Trung Quốc đã và đang có nhiều hành động đơn phương hòng thay đổi hiện trạng trên biển (biển Đông, biển Hoa Đông) bằng sức mạnh, đi ngược luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục phản đối những hành động như vậy của Trung Quốc… Trung Quốc cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình”, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói.
Theo vị quan chức này (đề nghị không nêu tên), trong 8 năm qua, số lần Không quân Nhật Bản cho máy bay cất cánh để đối phó phi cơ Trung Quốc tăng xấp xỉ 27 lần, trong khi số tàu thuyền Trung Quốc tới sát Senkaku/Điếu Ngư, trong đó có một tàu ngầm Trung Quốc hồi tháng trước cũng tăng mạnh.
“Một điểm đáng lưu ý là ba tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc được cải hoán để gia nhập lực lượng hải cảnh nước này và cả ba đều từng đi vào khu vực xung quanh Senkaku”, vị quan chức nói. Cụ thể, tàu khu trục Jiangwei-I được cải hoán thành tàu cảnh sát biển CCG Haijing. Với mức giãn nước 12.000 tấn, Haijing (Hải Cảnh) 2901 của Trung Quốc là tàu cảnh sát biển lớn nhất thế giới (tàu lớp Aegis của Mỹ chỉ khoảng 8.000-9.000 tấn). Haijing 2901 được lắp pháo cỡ nòng 76mm, súng máy phòng không… nên sức mạnh tương đương tàu chiến cỡ trung bình.
Ngoài khiêu khích trên biển Hoa Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa trên biển Đông, khiến nhiều nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Nhật Bản và Mỹ, đặc biệt quan ngại.
Theo vị quan chức này, Nhật Bản phản đối việc quân sự hóa đảo nhân tạo và kêu gọi các nước liên quan, cộng đồng quốc tế có động thái để giữ nguyên hiện trạng, không để căng thẳng leo thang. Nhật Bản cũng giúp các nước trong khu vực nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển như cung cấp tàu tuần tra, hỗ trợ kỹ thuật… “Không chỉ giúp nâng cao năng lực thực thi pháp luật, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận, xử lý những mong muốn cụ thể của Việt Nam”, vị quan chức Nhật Bản nói.
“Về an ninh biển, Nhật Bản và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết các vấn đề biển phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau về các biện pháp duy trì trật tự trên biển theo luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải”, ông Shogo Toyota, điều phối viên cao cấp về các vấn đề an ninh Nhật-Mỹ (Bộ Ngoại giao Nhật Bản), khẳng định. Theo một quan chức chính phủ Nhật Bản (giấu tên), phía Nhật Bản cũng đặt ra “lằn ranh đỏ”, chuẩn bị các phương án cụ thể để đối phó tình huống xấu nhất xảy ra với các đảo tranh chấp, ví dụ Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Ông Shogo dẫn điều 5 hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ: “Mỗi bên nhận thức rằng, một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một trong hai bên, diễn ra trong lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an toàn của mình và mỗi bên tuyên bố rằng sẽ hành động để đối phó mối nguy hiểm chung…”. Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý, ông lưu ý.
ASEAN, Trung Quốc sắp khởi động đàm phán COC tại Việt Nam
Ngày 5/2, các quan chức cao cấp ASEAN (SOM) nhóm họp tại Singapore. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp. Ngoài việc thống nhất chương trình nghị sự và chương trình hoạt động của Hội nghị hẹp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, các trưởng SOM kiểm điểm triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, đề cập nội dung các chủ đề hợp tác ASEAN 2018 và hoàn thiện thêm một bước các văn kiện trước khi trình các bộ trưởng xem xét, thảo luận về các hoạt động đối ngoại của ASEAN, trong đó có phương thức xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Được biết, ASEAN và Trung Quốc sẽ chính thức khởi động đàm phán về COC đầu tháng 3 tới tại Việt Nam.Tháng 8 năm ngoái, ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua phần khung COC.
“Nhật Bản kêu gọi các bên sớm hoàn tất COC hiệu quả, dựa trên luật pháp quốc tế”, một quan chức chính phủ Nhật Bản trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 5/2. Ngoài ra, Nhật Bản coi phán quyết “cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý” của Tòa trọng tài ngày 12/7/2016 (về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan yêu sách “đường lưỡi bò”) là “một nền tảng hữu ích cho việc gia tăng nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông”, vị này nói.
Với quan điểm không quốc gia nào có thể đơn độc duy trì hòa bình và an ninh của mình, Nhật Bản và Mỹ coi trọng hợp tác quốc phòng-an ninh với các đồng minh, đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản đồng thời thúc đẩy hợp tác ba bên với Mỹ-Úc, với Mỹ-Hàn Quốc, với Úc-Ấn Độ, với Mỹ-Ấn Độ và hợp tác bốn bên với Mỹ-Úc-Ấn Độ.
Theo Minh Trang (Tiền Phong)