Trên mạng xã hội và trên truyền hình, người dân Ấn Độ kêu gọi hỗ trợ oxy cho thân nhân của họ nhiễm Covid-19 hoặc gào khóc trên phố vì người thân qua đời khi chờ đợi được chữa trị ở các bệnh viện đã quá tải.
Một người phụ nữ khóc hết nước mắt vì cái chết của em trai 50 tuổi. Ông này bị hai bệnh viện từ chối, và qua đời khi đang chờ đợi bệnh viện thứ ba xem xét tiếp nhận. Oxy trong bình cạn kiệt, ông thở khó nhọc rồi lịm dần.
Trong năm ngày liên tiếp, Ấn Độ lập kỷ lục thế giới về số ca nhiễm Covid-19 mới. Tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên tồi tệ khi giới chuyên gia lo ngại một biến chủng mới hiểm độc hơn có thể đang lây lan rất nhanh.
Hôm 26/04, Ấn Độ ghi nhận hơn 350.000 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên hơn 17 triệu, chỉ đứng sau Mỹ. Bộ Y tế Ấn Độ cũng báo cáo hơn 2.800 trường hợp tử vong, khiến tổng số người chết vì căn bệnh vượt 195.000.
Dù vậy, số người chết có thể chưa được báo cáo đầy đủ, do các ca nghi nhiễm không được liệt kê và nhiều trường hợp chết vì Covid-19 nhưng lại được xác định nguyên nhân do bệnh nền.
Cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng nhất tại Ấn Độ được thể hiện rõ ràng nhất trong những hình ảnh được chụp tại các nghĩa trang hay cơ sở hỏa táng, hoặc những tấm hình bệnh nhân chết dần trong lúc chờ đợi được chữa trị.
Các nghĩa trang tại thủ đô New Delhi nhanh chóng hết chỗ trống. Những ngọn lửa bốc lên từ các cơ sở sản xuất ở những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề khác thắp sáng bầu trời đêm.
Ở thành phố Bhopal, một số cơ sở hỏa táng phải năng công suất hoạt động, mở rộng từ 12 giàn thiêu lên 50. Thế nhưng mọi người vẫn phải xếp hàng dài chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ để hỏa thiêu người thân.
Tại cơ sở Bhadbhada Vishram Ghat, các công nhân nói hôm 24/04 họ đã hỏa táng hơn 110 người, dù số liệu chính thức của cả thành phố 1,8 triệu dân cho thấy chỉ có 10 trường hợp chết vì Covid-19.
"Virus như một con quái vật đang nuốt chửng người dân trong thành phố," Mamtesh Sharma, một quan chức tại cơ sở này cho biết.
Lượng lớn thi thể cần được xử lý khiến các cơ sở hỏa tán bỏ qua các nghi thức tang lễ mà người Hindu tin rằng cần phải được thực hiện để linh hồn có thể được giải thoát khỏi vòng luân hồi.
"Cứ có thi thể đến là chúng tôi hỏa thiêu luôn. Như thể chúng tôi đang ở giữa một cuộc chiến tranh vậy," Sharmar cho biết.
Mohammad Shameem, người đào mộ tại nghĩa trang Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô New Delhi, nơi khoảng 1.000 người được chôn cất từ khi đại dịch bùng phát, cho biết hiện nay thi thể được đưa về nhiều hơn so với năm ngoái.
"Tôi sợ chúng tôi sẽ sớm hết chỗ trống," Mohammad Shameem nói.
Tình hình tại các bệnh viện cũng không khả quan hơn là bao. Các bệnh nhân phải xếp hàng dài chờ giường trống để được điều trị, nhiều người bệnh tình trở nặng và tử vong trước khi gặp bác sĩ.
Giới chúc đang nỗ lực mở rộng các đơn vị điều trị tích cực, tích trữ thêm oxy cho bệnh nhân. Các bệnh viện cũng như bệnh nhân đều vất vả trong việc tìm kiếm trang thiết bị y tế, đôi khi phải mua từ chợ đen.
Tình cảnh thảm khốc trên trái ngược với tuyên bố "không ai ở Ấn Độ thiếu oxy" của Tổng Cố vấn Pháp luật Tushar Mehta trước Tòa án Cấp cao Delhi.
Bị bất ngờ trước tình trạng số ca nhiễm tăng nhanh, chính quyền liên bang Ấn Độ đã đề nghị các nhà sản xuất tăng cường sản lượng oxy và các loại thuốc đang khan hiếm khác. Tuy vậy, giới chuyên gia nói Ấn Độ đã có cả một năm để chuẩn bị, nhưng cuối cùng vẫn bị động.
Tiến sĩ Krutika Kuppalli, phó giáo sư y học thuộc khoa bệnh truyền nhiễm ở Đại học Y Nam Carolina cho rằng chính phủ Ấn Độ từ năm ngoái lẽ ra nên tích trữ thuốc và phát triển các hệ thống y tế đối phó với một làn sóng dịch bệnh mới.
"Quan trọng nhất là lẽ ra họ phải nhìn vào những gì xảy ra tại các khu vực khác trên thế giới để hiểu rằng việc họ rơi vào tình cảnh tương tự chỉ là vấn đề thời gian," Kuppalli nói.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)