Nguyên nhân nào gây ra tình trạng lũ lụt ảnh hưởng tới hàng chục triệu người ở Trung Quốc?

03/07/2020 15:48:05

Mưa lớn trong nhiều tuần ở miền Đông Nam Trung Quốc đã khiến hàng triệu người mất nhà cửa, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ nhân dân tệ. Các nhóm hoạt động môi trường cảnh báo những đợt lũ lớn sẽ xuát hiện thường xuyên hơn trong tương lai.

Tính tới 02/07, mưa lũ đã ảnh hưởng tới tới 14 triệu người ở 26 tỉnh thành, theo số liệu của Bộ Quản lý Phản ứng Khẩn cấp Trung Quốc. Lũ lụt đã khiến ít nhất 78 người thiệt mạng hoặc mất tích, làm hư hỏng 97.000 ngôi nhà và gây thiệt hại kinh tế khoảng 25 tỷ yên.

Video trên mạng xã hội cho thấy cảnh những ngôi nhà đổ sập, xe hơi nổi trong nước lũ, mùa màng bị vùi lấp dưới bùn đất. Nhiều thành phố ở miền Nam Trung Quốc đã gánh chịu thiệt hại về cơ sở hạ tầng. Tại Dương Sóc, một cây cầu gần như bị nước nhấn chìm, trong khi đường xá và đường ray ở Trùng Khánh gần sông Kỳ Thủy cũng chìm trong nước.

Trung Quốc đã phải nỗ lực trị thủy trong hàng ngàn năm, tuy vậy thời tiết ngày càng biến đổi khó lường đã khiến công tác trị thủy ngày càng khó khăn hơn.

Hàng triệu người sinh sống dọc các bờ sông rơi phải đối mặt với những nguy cơ về tính mạng, trong khi các nhà môi trường cảnh báo thiệt hại sẽ tiếp tục kéo dài nếu không có những biện pháp cụ thể để cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như những nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

"Những đợt lũ lớn mà chúng ta thấy diễn ra thường xuyên, do biến đổi khí hậu gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng," Liu Junyan, nhà hoạt động của tổ chức Greenpeace ở Đông Á cho biết.

"Yêu cầu cấp bách lúc này là củng cố hệ thống cảnh báo sớm đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan, đánh giá nguy cơ khí hậu trong tương lai ở các thành phố và cải thiện hệ thống trị thủy," Liu nói thêm.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng lũ lụt ảnh hưởng tới hàng chục triệu người ở Trung Quốc?
Nước lũ tại đập Tam Môn Hiệp, Trung Quốc hôm 30/06 (Ảnh: AP)

Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như nền nhiệt độ cao gây ra bởi biến đổi khí hậu đã tăng liên tục trong vòng sáu thập kỷ vừa qua, theo báo cáo của Ủy ban Quản lý Khí tượng Trung Quốc năm 2019.

Các đợt lũ lụt năm nay được đánh giá sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp và năng lượng. Ít nhất 80.000 hecta hoa màu, trong đó có gạo, rau và quả ở tỉnh Hồ Bắc đã bị hủy hoại, theo vư phòng quản lý khẩn cấp địa phương.

Đầu mùa Hè là khoảng thời gian quan trọng trong quá trình phát triển của cây lúa, các chuyên gia cho rằng sản lượng có thể giảm đáng kể trong năm nay. Trong khi đó, mưa lớn sẽ giúp các nhà máy thủy điện sản xuất lượng điện lớn, làm giảm nhu cầu tiêu thụ than.

Từ đầu tháng 06, các tình miền Nam Trung Quốc đã ghi nhận năm đợt mưa lớn, khiến Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc phải đưa ra cảnh báo mưa lũ nghiêm trọng gần như hàng ngày. Theo cơ quan này, trong những ngày tới sẽ còn hai đợt mưa lớn. 25 sông lớn đã vượt mức báo động lũ vào cuối tháng 06.

Dù một số vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm, nhưng tổng lượng mưa cộng dồn của năm nay đã gấp đôi tới gấp ba những năm trước, theo Chen Tao, nhà dự báo thời tiết thuộc Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc.

Mực nước biển đã tăng cao trên phạm vi toàn cầu, vốn gây ra bởi tình trạng nóng lên, cũng gây nguy cơ cho nhiều thành phố tại Trung Quốc. Theo số liệu của nhà chức trách, mực nước biển dâng trung bình tại các bờ biển ở Trung Quốc là 3,4 mm hàng năm, trong khoảng từ 1980-2019. Năm 2019, mực nước biển tại Trung Quốc cao hơn thông thường tới 72 milimet.

Nghiên cứu được công bố năm nay cho thấy khu vực Đồng bằng Châu Giang, nơi hàng chục triệu người sinh sống và là vùng trọng điểm công nghiệp chế tạo của Trung Quốc, là trung tâm đô thị có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới bởi mực nước biển dâng. Tới năm 2100, khu vực này có thể nằm dưới mực nước biển 67cm nếu không có các biện pháp ngăn chặn.

Ngoài biến đổi khí hậu, hàng thập kỷ phát triển kinh tế và đô thị hóa, bao gồm việc san lấp hồ nước và đầm lầy cũng làm cho thiên tai tác động nặng nề hơn. Vũ Hán, thành phố từng được biết đến với "100 hồ nước", đã mất hầu hết trong số 127 hồ do san lấp, và hiện là một trong những đô thị đối mặt với nguy cơ lũ lụt trầm trọng nhất ở Trung Quốc.

"Hoạt động của con người đã phá hủy các con sông, hồ, rừng và tất cả những 'lá chắn tự nhiên' chống lại lũ lụt," Yu Jianfeng, người sáng lập Trung tâm Văn hóa Công cộng về Bảo vệ Môi trường Sông ngòi, cho biết.

"Đã đến lúc chúng ta đặt ra các nguyên tắc về phát triển, chúng ta cần bảo tồn các hồ chứa nước trong tự nhiên ở các thành phố để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra," Yu nói.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)

 

Nổi bật