Người phát ngôn của Tổng thống Donald Trump cho biết, cảm thấy “phiền lòng” khi xem đoạn video ghi lại cảnh một hành khách châu Á bị kéo lê khỏi máy bay của hãng hàng không Mỹ United Airlines.
“Đó là một sự việc không đáng có. Rõ ràng, khi xem video, bạn cảm thấy phiền lòng bởi cách giải quyết được đưa ra”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer lên tiếng.
Tuy nhiên, ông Spicer khẳng định, chính phủ Mỹ sẽ không khởi động một cuộc điều tra riêng biệt.
“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cơ quan thực thi pháp luật để xem xét tình huống này. Và như tôi biết, United Airlines (UAL) đã tuyên bố sẽ xử lý bê bối này. Chúng ta không nên làm gì trước khi có kết luận cuối cùng”, CNN dẫn lời ông Spicer.
Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ cũng tiết lộ, Trump đã xem video nhưng không đưa ra bất kỳ bình luận nào để tránh ảnh hưởng đến kết quả điều tra.
Cuối cùng, ông Spicer nhấn mạnh, tất cả mọi người đều đồng ý rằng sự việc có thể đã được xử lý tốt hơn.
Nạn nhân vụ bê bối của hãng hàng không United Airlines |
Trước đó, ngày 10/4, một bác sĩ người Mỹ gốc châu Á (69 tuổi) bị nhân viên an ninh thô bạo kéo xuống trên chuyến bay của hãng hàng không United Airlines trong chuyến bay từ thành phố Chicago đến Louisville, bang Kentucky, Mỹ.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chuyến bay của hãng hàng không United Airlines bị bán vé trước quá nhiều, vượt quá số lượng hành khách có thể chuyên chở. Để đảm bảo an toàn, hãng này chọn ngẫu nhiên vài hành khách xuống máy bay.
Một số hành khách đồng ý cách làm của hãng và nhận lại tiền vé. Tuy nhiên, một hành khách khác, tự xưng là bác sĩ, không chấp thuận vì có hẹn với bệnh nhân.
Vị bác sĩ gốc châu Á bị kéo khỏi ghế một cách thô bạo. |
Toàn cảnh quá trình “cưỡng chế” người đàn ông xuống máy bay đã được ghi lại, rồi đăng lên mạng xã hội, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới.
CEO của United Airlines Oscar Munoz. |
Sau khi vụ việc xảy ra, CEO của United Airlines, ông Oscar Munoz, gửi lời xin lỗi đến hành khách, đồng thời cho biết đã bắt tay vào điều tra rõ tình huống không hay trên.
Tuy nhiên, vài tiếng sau đó, ông Munoz lại bênh vực nhân viên của hãng, thậm chí còn gọi vị bác sĩ bị kéo lê là “kẻ phiền hà, hiếu chiến” trong bức thư gửi đến cấp dưới.
Lập tức, vị CEO và hãng United Airlines phải hứng vô số “gạch đá” từ dư luận vì thái độ “ba phải”, thiếu cầu thị.
Trước áp lực quá lớn, ngày 11/4, ông Munoz phải gửi lời xin lỗi thứ 2 đến hành khách về sự cố đáng tiếc ngày hôm trước. Ông này cũng nhấn mạnh, sẽ có câu trả lời thích đáng liên quan đến sự cố kéo lê khách khỏi máy bay vào 30/4 tới.
Tuy vậy, thái độ “thành khẩn” muộn màng này không giúp ông vớt vát được khoản thiệt hại 1,4 tỷ đô la (gần 32.000 tỷ đồng) trong thời gian ngắn do cổ phiếu rớt giá. Đồng thời, cộng đồng mạng thế giới cũng đang kêu gọi tẩy chay hãng hàng không hàng đầu nước Mỹ.
Theo Tú Oanh (Tiền Phong)