Nhật Bản vật lộn với hiện tượng hikikomori

08/04/2023 14:52:26

Một khảo sát mới do Cơ quan Trẻ em và Gia đình của chính phủ Nhật Bản tiến hành cho thấy nước này hiện có khoảng 1,46 triệu người đang xa lánh xã hội, chủ yếu sống bên trong nhà mình.

Họ được gọi là "hikikomori" và theo định nghĩa của chính phủ, những người này sống cô lập trong ít nhất 6 tháng.

Một số người chỉ thỉnh thoảng ra ngoài để mua đồ tạp hóa hoặc tham gia một số hoạt động; một số thậm chí không rời khỏi phòng ngủ. Từ "hikikomori" xuất hiện vào những năm 1980 và vấn đề này đã gây nhiều lo lắng trong thập kỷ qua. Giờ đây, đại dịch COVID-19 càng khiến tình hình thêm tồi tệ.

Cuộc khảo sát trên được tiến hành với 12.249 người. Trong số này, khoảng 2% người ở độ tuổi 15-64 được xác định là hikikomori. Nếu tính cả dân số, tỉ lệ này tương ứng 1,46 triệu người. Những lý do phổ biến dẫn đến cô lập xã hội là mang thai, mất việc, bệnh tật, nghỉ hưu, mối quan hệ cá nhân không tốt… Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu được nói đến trong cuộc khảo sát là COVID-19.

Nhật Bản vật lộn với hiện tượng hikikomori
Một hikikomori bên trong nhà mình ở TP Zushi - Nhật Bản. Ảnh: ABC

Trước đó, một nghiên cứu được công bố hồi tháng 2 cho thấy COVID-19 làm giảm cơ hội tiếp xúc với người khác ở Nhật Bản. Cũng theo nghiên cứu này, dịch bệnh đã làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội hiện có như cô đơn, cô lập và khó khăn về tài chính.

Trước khi đại dịch bùng phát, hikikomori còn gắn liền với khủng khoảng dân số. Với các gia đình của thành viên là hikikomori, vấn đề này đặt ra thách thức kép gọi là "vấn đề 8050", tức chỉ người sống cô lập tuổi 50 sống dựa vào cha mẹ tuổi 80.

Khi đó, nhà chức trách còn nói đến các yếu tố khác, như xu hướng độc thân gia tăng do sức hấp dẫn sụt giảm của hẹn hò và hôn nhân, cuộc sống mạng cũng làm suy yếu các mối quan hệ ngoài đời thực.

Năm 2018, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thành lập một cơ quan hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi hiện tượng hikikomori. Ngoài ra, nhà chức trách địa phương còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, như đến nhà tư vấn và thăm hỏi người bị ảnh hưởng, hỗ trợ người trung niên và cao tuổi ở nhà…

Dù vậy, các dịch vụ này không còn được quan tâm nhiều khi dịch COVID-19 bùng phát. Đến tháng 12-2022, chính phủ Nhật Bản công bố các biện pháp mới nhằm đối phó vấn đề cô đơn, như tiến hành chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và ngăn ngừa tự tử thông qua mạng xã hội, tăng cường nhân viên tư vấn học đường và xã hội, tư vấn điện thoại thường xuyên cho người có ít mối quan hệ xã hội… 

Theo Anh Thư (Nld.com.vn)

Nổi bật