Cảnh sát được điều động tới hiện trường vụ việc là căn nhà nơi vợ chồng Kenichi và Shiho sống tại Tokyo (Nhật Bản) hồi năm ngoái sau khi nhận tin báo nạn nhân Yoshiki Hosoya bất tỉnh. Nạn nhân sau đó được xác định tử vong tại một bệnh viện.
Quá trình điều tra, cảnh sát có nhiều nghi ngờ về cái chết của Yoshiki và đã thu thập đủ bằng chứng để xin lệnh bắt giữ vợ chồng Kenichi và Shiho Hosoya, báo chí địa phương đưa tin. Báo cáo khám nghiệm tử thi ho thấy trong cơ thể nạn nhân có chất chống đông ethylene glycol và một lượng lớn thuốc olanzapine vốn được dùng để điều trị các bệnh tâm thần.
Kiểm tra máy tính của cặp đôi cho thấy các hoạt động đặt mua chất ethylene glycol và thuốc olanzapine. Truyền thông địa phương cũng đưa tin chất ethylene glycol có trong thi thể của chị gái Hosoya, người đã qua đời hồi năm 2018 ở tuổi 41.
"Đây là một vụ án đau lòng, nhưng cũng hiếm gặp," Fujiko Yamada, người sáng lập Trung tâm Điều trị Trẻ em Bị bạo hành ở tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) cho biết. "Cái chết của Yoshiki dường như đã được vạch sẵn và lên kế hoạch từ lâu, trong khi đa số các vụ án bạo hành khiến trẻ em tử vong đều là bộc phát".
"Tất nhiên trong các trường hợp đó trẻ em có thể đã bị bạo hành thời gian dài, nhưng nạn nhân tử vong thường là đột ngột," bà cho biết thêm.
Hầu hết các vụ án bạo hành trẻ em ở Nhật Bản xuất phát từ việc cha mẹ muốn thể hiện quyền uy và động cơ không phải là giết hại con cái, theo bà Yamada. Đây là điều khiến vụ việc của gia đình Hosoya càng trở nên hiếm gặp hơn.
Thống kê của cảnh sát Nhật Bản cho thấy số vụ bạo hành trẻ em tăng cao kỷ lục trong năm ngoái. Giới chuyên gia cho rằng các bậc phụ huynh ngày càng phải chịu nhiều sức ép giá cả leo thang và mức lương trì trệ đã khiến họ trút giận lên con cái.
Bên cạnh đó, số trường hợp phát hiện cũng tăng cao do trường học hiện nay rất chủ động xác nhận nạn nhân.
Năm 2023 Nhật Bản ghi nhận 122.806 trường hợp bạo hành được báo cáo tới các trung tâm chăm sóc trẻ em, tăng 6,1% so với một năm trước đó.
Diệu Linh (SHTT)