Tại đất nước tỷ dân - Trung Quốc, vào năm 2020, lượng khách đặt giao đồ ăn đạt 500 triệu người. Đa phần họ là "dân" văn phòng trong độ tuổi 20-30.
Giao đồ ăn: Ngành kinh doanh vừa mới mở đã thành gã khổng lồ
Trung Quốc là đất nước đông dân nhất thế giới, với tổng dân số lên đến trên 1,39 tỷ người. Nhờ lượng khách tiêu dùng lớn, ngành giao hàng sớm xuất hiện và nhanh chóng mở rộng quy mô.
Từ năm 2016, lượng khách đặt đồ ăn trực tuyến ở Trung Quốc đã rơi vào khoảng 256 triệu người. Phần lớn họ là nhân viên công sở, yêu cầu đưa thực phẩm đã đặt đến nơi làm việc, dùng bữa luôn tại công ty.
Thị trường giao đồ ăn ở Trung Quốc do 2 "gã khổng lồ" công nghệ thống trị: Alibaba (Ele.me) và Tencent (Meituan), kiểm soát 90% thị phần. Vào năm 2020, do sự ảnh hưởng của Covid-19, ngành giao đồ ăn phát triển bùng nổ. Lượng khách đặt hàng đạt mức 500 triệu người, gấp đôi năm 2016.
Ước tính, doanh thu của ngành giao đồ ăn ở Trung Quốc vào năm 2020 đạt hẳn $2,65 tỷ. Dự kiến, quy mô của ngành nghề này tiếp tục mở rộng, vươn lên mốc $129,17 tỷ vào năm 2021.
Nhà hàng "ảo": Bên thứ 3 "chả biết ở đâu mà lần"
Cả Ele.me và Meituan đều chỉ đóng vai trò trung gian. Họ cho phép người bán và người mua giao tiếp, đặt hàng qua nền tảng trực tuyến của mình, hình thành mối quan hệ 3 bên. Bên thứ nhất là người dùng, bên thứ 2 là người vận chuyển và bên thứ 3 là các nhà hàng.
Đặt bữa qua ứng dụng giao đồ ăn là… đặt cược. Đôi khi, đơn đặt hàng không được phục vụ. Cũng có lúc, thức ăn được đưa đến không hề đẹp mắt, ngon miệng như quảng cáo. Đặc biệt, thực khách không thể xác nhận nguồn cung. Họ không biết phần ăn vừa tới tay mình là từ một nhà hàng hợp pháp, lâu năm, thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; hay là từ một quán vốn không có đăng ký kinh doanh.
Giữa thời đại trực tuyến ngày nay, việc lập một thương hiệu ảo dễ như trở bàn tay. Bất cứ ai cũng có thể tạo một trang hoặc tài khoản cá nhân, giới thiệu đồ bán và nhận đặt hàng. Ele.me và Meituan không xác thực "bên thứ 3". Trên trang chủ của họ, bên cạnh những nhà hàng có thực là một loạt nhà hàng "ma". Chúng chỉ có cái tên trên mạng, không có cửa hàng phục vụ thực khách trong đời thật, được gọi là quán ăn ảo.
Quán ăn ảo chỉ nhận đặt và giao thức ăn thẳng đến tay khách. Theo báo cáo từ một nhóm phóng viên kinh doanh và tài chính ở Trung Quốc, có tới 1/3 các nhà hàng trên Ele.me và Meituan là quán ăn ảo. Nhiều người nghi ngờ, con số này phải lớn hơn, chiếm tới ½.
Ngoài ra, có một lượng lớn các nhà hàng "ma" là "nhánh lẻ" của các công ty ẩm thực danh tiếng. Họ "kiếm thêm" bằng cách mở trung tâm nấu nướng và phục vụ thức ăn. Mỗi trung tâm này tập trung cả trăm đầu bếp, chế biến hàng trăm món cho hàng trăm thương hiệu ảo khác nhau.
Lo ngại "bếp bẩn" và nguy cơ tăng rác ngoài kiểm soát
Bán và đặt mua thức ăn qua ứng dụng giao hàng là việc làm hợp pháp. Vì thế, dù là nhà hàng "ma" cũng vẫn không vi phạm pháp luật Trung Quốc. Họ chỉ cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ quy tắc kinh doanh là ổn.
Trên trang cá nhân, các quán ăn ảo đều tuyên bố tuân thủ luật an toàn sức khỏe và vệ sinh thực phẩm. Có điều, khi "thực địa" một số nhà hàng "ma", các phóng viên Trung Quốc phát hiện phần lớn chúng đều không đạt tiêu chuẩn.
Một trong các nhà hàng "ma" bị đột kích là trung tâm chế biến thức ăn mới mở, nằm trong tòa văn phòng cũ. Bên dưới mái nhà của tòa văn phòng này là hơn 20 căn bếp "ma", còn bên ngoài là "đội quân" nhân viên giao hàng trực sẵn. Ngay khi có đơn hàng của quán ăn ảo nào làm xong, họ lập tức đưa lên xe chở đi, giao phần ăn vẫn còn nóng vào tay thực khách.
Với hơn 20 căn bếp "ma", không gian cho mỗi đầu bếp rất hẹp. Chỉ bằng mắt thường, các phóng viên cũng đã thấy chúng lộn xộn, bẩn thỉu vì dầu mỡ bắn tứ tung, thức ăn vương vãi, thậm chí trên nền nhà còn có cả mấy con gián đang chạy loăng quăng.
Trên ứng dụng, thực khách chỉ thấy hình món ăn đã hoàn thành, được chụp đẹp một cách hoàn mỹ. Họ không bao giờ biết, món ăn này trải qua quy trình làm như thế nào.
Sau nguy cơ phi an toàn thực phẩm là rác hộp để đồ ăn. Đa phần chúng là nhựa dùng một lần. Chỉ tính riêng năm 2017, Trung Quốc đã "muốn chết ngộp" vì 1,6 triệu tấn rác bao bì. Trong đó: 1,2 triệu tấn là hộp nhựa, 175.000 tấn là đũa dùng một lần, 164.000 tấn túi nhựa và 44.000 tấn là thìa nhựa.
Vào năm 2017, lượng khách của ngành giao đồ ăn Trung Quốc là 346 triệu người. Mặc dù chưa có con số thống kê rác bao bì thực phẩm của năm 2020, Trung Quốc ước tính còn nghiêm trọng hơn năm 2017 nhiều, bởi vì lượng khách đã tăng gần gấp rưỡi và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo Vũ Huế (Pháp Luật & Bạn Đọc)