công Delhi năm 1739, viên kim cương được xem là chiến lợi phẩm đã mất tích khi nhà cai trị Mughal Shah Muhammad giấu nó trong khăn xếp.
 
Nadir Shah khéo léo tráo chiếc khăn trên đầu của Muhammad bằng cách trao đổi khăn choàng đầu với mình như một biểu tượng của hòa bình, và do đó chiếm đoạt viên kim cương như chiến lợi phẩm vĩ đại nhất mà ông có. Sau khi ông chết, người ta nói rằng một trong những người con trai của ông đã chấp nhận chọn cái chết bằng những trận đòn tra tấn của quân thù chứ không chịu đưa ra viên kim cương.
 
Cuối cùng, viên kim cương này đã đi đến Afghanistan và sau đó nằm trong tay của vị lãnh đạo Sikh đầu tiên, Maharaja Ranjit Singh. Vào thời điểm đó, viên kim cương được cắt xuống còn 186 carat và tiếp tục giảm xuống 108,93 carat khi thuộc về Anh dưới thời trị vì của Nữ hoàng Victoria.
 
Theo Minh Quang (Thanh Niên Online)

Nổi bật