Ngày 6-10, Viện Hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển (RSAC) công bố giải Nobel Vật lý 2015 đã thuộc về hai giáo sư Takaaki Kajita (Nhật) và Arthur B. McDonald (Canada) với công trình nghiên cứu về hạt neutrino.
|
Giáo sư Takaaki Kajita (Nhật) và Arthur B. McDonald (Canada) Ảnh: Guardian |
Đối với vật lý hạt, neutrino có khối lượng là một phát hiện mang tính lịch sử. Mô hình chuẩn của vật lý hạt (thuyết miêu tả về tương tác mạnh, tương tác yếu, lực điện từ cũng như những hạt cơ bản tạo nên vật chất) đã hoạt động rất thành công trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên mô hình chuẩn đòi hỏi neutrino phải không có khối lượng. Do đó việc phát hiện neutrino có khối lượng đã chứng minh rằng mô hình chuẩn không thể là lý thuyết hoàn chỉnh về những thành tố cơ bản của vũ trụ.
Công trình của ông Kajita và ông McDonald đã giúp giới khoa học vén bức màn bí mật che phủ thế giới của neutrino. Sau hạt ánh sáng (photon), neutrino là hạt tồn tại nhiều nhất trong vũ trụ. Hạt neutrino liên tục bắn vào trái đất.
“Các phát hiện mới về những bí mật sâu thẳm nhất của hạt neutrino sẽ làm thay đổi sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về lịch sử, cấu trúc và số phận tương lai của vũ trụ” - RSAC nhấn mạnh.
Theo Nguyệt Phương (Tuổi Trẻ)