Theo nguồn tin chính phủ, Nhật hoàng Akihito dự kiến thoái vị vào ngày 31/3 năm tới Đây là lần đầu tiên trong hơn 2 thế kỷ nhà vua của Nhật Bản chủ động từ bỏ Ngai Hoa Cúc.
Báo Asahi Shimbun ngày 20/10 dẫn nguồn tin chính phủ cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gặp các quan chức hàng đầu cũng như các thành viên của hoàng gia vào tháng tới trước khi công bố ngày thoái vị.
Theo bài viết, con trai trưởng của Nhật hoàng Akihito, tức Thái tử Naruhito 57 tuổi, sẽ tiến hành lễ đăng cơ để ngồi vào Ngai Hoa Cúc ngay trong ngày đầu tiên (tức ngày 1/4/2019) sau tuyên bố thoái vị của vua cha.
Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu trong chuyến thăm Huế hồi tháng 3/2017. Ảnh: Getty. |
Nhật hoàng Akihito, 83 tuổi, từng khiến người dân nước này bất ngờ hồi năm ngoái khi bày tỏ ý định muốn thoái vị sau gần 3 thập kỷ vì lý do tuổi tác và sức khỏe. Lịch sử nền quân chủ Nhật Bản từng chứng kiến một số vị vua chủ động nhường ngôi nhưng lần gần nhất là cách đây hơn 200 năm.
Ý muốn của Nhật hoàng Akihito đã đặt ra thách thức lớn với chính phủ Nhật Bản vì nước này không có luật cho phép nhà vua từ bỏ ngôi vị khi vẫn còn sống. Sự kiện này cũng gây nên tranh cãi về việc có nên cho phép phụ nữ thừa kế ngôi vị vốn chỉ dành cho nam giới hay không.
Hồi tháng 6, quốc hội Nhật Bản đã thông qua đạo luật áp dụng một lần duy nhất cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị, song chưa định ngày để tiến hành việc này. Bài viết của Asahi là lần đầu tiên ngày thoái vị được đề cập trên truyền thông.
Thái tử Naruhito sẽ là người thừa kế ngai vàng sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị. Ảnh: Getty. |
"Tôi cảm thấy vô cùng khuây khỏa khi nhà vua giờ đây có thể có những ngày nghỉ ngơi khi tuổi ông đã cao", Hoàng hậu Michiko, người vừa bước sang tuổi 83 hôm 20/10, cho biết trong một tuyên bố.
Địa vị của nhà vua là một vấn đề nhạy cảm tại Nhật Bản do sự tham gia của nước này trong các cuộc chiến tranh thế kỷ 20 dưới danh nghĩa Nhật hoàng Hirohito, tức cha của Nhật hoàng Akihito.
Một số người lo lắng rằng việc thay đổi luật để cho phép bất kỳ vị vua nào đều có quyền thoái vị có thể khiến hoàng gia Nhật Bản trong tương lai đứng trước nguy cơ trở thành đối tượng của các chiêu trò chính trị.
Theo Đại sứ Kunio Umeda, chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu là cơ hội mang tính lịch sử trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. |
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)