Nhiều giải pháp được đề xuất cho Myanmar

12/03/2021 09:45:17

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ mạnh mẽ vai trò và nỗ lực của ASEAN, việc ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar và ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 2-3

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai vừa cho biết nước này đã đề xuất quân đội Myanmar tiến hành đối thoại với Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.

Trong cuộc phỏng vấn được Mạng tin tức châu Á (ANN) đăng hôm 11-3, ông Pramudwinai cho biết đây được xem là một giải pháp nhằm khôi phục sự ổn định tại Myanmar sau vụ đảo chính quân sự hôm 1-2. Ông Pramudwinai đã chuyển đề xuất đến ông Wunna Maung Lwin, người được quân đội Myanmar bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao, tại cuộc thảo luận riêng tư hôm 24-2. Ngay sau đó, hai nhân vật này và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi có cuộc gặp tại sân bay Don Muang ở thủ đô Bangkok.

Khi được hỏi liệu có tiến triển nào cho đến giờ, ông Pramudwinai cho rằng quân đội Myanmar sẽ phải đánh giá tình hình. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, ai cũng muốn cuộc khủng hoảng nhanh chóng kết thúc nhưng sự việc chỉ mới xảy ra hơn một tháng. "Có nhiều sự cố và vấn đề trong quá khứ nhưng không chuyện nào kết thúc nhanh chóng" - ông Pramudwinai nhắc nhở.

Nhiều giải pháp được đề xuất cho Myanmar
Từ trái qua: Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai và ông Wunna Maung Lwin tại cuộc gặp hôm 24-2 Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO INDONESIA

Nhiều thành viên cấp cao NLD, trong đó có lãnh đạo Aung San Suu Kyi, đang bị tạm giam kể từ sau cuộc đảo chính. Dù vậy, chính phủ Thái Lan tin rằng quân đội Myanmar có thể liên lạc với các thành viên khác của NLD để hai bên tiến đến một giải pháp khả thi nhằm đưa đất nước trở lại bình thường.

Một nguồn tin Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết thêm Bangkok cũng gửi đề xuất trên đến các thành viên khác của ASEAN và một số nước, trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Dù vậy, nguồn tin này bày tỏ nỗi lo rằng tình trạng bạo lực leo thang trên đường phố hoặc việc áp đặt thêm trừng phạt sẽ chỉ khiến con đường đi đến đối thoại giữa quân đội Myanmar và NLD thêm dài.

Những gì diễn ra trong thực tế cho thấy nỗi lo trên còn lâu mới chấm dứt. Trước hết, số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar không ngừng gia tăng. Hôm 11-3, theo Reuters, danh sách này tăng thêm ít nhất 7 người. Trước đó, hơn 60 người biểu tình đã thiệt mạng và 2.000 người bị bắt giữ kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra. Ngoài ra, trong động thái gây sức ép lên chính quyền quân sự Myanmar, Bộ Tài chính Mỹ hôm 10-3 thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 2 người con của Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing và 6 công ty mà 2 người này kiểm soát sau cuộc đảo chính. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cũng cho biết nước này đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới.

Sức ép cũng đến từ Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc hôm 10-3 sau khi cơ quan này thông qua Tuyên bố Chủ tịch HĐBA về tình hình Myanmar. Theo Reuters, tuyên bố đã lên án tình trạng bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Myanmar và kêu gọi quân đội nước này kiềm chế. Bên cạnh đó, HĐBA ủng hộ mạnh mẽ vai trò và nỗ lực của ASEAN, việc ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar và ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 2-3, trong đó nhắc lại mục đích và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, kêu gọi kiềm chế và tìm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại xây dựng và hòa giải thiết thực.

HĐBA cũng bày tỏ ủng hộ vai trò trung gian của Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Myanmar, khuyến nghị đặc phái viên tiếp tục duy trì liên lạc với các bên liên quan và sớm đến thăm Myanmar.

Phát biểu sau cuộc họp trên, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Zhang Jun nhấn mạnh: "Giờ là lúc xuống thang căng thẳng. Giờ là lúc cho ngoại giao và đối thoại". Theo ông Zhang, cộng đồng quốc tế nên tạo môi trường cho các bên liên quan ở Myanmar giải quyết những khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của nước này. 

Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước các diễn biến gần đây tại Myanmar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 11-3 nêu rõ: "Chúng tôi rất quan ngại về tình trạng bạo lực và thương vong tiếp tục gia tăng tại Myanmar trong những ngày gần đây. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hòa bình để giải quyết bất đồng; mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình, ổn định ở khu vực". Việt Nam chia sẻ lập trường chung của ASEAN, trong đó nhấn mạnh đến việc tuân thủ Hiến chương ASEAN; ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình tại Myanmar sớm trở lại bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN khác nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar. Việt Nam cũng yêu cầu Myanmar bảo đảm an toàn tính mạng và các lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.

D.Ngọc

Theo Hoàng Phương (Nld.com.vn)

Nổi bật