Được biết, những người dân này không thể chịu nổi với những tiếng ồn nên đã tìm thấy lối thoát trên trang web DQN, nơi thu thập những lời đay nghiến ẩn danh về những người hàng xóm hay làm ồn, và ghi lại mọi lời than phiền trên một bản đồ tương tác, tạo ra một bản ghi chép công phu về những nơi mà họ cảm thấy khó chịu ở Nhật Bản.
Theo thông tin, các khiếu nại về tiếng ồn ở thủ đô Tokyo đã gia tăng, cảnh sát ghi nhận mức tăng ở khoảng 30% trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm ngoái. Đây là giai đoạn mà chính phủ đóng cửa trường học và khuyến cáo người dân làm việc online để phòng dịch Covid-19, khiến những tiếng ồn càng trở nên rõ ràng hơn.
Trang web này được thành lập vào năm 2016, ban đầu chỉ có vài trăm người dùng. Nhưng sau đó, con số đã phát triển theo cấp số nhân vì nó đã khuấy động cuộc tranh luận, đặc biệt về vấn đề tiếng ồn của trẻ em. Một số chuyên gia cho rằng, xã hội ngày càng gay gắt và không khoan dung đối với tiếng ồn của trẻ em khi chúng đang vui chơi.
Mặt khác, nhiều phương tiện truyền thông xã hội đã ca ngợi trang web về việc giúp họ tránh xa những nơi có tiếng ồn. Tuy nhiên, một số gia đình thấy cách này có khả năng gây rắc rối và lo sợ sẽ chia rẽ các gia đình có con nhỏ.
Trong số 6.000 đơn khiếu nại trên phạm vi rộng bao gồm các vấn đề về vi phạm đỗ xe, chửi thề quá mức hoặc mèo hoang làm xước lốp xe, thì đa số khiếu nại nhắm vào những khu vực có trẻ em vui chơi mà không có người giám sát.
Saori Hiramoto, 35 tuổi, một nhà hoạt động đã vận động thành công chính quyền Thủ đô Tokyo cho phép các xe đẩy di chuyển trong các chuyến tàu đông đúc vào năm 2019 cho biết, bản đồ này cho thấy sự rạn nứt trong giao tiếp giữa người với người, của một xã hội từng phụ thuộc lẫn nhau.
“Tôi thực sự cảm thấy việc nuôi dạy con cái thật khó khăn. Mọi người nói rằng bố mẹ nên có trách nhiệm chăm sóc con cái, nhưng điều đó rất khó, đặc biệt đối với những ông bố bà mẹ đơn thân, chúng tôi đã đến giới hạn của mình rồi. Tôi nghĩ rằng xã hội và cộng đồng nên xem và nuôi dạy trẻ em như những thành viên trong xã hội”, cô nói.
Akihiko Watanabe, một giáo sư Khoa Giáo dục của Đại học Shiga, gần Kyoto cho biết trong một cuộc phỏng vấn, bản đồ có khả năng gây hại cho trẻ em và thanh thiếu niên bằng cách hiển thị những nơi họ đi chơi mà không được giám sát.
“Các cuộc tụ họp vô cùng ồn ào. Tôi từng trừng mắt nhìn rất lâu nhưng họ vẫn không dừng lại. Trẻ em cũng không thèm để ý và tiếp tục phát ra tiếng ồn”, một người chia sẻ trên web. Người khác nói thêm: “Có 3 hoặc 4 đứa trẻ tụ tập trong các ngày lễ, giọng nói chúng vang the thé trong khu phố". Thậm chí có người còn nói: “Tôi quên mất đây là một con đường".
Trong những năm qua, cư dân ở nhiều thành phố đã vận động chống lại việc xây dựng trường mẫu giáo, ngay cả khi các bậc cha mẹ kêu gọi phụ huynh nên có lựa chọn giữ trẻ hợp lý. Vào năm 2016, người dân Kobe từng kiện một trường mẫu giáo vì trẻ em ồn ào, nhưng vụ kiện đã bị bác bỏ vào năm 2017.
Có nhiều công viên công cộng đã dán các biển báo cấm mọi loại hoạt động gây ra tiếng ồn trước những lời phàn nàn phiền toái từ cư dân xung quanh. Ví dụ như là công viên Nishi-Ikebukuro ở Toshima, Tokyo đã thu hút sự chú ý của mọi người vì lệnh cấm đối với 45 hoạt động khác nhau như trượt ván, nhảy dây và bóng đá.
Ko Fujii, người sáng lập và giám đốc điều hành của cơ quan công vụ Makaira và là giáo sư tại Trung tâm chiến lược xây dựng quy tắc của Đại học Tama ở Tokyo ghi nhận, khá nhiều lời than phiền vì tiếng trẻ con khóc trên các phương tiện giao thông công cộng và nhiều phụ huynh đã bị phản ứng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng như thế, Ko Fujii cũng là cha của hai đứa trẻ, anh cho biết mình cũng rất yêu trẻ con, đã dán một miếng dán có ghi “Chúng tôi yêu trẻ sơ sinh, khóc cũng được", để thể hiện sự ủng hộ đối với các bậc cha mẹ đồng nghiệp. “Tôi nghĩ rằng một số người chỉ đơn giản là chán nản với cuộc sống nên mới khiến họ trở nên quỷ quyệt như thế", anh nói.
Nhật Bản từng chứng kiến không ít vụ kiện liên quan đến tranh chấp ồn ào giữa hàng xóm. Một công nhân xây dựng 38 tuổi đã bị đâm chết tại căn hộ của bố mẹ anh ở Tokyo vào tháng 5 bởi một người già 60 tuổi sống trong tòa nhà. Người này đã thú nhận với cảnh sát rằng vì “không thể chịu được tiếng bước chân và giọng nói ồn ào” nên mới ra tay.
Theo Tiểu Lương (Pháp Luật & Bạn Đọc)