"Ở Italy và Tây Ban Nha cách đây một tháng, chúng ta đã thấy có quá nhiều bệnh nhân nhưng không đủ máy thở, thậm chí giường bệnh. Điều đó nghĩa là các bác sĩ cần đưa ra quyết định họ sẽ điều trị cho ai," Fuminobu Ishikura, 64 tuổi, chuyên gia tim mạch nói.
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ phải quyết định sẽ điều trị cho bệnh nhân cao tuổi cần chăm sóc nhưng khó có khả năng qua khỏi, hay ưu tiên cho các bện nhân trẻ tuổi có khả năng sống sót cao hơn, Ishikura nói.
"Đó là quyết định rất khó khăn. 20 năm trước, tôi làm việc tại phòng cấp cứu, tôi biết các bác sĩ phải trải qua điều gì. Các đồng nghiệp của tôi và các bác sĩ trẻ phải có những quyết định sinh tử, điều đó ảnh hưởng tới họ," vị bác sĩ nói thêm.
Ishikura đưa ra ý tưởng về "thẻ đồng tình", tạo mẫu thẻ để người dân có thể tải về từ website cá nhân của ông, ít lâu sau khi được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt hồi tháng 02. Ông nói không rõ bao nhiêu người đã tải mẫu thẻ, tuy vậy trang web đã được truy cập hàng ngàn lần.
Tuy vậy, ý tưởng của bác sĩ Ishikura vấp phải chỉ trích kịch liệt.
Hôm 23/04, Hiệp hội cha mẹ của trẻ em mắc Hội chứng Down ra thông báo cho rằng ý tưởng của ông Ishikura khiến những người khuyết tật bị kỳ thị và không được điều trị đúng mức.
Thông báo nói thêm rằng "cuộc sống của những người khuyết tật nên được trân trọng đúng mức", và rằng hiệp hội lo ngại nếu ý tưởng của ông Ishikura thu hút được sự chú ý, những người "yếu thế" trong xã hội sẽ bị bỏ rơi. Tổ chức này cũng cho rằng thay vì ưu tiên điều trị, chính phủ cần cải thiện chất lượng của dịch vụ y tế và các cơ sở khám chữa bệnh.
Ý tưởng này cũng gây ra nhiều cuộc tranh cãi trên mạng xã hội và các diễn đàn internet.
"Mọi cuộc đời đều quý báu, đáng trân trọng. Quyết định điều trị cho ai trước cần được đưa ra dựa trên các quy tắc phân loại bệnh nhân khách quan, không phải tính toán chủ quan xem cuộc sống của ai đáng qúy hơn," một người dùng viết trên website Japan Today.
"Tôi biết người ta sẽ nói đây là tự nguyện, nhưng áp lực xã hội sẽ khiến người cao thuổi thấy họ cần mang theo những tấm thẻ như vậy, dù họ có đồng tình hay không," một người khác bình luận.
Nhật Bản hiện đã ghi nhận gần 17.000 ca nhiễm và 744 trường hợp tử vong vì Covid-19 tính tới 18/05, tuy vậy hệ thống y tế của nước này được đánh giá là chưa gặp tình trạng quá tải.
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo làn sóng thứ hai của dịch bệnh có thể sẽ gây khó khăn cho ngành y tế Nhật Bản, với tỷ lệ trung bình chỉ 5 giường bệnh điều trị tích cực trên mỗi 10.000 người, thấp hơn Italy (13) và Đức (29).
Một số ý kiến bày tỏ quan điểm ủng hộ Ishikura, cho rằng khi thiếu thốn vật tư y tế, các bác sĩ vẫn sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn, và thực tế là sẽ có một số bệnh nhân khó qua khỏi.
"Không có những thảo luận nặng nề như thế này giống như đà điều chỉ biết giấu đầu dưới cát. Chúng ta cần có những biện pháp thích hợp ở thời điểm khó khăn, khi biết rằng sẽ không thể có kết quả lý tưởng cho mọi tình huống. Việc đưa ra thảo luận như thế này không phải là đáng trách," một bình luận cho hay.
Bác sĩ Ishikura khẳng định đề xuất của ông chỉ mang tính chất tự nguyện.
"Tôi nghĩ, và tôi hy vọng, bản thân sẽ sống thêm được vài năm. Nhưng tôi quyết định nếu nhiễm virus corona, cuộc đời tôi sẽ ngắn hơn nhiều người khác, vậy nên tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu người trẻ tuổi nhận được sự chăm sóc mà tôi có thể sẽ nhận được. Bên cạnh đó, những người ở thế hệ của tôi đều đã 60, 70 tuổi. Chúng tôi không phải trải qua nỗi đau chiến tranh. Chúng tôi sống ở thời kỳ kinh tế thịnh vượng nhất của Nhật Bản. Chúng tôi đã có một cuộc đời tuyệt vời," ông nói.
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)