Quách Xung Chi (Guo Chongzhi), 70 tuổi, người Trùng Khánh, Trung Quốc từng là cựu giám đốc nhà máy Van tổng hợp Trùng Khánh (thành lập năm 1971) với hơn 400 công nhân trong thời kì đỉnh cao, tờ SCMP mở đầu đoạn giới thiệu.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế đã buộc nhà máy phải đóng cửa vào năm 2000 và tòa nhà đã bị phá dỡ vào năm 2018 theo kế hoạch thu hồi đất của thành phố.
Mãi đến tháng 3 năm ngoái, ông Quách mới nhận được 7,7 triệu nhân dân tệ (26,8 tỷ đồng) tiền bồi thường cho phần đất của công ty ông trong diện giải tỏa. Khoản tiền này khiến vị cựu giám đốc vô cùng phân vân trong việc chi chả cho những công nhân ngày xưa bởi nhiều lý do khác nhau bởi theo ông Quách, mọi công nhân ngày đó của ông bất kể nghỉ hưu hay vẫn đang làm việc đều xứng đáng được nhận số tiền này.
Sau nhiều cuộc họp, cuối cùng ông Quách quyết định chia số tiền đền bù làm hai phần trong đó, 35% cho các nhân viên đã nghỉ hưu và 65% còn lại cho những người cống hiến tận tới lúc nhà máy đóng cửa. Số tiền này vẫn tiếp tục được chia nhỏ hơn tùy vào thời gian làm việc của mỗi người tại nhà máy.
"Quãng thời gian đó là thời kỳ cực căng thẳng, tôi gần như mất ngủ mỗi đêm và chỉ ngủ nhiều nhất là 1 đến 2 tiếng là tỉnh. Tôi sụt khoảng 3kg trong chỉ nửa tháng", ông Quách chia sẻ.
Không những vậy, việc tìm kiếm những nhân viên đã từ chức, nghỉ hưu hay qua đời cũng là một nhiệm vụ khó khăn bởi nhà máy đã đóng cửa từ lâu.
Vị giám đốc đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để truy tìm những người này, bao gồm đăng thông báo "người mất tích" trong cộng đồng và yêu cầu cảnh sát cung cấp thông tin liên lạc. Ông cũng đã liên hệ với nhiều cơ quan truyền thông và qua đó cũng giúp ông tìm được khoảng 20 người.
Một nhân viên đã nghỉ việc, Văn Chi Hồng (Wen Zhihong), bị bệnh nan y và đã nhận được số tiền này ngay trước khi qua đời.
“Mẹ tôi bị ung thư và không còn nói được nữa. Bố tôi mang tiền đến giường bệnh để bà an tâm. Bà đã qua đời sau vài ngày nhìn thấy số tiền bồi thường đó. Gia đình chúng tôi thực sự biết ơn Giám đốc Quách”, con trai bà cho biết.
Trong số 406 nhân viên mà ông Quách lập danh sách, đã có 371 người đã nhận được số tiền bồi thường. Đối với 35 cá nhân còn lại vẫn chưa được tìm thấy, vị cựu giám đốc đang nhờ đến sự giúp đỡ của giới truyền thông.
“Mọi thứ đã sẵn sàng cho những nhân viên này, chúng tôi chỉ chờ họ đến, ký và nhận tiền thôi,” ông nói.
Hành động của Quách được cộng đồng mạng Trung Quốc khen ngợi rộng rãi.
“Những người khác sẽ tìm cách tránh việc phải chia số tiền đó, nhưng ông ấy đã nhờ đến sự giúp đỡ từ phương tiện truyền thông để tìm kiếm tung tích của các nhân viên và cố gắng chia sẻ cho họ. Ông ấy thực sự là người đáng kính trọng”, một người viết.
QT (SHTT)