Thông cáo của WHO cho hay, tổ chức của Liên hợp quốc đã công bố danh sách thành viên được đề cử vào Nhóm cố vấn Khoa học về nguồn gốc các mần bệnh mới (Sago).
Sago sẽ cố vấn cho WHO về phát triển khuôn khổ toàn cầu nhằm định hình và dẫn dắt các nghiên cứu về nguồn gốc các mầm bệnh mới nổi và tái xuất hiện có khả năng gây dịch và đại dịch, bao gồm cả virus corona mới (SARS-CoV-2).
"Sự nổi lên của các loại virus mới tiềm ẩn nguy cơ thổi bùng các dịch bệnh và đại dịch là một thực tế của tự nhiên. Trong khi SARS-Cov-2 là virus mới nhất như thế, nó sẽ không phải là virus cuối cùng," Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, cho rằng "Đây là cơ hội tốt nhất của chúng ta và cũng có thể là cơ hội cuối cùng để hiểu được nguồn gốc của loại virus này".
Vào đầu năm nay, WHO đã cử đội ngũ đến Trung Quốc và phối hợp với giới chức địa phương để điều tra nguồn gốc Covid-19. Báo cáo chung của WHO-Trung Quốc vào tháng 3 cho rằng giả thuyết virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "hầu như không có khả năng" và nghiêng về giả thuyết virus lây nhiễm từ động vật sang người một cách tự nhiên.
Đến tháng 7, ông Tedros thừa nhận đã có sự "vội vàng" trong việc bác bỏ kịch bản virus rò rỉ, đồng thời kêu gọi nhanh chóng tổ chức giai đoạn 2 của cuộc điều tra. Tuy nhiên, Bắc Kinh phản đối ý kiến này và cáo buộc cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 đã bị chính trị hóa với sự thao túng của Mỹ.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) và Washington Examiner, có 6 thành viên nhóm điều tra mới của WHO đã tham gia đội ngũ gồm 10 chuyên gia đến Trung Quốc để điều tra giai đoạn 1 đầu năm nay.
Những người này gồm: Giáo sư virus học Thea Fischer từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch), tiến sĩ Marion Koopmans (Hà Lan), nhà dịch tễ học người Anh John Watson, nhà nghiên cứu người Nga Vladimir Dedkov, tiến sĩ Elmoubasher Farag - chuyên gia cấp cao về dịch tễ học bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Qatar, và tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng - đồng lãnh đạo Chương trình Sức khỏe Động vật và Con người, đại diện khu vực Đông Á và Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI, có trụ sở tại Nairobi, Kenya).
Trong khi đó, Peter Daszak - chủ tịch của EcoHealth Alliance và là nhân vật gây tranh cãi thời gian qua do những thông tin về các dự án hợp tác với Viện Virus học Vũ Hán (WIV) - từng là thành viên điều tra của WHO giai đoạn 1 nhưng không có tên trong danh sách mới.
Một nhà khoa học Trung Quốc cũng được công bố trong danh sách 26 thành viên của Sago. Đó là Yang Yungui, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Tổ hợp gien Bắc Kinh (thuộc Viện Khoa học Trung Quốc - đơn vị có trách nhiệm quản lý Viện Virus học Vũ Hán).
Tiến sĩ Inger Damon đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật (CDC) Mỹ cũng có tên trong Sago. Tuy nhiên, các thành viên tham gia Sago với tư cách cá nhân, không đại diện cho tổ chức hay cơ quan mà họ công tác.
Sago dự kiến bắt đầu tổ chức họp trực tuyến vào cuối tháng này sau thời gian tham vấn cộng đồng kéo dài hai tuần về các thành viên được đề cử.
Mỹ trước đó đã bày tỏ hoan nghênh việc tổ chức Sago, cho biết Washington tin rằng "sự chú trọng các nghiên cứu trên cơ sở khoa học và các nỗ lực dựa vào dữ liệu nhằm tìm ra nguồn gốc đại dịch [Covid-19] có thể giúp nhân loại phát hiện, ngăn chặn và ứng phó tốt hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai".
Bắc Kinh cũng tuyên bố ủng hộ truy nguồn virus SARS-Cov-2, song nhấn mạnh nước này phản đối "thao túng chính trị dưới bất kỳ hình thức nào".
Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)