Nhà Trắng rạn nứt vì Putin

14/10/2015 13:35:11

Sự can thiệp quân sự của Tổng thống Nga vào Syria đang tạo ra những rạn nứt mới bên trong đội ngũ an ninh quốc gia vốn đã rất mệt mỏi của Chính phủ Mỹ.

Sự can thiệp quân sự của Tổng thống Nga vào Syria đang tạo ra những rạn nứt mới bên trong đội ngũ an ninh quốc gia vốn đã rất mệt mỏi của Chính phủ Mỹ.

 
Theo tạp chí Politico, nhiều quan chức đã và đang làm việc trong chính quyền Obama nhìn nhận, việc ông Obama miễn cưỡng phản ứng quyết liệt hơn trước người đồng cấp Putin đang báo hiệu sự yếu kém và thiếu quả quyết của Mỹ.
 
Một số chuyên gia đánh giá, quyết định của ông Putin can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria sau nhiều năm hỗ trợ gián tiếp chính quyền Bashar al-Assad, đã phá vỡ mọi sức đẩy mà ông Obama từng có sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran.
 

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga trước thềm một cuộc gặp ở trụ sở của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng John Kerry từng hy vọng sẽ bám chặt lấy thỏa thuận này bằng cách hợp tác với người Iran và Nga hòng đạt được dàn xếp chính trị ở Syria, một mục đích nghe có vẻ kỳ cục. Nhưng sự vỡ mộng càng tăng thêm khi Lầu Năm Góc thất bại trong kế hoạch đào tạo và trang bị cho các cánh quân nổi dậy ôn hòa vốn đang ngày càng suy giảm về số lượng.

Mới đây, ông Obama đã nhất trí cung cấp đạn dược cho các chiến binh người Kurd và người Ảrập ở miền bắc Syria. Chương trình đào tạo của Lầu Năm Góc được chuyển đổi mục đích thành trang bị vũ khí cho những tư lệnh quân nổi dậy đáng tin trên thực địa.

Các quan chức cấp trung trong chính quyền Obama cũng được yêu cầu "phủi bụi các kế hoạch cũ", như một người miêu tả, và nghĩ về những cách thức tiếp cận mới với Syria và Nga.

Tuy nhiên, ít người hy vọng những nỗ lực như vậy đạt được hiệu quả.

Việc Nga can dự quân sự vào Syria đã gộp hai bài toán về chính sách ngoại giao của Obama - một nước Nga ngày càng quyết đoán và cuộc nội chiến ở Syria - vào một phương trình khó giải.

Trong các cuộc gặp cấp cao, một số quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Obama luôn thúc ép một phản ứng táo bạo trước hành động của Nga ở Syria. Phe này bao gồm cả Ngoại trưởng John Kerry, người muốn thiết lập một vùng cấm bay ở Syria, nhưng lựa chọn này bị ông Obama nhận xét là "khờ dại".

Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter - một cựu chuyên gia về ngăn chặn hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh - cho rằng Mỹ không đứng vững trước những hành động của ông Putin. Còn Giám đốc CIA John Brennan than phiền ông Putin đang ném bom cả quân nổi dậy được Mỹ ủng hộ ở Syria mà dường như không bị trừng phạt.

Việc Tổng thống Obama từ chối có hành động cứng rắn hơn nữa chống lại Moscow cũng làm cô lập một số chuyên gia Nga trong chính quyền của ông. Gần như tất cả họ đều có lập trường cứng rắn với ông Putin hơn so với Tổng thống.

Obama thậm chí phải đối mặt với một sự phản đối công khai, dưới dạng cuộc phỏng vấn trong chương trình "60 Phút" của đài CBS ngày 11/10.

Tổng thống rõ ràng cảm thấy khó chịu khi người dẫn chương trình Steve Kroft xoáy sâu về những kết quả rất khiêm tốn mà ông đã đạt được trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), và về liệu có đúng ông Putin đã thách thức thành công vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Obama nhắc lại lập luận rằng sẽ là một sai lầm nếu như phản ứng quá mạnh với Putin, người mà ông đánh giá đang thể hiện sự yếu kém, và rằng bãi lầy Syria vô hiệu trước bất kỳ giải pháp "viên đạn bạc" nào mà những người chỉ trích ông muốn áp dụng.

Còn phe không muốn Mỹ dính vào Syria tin rằng, Mỹ có thể thách thức ông Putin mà không cần phải sa chân vào Syria. Cường quốc số 1 thế giới có thể hành động trên nhiều mặt trận khác, từ Bắc Cực tới Đông Âu và Baltic, nơi Nga đang tăng cường các chuyến bay trên vùng trời nước khác.

Trong một bài phát biểu tuần trước tại Hội đồng Đại Tây Dương (một nhóm cố vấn ở Washington), một tư lệnh hải quân cấp cao NATO đề xuất Mỹ hãy hành động mạnh mẽ hơn nữa trước việc Nga triển khai 6 tàu ngầm tấn công lớp Kilo tới Biển Đen.

Vị tư lệnh này, Đô đốc Hải quân Mỹ Mark Ferguson, kêu gọi một phản ứng liên minh tích cực hơn nữa - bao gồm xác định các căn cứ mới mà máy bay tấn công tàu ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ có thể hoạt động.

Hiện chưa rõ liệu ông Obama có xem xét đề xuất này hay không.
 
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)

Nổi bật