Chỉ cách đây 3 tháng, khi đang bận rộn vì sửa nhà, Jacinda Ardern, phó chủ tịch đảng Lao Động New Zealand, từng nói đùa bà sẽ chỉ lên làm chủ tịch nếu toàn bộ đảng của bà “bị tai nạn xe bus” và bà là “người sống sót duy nhất”.
Tình huống đó may mắn không xảy ra. Bà Ardern không những sống sót, mà tuần trước, bà còn trở thành tân thủ tướng của New Zealand, đồng thời là nữ nguyên thủ trẻ nhất thế giới.
Chính trị gia "ngôi sao nhạc rock"
Ở tuổi 37, bà Ardern đã vào hàng ngũ những chính trị gia được truyền thông quốc tế ví như “ngôi sao nhạc rock” giống Barack Obama ở Mỹ hay Justin Trudeau của Canada: trẻ tuổi, năng động và truyền cảm hứng và hy vọng cho người dân. Từ những trung tâm hội nghị ở Auckland cho tới các hàng quán bệ rạc ở bờ Tây New Zealand, bà thu hút những đám đông cuồng nhiệt trong chiến dịch tranh cử của mình, theo Guardian.
Sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 23/9, đảng Lao Động của bà Ardern không nhận đủ số ghế ở quốc hội để thành lập chính phủ mới. Bà chỉ biết mình sẽ trở thành thủ tướng New Zealand khi đang xem TV.
Đảng New Zealand First (tạm dịch: New Zealand Trước Tiên) lên truyền hình tuyên bố sẽ liên minh với đảng Lao Động để thành lập chính phủ mới. Họ đã chọn liên minh với bà Ardern, thay vì đảng Quốc gia của thủ tướng tiền nhiệm Bill English – một lựa chọn giữa “lối mòn hay thay đổi”, và bà Ardern đại diện cho luồng gió mới.
Chiến thắng của bà Ardern là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Tuần cuối của tháng 7, Đảng Lao Động vẫn đang vật lộn trong các cuộc thăm dò với tỉ lệ ủng hộ thấp kỷ lục 24%.
7 lần từ chối vị trí lãnh đạo
Chủ tịch đảng Lao Động Andrew Little lúc đó cố thuyết phục bà Ardern lên làm chủ tịch với hy vọng Ardern có thể giúp đảng Lao Động lên nắm quyền sau 3 nhiệm kì chính phủ thuộc về đảng Quốc gia. Nhưng bà Ardern đã từ chối, không chỉ một lần, mà tới 7 lần.
Theo Guardian, bà đã thẳng thắn nói về sự thiếu tự tin của mình. Bà thừa nhận sự lo âu khiến bà sợ khó có thể làm lãnh đạo đất nước.
Ardern chỉ muốn làm bộ trưởng về các vấn đề trẻ em. Ở tuổi 37, bà cũng muốn có gia đình trong tương lai, bớt đi những đêm thức trắng vì công việc, để bà không còn cảm thấy mình chưa làm đủ cho những người thân trong cuộc đời.
“Tôi là một người sống nội tâm, và tôi luôn nghĩ xem mình đã sống xứng đáng chưa, và mình nên làm nhiều hơn để không làm mọi người thất vọng”, bà nói với Guardian.
Sau cùng, bà Ardern cũng nhận lời.
Từng là một DJ (người chọn nhạc trong các buổi tiệc), Ardern có sự gần gũi và nồng hậu khiến bà được công chúng yêu mến. Dù vậy, bà bị hoài nghi vì thiếu kinh nghiệm và chưa qua thử thách.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm việc trong văn phòng cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark. Sau đó, bà tới Anh làm nhiệm vụ cố vấn chính sách cho thủ tướng Anh Tony Blair, theo BBC.
Năm 28 tuổi, Ardern trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất ở New Zealand khi được bầu vào quốc hội năm 2008, thuộc đảng Lao Động đối lập. Tháng 3 năm nay, bà trở thành phó chủ tịch đảng.
Tuy lớn lên trong gia đình theo đạo Mormon, bà không cứng nhắc trong quan điểm. Bà đã từ bỏ đạo này để có thể ủng hộ luật hôn nhân đồng giới.
Màn ra mắt "là chính mình" ấn tượng
Chỉ vài giờ sau khi lên chức, ống kính truyền thông đồng loạt hướng về chủ tịch trẻ tuổi nhất của đảng Lao Động. “Tôi không có nhiều thời gian chuẩn bị”, bà nói với trang Newshub của New Zealand. “Nhưng như vậy có nghĩa tôi phải là chính mình, tranh cử dựa vào bản năng của mình”.
Ngày hôm sau, khi được hỏi trên truyền hình “liệu có nên cho phép thủ tướng được nghỉ thai sản không”, bà đã xua ngón tay và mạnh dạn lên án câu hỏi. “Khó mà chấp nhận vào năm 2017 mà phụ nữ phải trả lời câu hỏi này”, bà nói.
Sự phản đối này tạo một cơn bão trên mạng xã hội. Bà Ardern đã gây ấn tượng với phụ nữ ở New Zealand, khiến họ hào hứng trở lại với chính trị. Bà đã đối diện và đập tan sự phân biệt trong việc phán xét các nguyên thủ không có con như thủ tướng Australia Julia Gillard hay thủ tướng Anh Theresa May, theo Guardian.
Bà cũng đã phê phán Julie Bishop, người đã nói sẽ “rất khó tin tưởng” một chính phủ do đảng Lao Động cầm quyền. Bà Bishop đã cáo buộc đảng này dính đến một vụ bê bối gần đây trong chính phủ Australia liên quan tới 5 nghị sĩ có hai quốc tịch.
Bà Ardern không ngần ngại phản ứng “Thật đáng tiếc là bộ trưởng ngoại giao Australia lại đi cáo buộc sai sự thật với đảng Lao Động”. Australia bị chê cười, còn Ardern ghi điểm trong mắt cử tri với hình ảnh một lãnh đạo mạnh mẽ, cả ở trong nước lẫn đối ngoại, theo Guardian.
Có lẽ bà luôn tâm niệm lời khuyên mình từng nhận được, “nếu 50% căn phòng không phản đối bạn, thực ra bạn cũng chẳng nói điều gì mới”, bà chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
“Cơn sốt Jacinda”
Chỉ trong vòng vài ngày, đảng Lao Động “tràn ngập” 500.000 USD tiền quyên góp cùng với 3.500 tình nguyện viên đăng kí.
Không lâu sau, Ardern lại chiếm được trái tim của người trẻ New Zealand với ý tưởng miễn học phí cho 3 năm đại học.
Theo CNN, Jacinda Ardern là chính trị gia “ngôi sao” đầu tiên ở New Zealand trong nhiều năm. Cơn sốt về bà được gọi là “Jacindamania”. Người ủng hộ, bao gồm nhiều người trẻ và phụ nữ, tổ chức những mít tinh lớn, còn báo giới theo sát nhất cử nhất động của bà.
Bà có phong cách thú vị: từng là DJ, ăn mặc đẹp, đi diễu hành ủng hộ người đồng tính, thậm chí còn dùng tiếng lóng khi trả lời phỏng vấn. Bà cũng biết đùa khi gọi mình là “mọt sách”, theo BBC. Hình ảnh bà Ardern được in lên áo phông, túi vải, kèm theo những thông điệp như “Let’s do this” (Hãy cùng hành động) và các memes (hình ảnh vui) trên mạng xã hội.
Hiệu ứng Ardern nhanh chóng lan rộng trên cả nước, nâng tỉ lệ ủng hộ của đảng Lao Động lên 43% (tức tăng 19%) chỉ trong vòng một tháng. Bà đã thổi luồng sinh khí mới vào cuộc bầu cử với lời hứa sẽ đưa 200.000 trẻ em thoát khỏi cảnh nghèo đói, và sẽ làm sạch tất cả sông ở New Zealand để có thể bơi được trong vòng 10 năm.
Bản thân mình là một hiện tượng trên chính trường, Ardern cũng nhắc đến bài học từ các làn sóng gây chấn động các nước khác như Brexit hay Trump.
“Các diễn biến Brexit và Trump đã dạy cho tôi rằng, có một nỗi bất an về chuyện mưu sinh ở nhiều nước trên thế giới, và các chính trị gia có thể lựa chọn đối diện với sự bất an bằng các thông điệp hi vọng, với kế hoạch làm sao để những người lao động và người trẻ của chúng ta có tương lai, bất chấp sự toàn cầu hóa hay tự động hóa”, bà nói với báo Guardian. “Hoặc chúng ta có thể phản ứng bằng cách sợ hãi”.
“Tôi nghĩ sự sợ hãi đã thể hiện rõ ràng qua các cuộc bầu cử trên, và đó là bài học cho tôi: thông điệp phải như thế nào để làm nguôi những sợ hãi này”, tân thủ tướng của New Zealand nói thêm.
Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)