Một loạt trang báo của Đức và Thụy Sĩ vừa đăng tin bài tố cáo âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc bằng việc đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo ở những khu vực biển có tranh chấp với các nước láng giềng.
Báo NZZ đưa tin Trung Quốc xây đảo nhân tạo phục vụ tuyên bố chủ quyền vô lý ở Biển Đông. |
Các chuyên gia luật nhận định việc Trung Quốc nhanh chóng thực hiện hoạt động này là nhằm tạo ra các yếu tố để tranh chấp lãnh thổ, song theo luật quốc tế, những đảo nhân tạo như vậy không thể lấy làm cơ sở để tuyên bố chủ quyền. Tại bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Trung Quốc cũng xây dựng một đường băng, song quá ngắn cho các mục đích chiến lược. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện công việc xây dựng tương tự trên bãi đá Tư Nghĩa. DW nhận định Trung Quốc rõ ràng đã phát triển một bộ quy chuẩn về xây dựng các đảo nhân tạo.
Báo "Liên bang" (der Bund) của Thụy Sĩ cũng đăng bài tố cáo Trung Quốc xây dựng nhiều đảo nhân tạo ở biển Đông nhằm tạo các yếu tố trong cuộc tranh chấp chủ quyền của nước này với các nước láng giềng. Bài báo dẫn các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho biết, từ nhiều tháng nay, Trung Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm củng cố vị trí của mình ở Biển Đông, trong đó có việc tiến hành xây cất trên ba đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa.
Bài báo dẫn các nguồn tin cho biết riêng tại bãi đá Tư Nghĩa, Trung Quốc đã xây dựng một đảo nhân tạo có diện tích rộng bằng 14 sân bóng đá. Đảo này gồm một xưởng bê tông, một sân đỗ cho máy bay trực thăng và hai cầu tầu. Bài báo dẫn các phân tích cho rằng Trung Quốc xây dựng các pháo đài trên đảo là nhằm tăng cường việc kiểm soát trên biển và trên không. Máy bay Trung Quốc có thể dễ dàng cất cánh từ đất liền để bay tuần tiễu ở biển Hoa Đông, song khó có thể làm như vậy với Biển Đông. Tuy nhiên, với các cơ sở mới xây nêu trên, không quân Trung Quốc có thể sử dụng cho mục đích tiếp nhiên liệu cho máy bay. Bài báo cũng cho biết công việc xây dựng được bắt đầu từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc và việc xây dựng này đã được đẩy mạnh đặc biệt trong 12 tháng qua. Những điều này đi ngược với cam kết của Bắc Kinh về tránh những hành động gây hấn ở Biển Đông.