Video về vụ tấn công đã được quay ở nhiều góc độ và nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông. Điện Kremlin ngay lập tức ra tuyên bố cáo buộc Ukraine âm mưu ám sát Tổng thống Putin và cam kết sẽ đáp trả. Còn chính phủ Ukraine phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, khẳng định họ không hề hay biết về vụ việc này.
Tổng thống Ukraine Zelensky – người đang có chuyến thăm Phần Lan vào thời điểm đó nêu rõ: “Chúng tôi không tấn công ông Putin hay Moscow. Chúng tôi đang chiến đấu trên lãnh thổ của mình, bảo vệ làng mạc và thành phố của chúng tôi. Chúng tôi không có đủ vũ khí để làm chuyện đó”.
Các chuyên gia vẫn đang cố gắng lý giải về vụ tấn công bằng UAV vào Điện Kremlin và hệ lụy của nó, cũng như những điều xảy ra tiếp theo. Một số người cho rằng, lực lượng đặc nhiệm của Ukraine có thể đã xâm nhập vào lãnh thổ Nga và gây ra vụ tấn công, song những người khác suy đoán, các đảng phái đối lập của Nga có thể đứng sau vụ việc hoặc đây là kịch bản do chính Moscow dàn dựng.
Dù rất nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng các nhà phân tích đều có chung lo ngại rằng vụ tấn công có thể đã vượt quá “giới hạn đỏ” hạt nhân tiềm tàng của Nga và ném “quả bom hẹn giờ” vào cuộc xung đột Nga-Ukraine vốn đã rất khốc liệt.
Trong bài bình luận trên tờ Atlantic, cây bút Brynn Tannehill cho rằng, cuộc chiến Nga-Ukraine có thể trở nên nguy hiểm hơn sau khi Moscow tuyên bố “Nga bảo lưu quyền tiến hành các biện pháp trả đũa ở bất cứ thời điểm và địa điểm nào phù hợp”.
Ukraine có khả năng thực hiện vụ tấn công?
Ukraine được cho là đã gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào lãnh thổ Nga thời gian gần đây, trong đó có một số vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu và căn cứ không quân chiến lược gần thành phố Ryazan, cách Moscow 241km. Chỉ riêng sáng ngày 4/5, các quan chức Nga đã thông báo về một số vụ tấn công bằng UAV vào 2 cơ sở lọc dầu ở miền Nam nước này.
Theo giới phân tích, quân đội Ukraine dường như đang đặt cược vào hiệu quả của máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Economist dẫn lời một quan chức trong ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine cho biết, quân đội nước này sẽ đạt được “năng lực công nghệ cao” trong chương trình phát triển UAV thời gian tới.
Vụ việc xảy ra tại Điện Kremlin ngày 3/5 đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên vào thủ đô Moscow của Nga kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2/2022. Các tài liệu tình báo bị rò rỉ của Mỹ cho biết, Ukraine từng có ý định tấn công Moscow vào ngày 24/2/2023 – tròn 1 năm xung đột diễn ra, nhưng đã từ bỏ kế hoạch này sau khi chịu áp lực từ Mỹ.
Một số quan chức Ukraine đã quy trách nhiệm về vụ tấn công cho các nhóm đối lập Nga. Ông Mykhailo Podolyak - Cố vấn của Tổng thống Ukraine cho rằng: “Những máy bay không người lái xuất hiện tại các cơ sở năng lượng của Nga hoặc trong khu vực Điện Kremlin có thể là do phe đối lập Nga điều hành. Bạn biết đấy, UAV có thể được mua tại bất cứ cửa hàng thiết bị quân sự nào”. Ngoài ra, quan chức này suy đoán Nga có thể cố gắng dàn dựng vụ tấn công để đánh lạc hướng Kiev và giành thế chủ động, thậm chí tìm lý do để biện minh cho các vụ tấn công liên tiếp vào lãnh thổ Ukraine.
Cũng có giả thuyết cho rằng, Ukraine có thể đứng sau vụ tấn công, nhưng không nhằm mục đích ám sát Tổng thống Putin mà là nỗ lực để thể hiện sức mạnh. Mick Mulroy, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng lưu ý: “Mục đích của Ukraine có thể là muốn cảnh báo người Nga rằng họ sẽ bị tấn công ở bất cứ đâu, ngay cả thủ đô Moscow”.
Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân?
Cuộc tấn công Điện Kremlin có thể đổ thêm “dầu vào lửa” trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Chỉ vài giờ sau khi vụ việc xảy ra, Ukraine cho biết, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc pháo kích dữ dội vào thành phố Kherson và các khu vực khác.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói, lựa chọn duy nhất của Moscow sau vụ tấn công Điện Kremlin là đáp trả nhằm vào Tổng thống Zelensky. Cựu Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, thậm chí còn đi xa hơn, với lời kêu gọi trả đũa bằng “một cuộc tấn công hạt nhân” nhằm vào lực lượng Ukraine. Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Hạ viện Nga, ngày 3/5 cho biết sẽ "yêu cầu sử dụng vũ khí có khả năng ngăn chặn và tiêu diệt" người đứng sau vụ tập kích.
Học thuyết hạt nhân của Nga quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công hạt nhân hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa "sự tồn vong" của nhà nước Nga.
Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, đã có một số hình ảnh và thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng Nga đang chuẩn bị triển khai máy bay ném bom chiến lược, với ít nhất 2 đầu đạn hạt nhân được phát hiện tại căn cứ không quân Engels – nơi từng bị tấn công vào cuối năm 2022. Vẫn chưa rõ tính xác thực của các thông tin này, nhưng giáo sư nghiên cứu chiến lược Phillips O’Brien tại Đại học St. Andrews đã hạ thấp khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân đối phó với Ukraine: “Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cỡ nhỏ có thể chưa đủ để Nga phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân”.
Ủy ban điều tra Nga đã mở một cuộc điều tra về vụ việc song chưa ban bố lệnh bắt giữ nào. Do mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công, giới quan sát lo ngại điều này có thể kéo theo những động thái quyết liệt hơn của Moscow trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine trong bối cảnh Kiev chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công lớn nhằm tạo ra bước ngoặt trên chiến trường.
Sputnik dẫn nhận định của chuyên gia của Nga cho rằng, vụ tấn công đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho toàn cầu. “Cần phải thông báo cho phía bên kia, và trên hết là Washington rằng, UAV cũng có thể sớm bay tới Nhà Trắng. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, liên quan đến chủ nghĩa khủng bố quốc tế và những người đang che đậy nó”, chuyên gia Alexander Mikhailov, người đứng đầu Cục Phân tích Chính trị-Quân sự Nga nhấn mạnh./.
Theo Hồng Anh (Vov.vn)