Nhật Bản đã phô trương đầy đủ cờ hoa và nghi lễ trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này nhưng các nhà lãnh đạo nước ngoài khác sẽ phải xếp hàng cho một buổi tiếp đón hoàng gia xa hoa như vậy.
Trong vài giờ sau khi ông Trump rời Nhật Bản vào ngày 28/5 sau chuyến thăm cấp nhà nước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã hạ cánh tại Tokyo mặc dù sự xuất hiện của ông ít gây chú ý. Ông cũng sẽ không tiếp bước nhà lãnh đạo Mỹ để gặp hoàng đế mới.
Tổng thống Philippines sẽ có bài phát biểu tại hội nghị kéo dài hai ngày bắt đầu vào ngày 30/5, trong đó ông bàn luận tương lai của châu Á.
Theo South China Morning Post, ông Duterte sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về quan hệ an ninh và thương mại song phương nhưng sự tiếp đón đối với ông không thể sánh được chuyến thăm của ông Trump.
Sự tiếp đón đặc biệt
"Tổng thống Trump là quốc khách, nghĩa là ông là khách của Hoàng đế và Hoàng hậu trong thời gian ở Nhật Bản, và đó là lý do ông và đệ nhất phu nhân đến thăm Hoàng cung trong thời gian họ ở đây. Ông Duterte không ở đây với tư cách quốc khách mà để tham dự một hội nghị được sắp xếp riêng", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Hôm 28/5, Jose Laurel, đại sứ Philippines tại Nhật Bản, chỉ ra rằng ông Duterte sẽ không gặp Hoàng đế Naruhito, người tiếp quản ngai vàng Hoa cúc vào ngày 1/5.
Daily Inquirer của Philippines dẫn lời đại sứ cho biết Nhật Bản đã thể hiện sự nồng hậu bằng nghi thức ngoại giao và lời mời gặp Hoàng đế và Hoàng hậu đến trực tiếp từ cung điện chứ không phải từ ông Abe.
Laurel nói thêm rằng "không có cơ hội" để ông Duterte gặp Hoàng đế vì điều đó sẽ dẫn đến áp lực từ các nhà lãnh đạo khu vực khác nhằm được trao cơ hội tương tự.
Kiichiro Tomino, giáo sư về ngoại giao và Phó chủ tịch của Đại học Fukuchiyama ở Kyoto, cho biết rõ ràng có động lực chính trị đằng sau sự chào đón tuyệt vời dành cho tổng thống Mỹ.
"Thủ tướng Abe nhận thức được sự cần thiết phải duy trì quan hệ tốt với Tổng thống Trump và ông đã sử dụng hệ thống quân chủ như một phần mở rộng của ngoại giao Nhật Bản để tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và thương mại", ông nói với South China Morning Post.
"Đối với ông Abe, nhà lãnh đạo Philippines ít quan trọng hơn trong hai lĩnh vực quan trọng đó nhưng cũng phải hiểu rằng Hoàng đế không thể gặp mọi nhà lãnh đạo nước ngoài hoặc chức sắc đến thăm Nhật Bản", ông nhận xét.
Ngoại giao hoàng gia
Tomino cho biết ông Abe có thể hy vọng tiếp tục sử dụng Hoàng đế để duy trì ngoại giao Nhật Bản trong những năm tới bằng cách khuyến khích ông và Hoàng hậu Masako thực hiện các chuyến thăm chính thức tới các đồng minh quan trọng và những nơi có quan hệ then chốt.
"Tôi sợ điều đó có thể xảy ra, mặc dù tôi không nghĩ đó là một hành động khôn ngoan. Tôi nghĩ rằng Hoàng đế sẽ không thích bị lợi dụng theo cách đó và công chúng Nhật Bản rất muốn ông không tham gia vào chính trị quốc tế mà vẫn duy trì độc lập", Tomino nói.
Hoàng đế và Hoàng hậu đã tạm biệt ông Trump và vợ ông, bà Melania, vào sáng 28/5 tại khách sạn ở trung tâm Tokyo, nơi họ ở lại trong bốn ngày của chuyến thăm.
Hoàng đế cho biết ông "rất vui mừng" khi có thể tiếp đãi tổng thống và phu nhân, trong khi ông Trump bày tỏ lòng biết ơn về bữa tiệc tại Hoàng cung được tổ chức vào tối 27/5. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm giờ đây ông coi Hoàng đế và Hoàng hậu là "bạn bè cá nhân" của mình.
Các nhà lãnh đạo thế giới khác sẽ phải đợi đến tháng 10 để gặp Hoàng đế, khi ông sẽ tuyên bố lên ngôi. Theo truyền thông Nhật Bản, các chức sắc từ gần 200 quốc gia dự kiến tham dự lễ kỷ niệm.
Năm 1990, Hoàng tử Anh Charles và Công nương Diana cũng như phó tổng thống Mỹ Dan Quayle nằm trong số 2.200 người có mặt trong lễ chào mừng của Hoàng đế Akihito.
Khoảng 120.000 người xếp hàng trên đường phố Tokyo khi ông và Hoàng hậu Michiko diễu hành qua trong chiếc Rolls-Royce Corniche III. Cặp đôi hoàng gia mới sẽ đánh dấu dịp này vào tháng 10 với đám rước tương tự.
Nhật hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30/4 sau hơn 30 năm trị vì, nhường chỗ cho con trai tiếp quản chế độ quân chủ di truyền liên tục lâu đời nhất trên thế giới.
Naruhito là hoàng đế thứ 126 lên ngôi trong dòng họ, kể từ Hoàng đế huyền thoại Jimmu, người được cho là đã trở thành hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản vào ngày 11/2 năm 660 trước Công nguyên.
Nhật hoàng Akihito đã phá vỡ truyền thống gần đây bằng cách trở thành vị vua trị vì đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong hơn 200 năm.
Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)