Chuyện kể rằng, có một bác nông dân ở thôn Trường Lạc, Phúc Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc, kiếm sống bằng nghề chăn dê.
Một hôm đang làm việc, bác ta nhặt được hòn đá cực kỳ cứng, màu xanh đậm và sáng. Nhận thấy viên đá có màu sắc đẹp lạ mắt và lấp lánh, bác quyết định mang về chơi.
Viên đá trở thành vật dụng gia đình bình thường trong ngôi nhà của bác nông dân chăn dê, bác dùng nó làm vật chặn cửa. Lâu dần, viên đá cứ nằm mãi ở xó nhà mà không ai để ý.
BÁU VẬT TRỜI BAN
Khoảng vài năm sau, bác mới bất ngờ nhận ra viên đá màu xanh kia là 'báu vật trời ban', được giới chuyên gia đánh giá rất cao.
Viên đá mà bác ta từng vứt vào xó nhà đó chính là sapphire (ngọc bích).
Từ điển bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica thông tin, sapphire được công nhận là đá quý từ năm 800 TCN. Loại đá này thuộc dòng khoáng vật Corundum. Corundum có màu đỏ thì gọi là ruby (hồng ngọc), còn Corundum với các màu sắc khác thì được gọi là sapphire.
Màu sắc của nó chủ yếu là do sự hiện diện của một lượng nhỏ sắt và titan và thường có màu từ xanh lam rất nhạt đến chàm đậm, trong đó giá trị cao nhất là màu xanh hoa ngô (xanh lam) có độ đậm trung bình.
Các chuyên gia đá quý trên toàn thế giới đánh giá sapphire rất cao, thậm chí giá trị còn ngang kim cương, vì sapphire có độ thấu quang cao, màu sắc đồng đều không lẫn tạp chất, độ bóng và độ tinh khiết của đá cũng rất ấn tượng.
Sau khi tin tức về viên đá quý được bác nông dân nhặt được, chính quyền địa phương vào cuộc và nhận thấy tại đây có mỏ đá sapphire rất tinh khiết. Trung Quốc cũng cho xây dựng các quy định và chính sách liên quan nhằm tăng cường quản lý 'báu vật trời ban' cho Trường Lạc nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Thậm chí, vào năm 1993, chính quyền địa phương còn xây dựng hẳn Thành phố Đá quý tại Phúc Châu - đây là một bước tiến lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương - không chỉ gia công nguyên liệu đá quý mà còn tổ chức một loạt dây chuyền sản xuất nhằm mở rộng hơn nữa ngành công nghiệp đá quý của Trường Lạc.
Ba năm sau, Hiệp hội Đá quý địa phương được thành lập, đóng vai trò chủ đạo trong quy hoạch phát triển ngành đá quý của tỉnh Phúc Kiến.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, sapphire Trường Lạc là loại ngọc bích tinh khiết nhất, đẹp nhất, sắc nhất ở Trung Quốc. Danh tiếng của sapphire Trường Lạc nổi khắp chốn vì vẻ đẹp tinh tế, sáng bóng, rất được giới làm trang sức ưa chuộng.
Năm 2002 có thể nói là một bước ngoặt khi Trường Lạc bắt đầu tổ chức Lễ hội Đá quý Quốc tế Trung Quốc để thu hút hơn nữa khách hàng trong và ngoài nước cũng như giới thiệu đá quý Trung Quốc đến khách hàng quốc tế.
Cho đến nay, Lễ hội Đá quý đã được tổ chức nhiều lần, mỗi lần tổ chức đều thu hút rất nhiều người tham gia, thậm chí số tiền giao dịch đã lên tới hàng trăm triệu đô la.
Lý giải về sự đặc biệt của sapphire Trường Lạc, các chuyên gia cho rằng sapphire tại đây đẹp, sáng bóng, tinh khiết như vậy là nhờ vào môi trường địa lý đặc biệt của khu vực này.
Theo Baidu, Trường Lạc nằm tiếp giáp với cửa sông Dương Tử và cửa sông Châu Giang. Có thể nói, Trường Lạc là nơi có địa hình đồi núi thấp. Các dãy núi và đồi thấp có hình hơi giống chữ I, phân bố ở phía Trung và Nam. Phần phía Đông là đồng bằng ven biển rộng mở, chủ yếu có các ngọn đồi còn sót lại bằng đá granit, với điểm thấp nhất cao từ 2 đến 5 mét so với mực nước biển. Phía Tây là đồng bằng rộng lớn, được nối liền bởi sông suối và là một phần của đồng bằng Phúc Châu.
Nhờ địa hình như vậy, Trường Lạc không chỉ có sapphire mà còn có tài nguyên khoáng sản phong phú như cát thạch anh, đất sét làm gạch, cao lanh (đất sét màu trắng), pyrophyllite, alunite, sắt, mangan, chì, kẽm, đồng, vonfram và vàng.
Nhờ những báu vật trời ban này, người dân Trường Lạc sớm biết cách khai thác, từ đó giúp nâng cao chất lượng đời sống, kinh tế và danh tiếng.
Theo Trang Ly (Nguoiduatin.vn)