Những gánh nặng tâm lý
“Một buổi sáng, con gái tôi kể rằng nó nghe thấy tôi hét trong lúc ngủ: ‘Tôi đã nói với các người rằng đừng rời khỏi tòa nhà, hãy quay lại bên trong ngay’. Tôi nhận ra rằng, vì tôi không thể nói những điều này ra vào ban ngày, nên tâm trí tôi chỉ còn cách trút giận trong những giấc mơ của mình”, Liu trần tình.
Người phụ nữ 40 tuổi này đã bị mất ngủ và căng thẳng trong nhiều tuần sau khi được giao nhiệm vụ giám sát và thực thi các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt tại quận Hoàng Cô - một cụm các tòa nhà chung cư ở phía bắc thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh).
Là người đứng đầu ủy ban khu dân cư quận Hoàng Cô, Liu chịu trách nhiệm theo dõi hơn 10.000 cư dân với các nhiệm vụ như: kiểm tra nhiệt độ, ghi chép nhật ký đi lại của cư dân và đảm bảo những người được yêu cầu tự cách ly phải ở yên trong nhà.
Các ủy ban dân cư, vốn là trụ cột của hệ thống quản lý cấp địa phương của Trung Quốc, giúp các chính sách của nhà nước được thực thi sâu rộng trong xã hội, từ kế hoạch hóa gia đình đến phân loại rác trong các khu phố.
Kể từ cuối tháng 1, những nhân viên cộng đồng đã trở thành những người lính trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi các ủy ban dân cư là “tuyến phòng thủ”đầu tiên và quan trọng nhất của đất nước.
Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng nhiều thành viên trong các ủy ban dân cư như Liu đang có dấu hiệu kiệt sức, vì thời gian làm việc dài và chịu áp lực liên tục từ cấp trên và những người dân xung quanh.
Một ngày của Liu bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 10 giờ tối, bảy ngày một tuần trong gần hai tháng. “Công việc này khiến tôi kiệt sức. Thực chất công việc vẫn đeo bám kể cả khi tôi về nhà. Điện thoại của tôi luôn bật 24/24 đề phòng có trường hợp khẩn cấp”, người phụ nữ chia sẻ.
Công việc trở nên căng thẳng hơn bởi nhiều người dân phẫn nộ về các quy tắc phòng, chống dịch của chính quyền. Mâu thuẫn xảy ra mỗi ngày, khi những người dân trút giận vào đầu những người như Liu.
“Chúng tôi đã bị họ la mắng khi nhắc nhở họ không được đậu xe ở khu vực cấm đỗ xe, chúng tôi tranh cãi với những người không chịu đeo khẩu trang và khăng khăng rời đi mà không được phép. Tôi hiểu rằng mọi người đều thất vọng vì dịch bệnh”, cô nói.
Dù mâu thuẫn xảy ra với Liu không leo thang thành những xung đột, nhưng cảnh tượng xô xát giữa các nhân viên cộng đồng và người dân không hề hiếm tại Trung Quốc những ngày này.
Tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây), một người đàn ông đã hành hung một nhân viên cộng đồng sau khi bị nhắc nhở. Còn ở Đại Liên, một thành phố cách Thẩm Dương 400 km về phía nam, một người dân đã vứt túi đầy rác và chất thải vào bàn làm việc của các nhân viên cộng đồng.
Nguồn cơn của những xung đột này bắt nguồn từ việc ủy ban dân cư cố gắng thực thi các quy tắc kiểm dịch. Theo luật, bất kỳ ai trở về từ các khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh cao như Vũ Hán hoặc Ôn Châu đều phải ở trong nhà hoặc một khách sạn được chỉ định trong 14 ngày, nhưng Liu nói rằng một số người đã cố gắng lẻn ra khỏi nhà.
“Không phải ai cũng sẵn sàng bị nhốt trong khách sạn, vì vậy một số người nói dối”, Liu nói. “Chúng tôi phải nghe từng tiếng động bên trong căn hộ của họ và hỏi hàng xóm xung quanh, chỉ để tìm hiểu xem họ có nói thật không”.
Tỉnh Liêu Ninh chỉ ghi nhận 125 trường hợp nhiễm Covid-19 và 1 trường hợp tử vong vào thứ Hai tuần này - không có trường hợp nào xuất hiện tại Hoàng Cô. Nhưng Thẩm Dương vẫn phải gồng mình chống dịch từ bên ngoài, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát tại Hàn Quốc – vốn chỉ cách đó 2 giờ bay. Ủy ban của bà Liu đã được lệnh gọi điện kiểm tra 4.700 hộ gia đình tại Hoàng Cô để xác nhận những ai từng đến hoặc về từ Hàn Quốc – một nhiệm vụ phải mất tới 2 tuần để hoàn thành.
“Từ trước đến nay, chúng tôi đã có rất nhiều cư dân trở về từ Hàn Quốc hoặc các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi có thể buông lơi, bởi vì bạn không bao giờ biết điều gì có thể xảy ra”, Liu nói.
Những đường dây tư vấn tâm lý
Sự căng thẳng của việc giải quyết khối lượng công việc khổng lồ - chưa kể đến nỗi sợ bị nhiễm bệnh thường khiến cô mất ngủ hàng đêm. Trường hợp của Liu không phải là duy nhất.
Các trung tâm trị liệu sức khỏe tâm thần đã báo cáo sự gia tăng số lượng các nhân viên cộng đồng gọi điện để xin trợ giúp trong những tuần gần đây.
“Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng các cuộc gọi từ các nhân viên cộng đồng kể từ đầu tháng 2”, theo Zhang Gaoyang, một tình nguyện viên tư vấn tâm lý tại Thẩm Dương. “Họ có thể gặp khó khăn trong công việc thường ngày. Ngoài ra, họ có thể có những thành viên gia đình dễ bị tổn thương. Các nhân viên cộng đồng thường nói với chúng tôi rằng họ lo sợ sẽ lây bệnh cho gia đình mình do thường xuyên tiếp xúc với người lạ”.
Wu Kankan, một chuyên gia về sức khỏe tâm thần sau thảm họa tại Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết các nhân viên cộng đồng đặc biệt dễ bị tổn thương, vì họ được yêu cầu phải chăm sóc người khác thay vì đặt sức khỏe của họ lên hàng đầu.
“Họ có nguy cơ bị kiệt sức trong công việc và cần sự can thiệp tâm lý tích cực, nhưng điều này hiếm khi xảy ra. Đơn giản là họ không có thời gian để tìm kiếm sự giúp đỡ”, ông Wu chia sẻ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kiệt sức trong công việc, đặc biệt là trong tình trạng dịch bệnh lan rộng như ở Trung Quốc, có thể dẫn đến kiệt sức về cảm xúc, giảm cảm giác hoàn thành trách nhiệm cá nhân và có biểu hiện tiêu cực với công việc.
Chính phủ Trung Quốc dường như nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Vào ngày 3/3, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các quan chức địa phương ban hành một loạt các biện pháp hỗ trợ các ủy ban dân cư, bao gồm đảm bảo nhân viên cộng đồng được nghỉ nhiều ngày hơn.
Nhiều chính quyền địa phương và các tổ chức khác đã thiết lập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần miễn phí kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, với 440 đường dây nóng mới được đưa ra vào giữa tháng 2, theo chính phủ Trung Quốc.
Theo Xu Xinyue, tình nguyện viên tư vấn tâm lý, cho biết các nhân viên cộng đồng không phải là những người gọi tới phổ biến nhất, nhưng những khó khăn của họ có xu hướng nghiêm trọng hơn so với tình trạng của những người khác.
“Công việc của họ hết sức khó khăn và nguy hiểm”, Xu nói. “Sau đó, tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những người làm việc trong cộng đồng bị cư dân chỉ trích hoặc đổ lỗi một cách không công bằng cho những việc họ đã làm. Nhưng tôi chưa từng nghe qua bất kỳ trường hợp nào về việc họ chống trả lại người dân”.
Theo Xu, sự tích tụ của những cảm giác tiêu cực như giận dữ và thất vọng có thể trở thành nguồn gốc của sự lo lắng, và vì vậy sẽ rất hữu ích nếu họ gọi điện để nói ra nỗi lòng.
“Một số người nói rằng họ rất buồn vì để con cái ở nhà trong hơn một tháng và họ không biết khi nào thì dịch bệnh sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, họ đã tiết lộ tất cả những cảm xúc bị đè nén với chúng tôi”, Xu nói.
Zhang Gaoyang cho rằng kiệt sức và mất ngủ là những triệu chứng phổ biến trong số các nhân viên cộng đồng mà cô đã nói chuyện.
“Những gì họ trải qua - sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn, tức giận, tất cả đều rất bình thường và dễ hiểu”, Zhang nói. “Chúng tôi cũng giúp họ tìm kiếm mục đích sống. Điều này giúp họ nhận ra họ đang chiến đấu cho điều gì”.
Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, các nhân viên cộng đồng ít có khả năng mắc các chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương kéo dài sau khi xảy ra dịch bệnh, trừ khi họ hoặc người thân của họ bị nhiễm bệnh.
“Họ biết mình là một người lính trong trận chiến này và họ biết rằng họ không chiến đấu một mình”, Wu nói.
Vấn đề chính là đảm bảo nhân viên cộng đồng được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và khuyến khích họ sử dụng chúng. Mặc dù công nghệ đã khiến mọi thứ vận hành dễ dàng hơn, ví dụ như giúp đặt tư vấn thông qua các ứng dụng phổ biến WeChat và Alipay, nhưng nhiều người Trung Quốc không muốn tư vấn, Wu chỉ ra.
Theo một cuộc khảo sát năm 2013, chưa đến một nửa số người trưởng thành Trung Quốc có vấn đề về tâm lý đã sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Wu nói rằng sự kỳ thị về văn hóa xung quanh sức khỏe tâm thần là một phần đáng trách.
“Văn hóa của chúng tôi quan niệm rằng thà đổ máu hơn là rơi nước mắt”, Wu nói. “Nếu bạn đề cập đến việc đi trị liệu tâm lý, thì gần như bạn bị coi là bệnh nhân tâm thần”.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang giúp thay đổi quan niệm của người Trung Quốc về sức khỏe tâm thần.
Vào ngày 10/2, Chen Xuefeng, một chuyên gia tâm lý tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã được mời để thảo luận về các vấn đề sức khỏe tâm thần trong một cuộc họp báo do chính phủ tổ chức.
“Đây là tất cả những thay đổi tích cực có thể giúp loại bỏ chủ đề kỳ thị về sức khỏe tâm thần”, Wu nói.
Liu đã gọi cho đường dây nóng lần đầu tiên cách đây vài tuần. Cô nói rằng các tư vấn viên đã cho cô một không gian để giải tỏa cảm xúc và gợi ý những cách thiết thực để thư giãn trước khi đi ngủ, chẳng hạn như xem phim và nghe nhạc nhẹ. Cô dự định sẽ gọi lại cho họ sớm, một khi có thời gian nghỉ.
“Công việc rất căng thẳng và đòi hỏi tập trung cao độ, nhưng tôi sẽ không nản lòng, dù thế nào đi nữa”, Liu nói.
Theo Bắc Hiệp (Ngaynay.vn)