Gia Cát Lượng là nhà chính trị - quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời kỳ Tam Quốc. Ông là người thông minh hơn người, “liệu việc như thần”, làm việc luôn nghiêm túc, cẩn trọng, tài năng nổi danh khắp thiên hạ. Với địa vị và danh tiếng của mình, ông là người mà rất nhiều người muốn kết thân. |
Không giống những người đàn ông có công danh cùng thời, ai cũng năm thê bảy thiếp, Gia Cát Lượng lại chỉ có duy nhất một người vợ và điều đáng nói vợ ông là người có nhan sắc vô cùng bình thường thậm chí còn được ví như “ma chê quỷ hờn”. |
Vợ ông tên là Hoàng Nguyệt Anh là con gái của một văn nhân nổi tiếng Hoàng Thừa Ngạn ở Hà Nam. Hoàng Nguyệt Anh tuy là một tài nữ tài năng nổi tiếng trong vùng nhưng nhan sắc lại vô cùng tầm thường. Bà được tả là có dáng người thô, mái tóc vàng, da đen nhiều nốt tàn nhang, thậm chí có mấy nốt ruồi lớn trên mặt. |
Hôn nhân của Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh cũng có rất nhiều giai thoại ly kỳ. Có giai thoại nói rằng: Hoàng Thừa Ngạn tự tìm đến cửa nhà Gia Cát Lượng và hỏi: Nghe nói anh đang muốn tìm vợ, tôi có cô con gái xấu xí, tóc vàng da đen muốn gả cho anh, anh có ưng không?”. Gia Cát Lượng không nói lời nào mà gật đầu đồng ý luôn. Hoàng Thừa Ngạn vui mừng khua chiêng gõ trống đốt pháo ăn mừng đích thân đưa con gái đến nhà Gia Cat Lượng. |
Có giai thoại khác lại nói rằng, Gia Cát Lượng tuy biết Hoàng Nguyệt Anh vốn xấu xí nhưng ngưỡng mộ tài năng và sự hiền đức nên đã tìm mọi cách theo đuổi mãi mới được “người đẹp” đồng ý. |
Khi Gia Cát Lượng cưới Hoàng Nguyệt Anh về, hàng xóm đều có ý chê bai nhan sắc của bà, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến tình cảm của ông dành cho vợ. Ông luôn dành cho vợ sự tôn trọng, tình cảm giữa hai người vô cùng thắm thiết. Hoàng Nguyệt Anh đã trở thành hậu phương vững chắc cho những thành công vang dội trong sự nghiệp của Gia Cát Lượng. Khi về làm dâu, một tay Hoàng Nguyệt Anh lo liệu việc trong nhà, sắp xếp cuộc sống ổn thỏa trên dưới. Gia Cát Lượng rảnh rang không phải lo lắng gì. |
Gia Cát Lượng vốn là người giao thiệp rộng, bạn bè thường đến nhà uống rượu làm thơ. Lúc đầu ai cũng tỏ ý chê bai nhan sắc của Gia Cát phu nhân, nhưng rồi thời gian trôi đi, mọi người năng lui tới nhà Gia Cát Lượng, cách đối nhân xử thế và tài năng xuất chúng của Hoàng Nguyệt Anh đã khiến mọi người vô cùng cảm phục và thay đổi cách nhìn về bà. Từ việc tỏ ý coi thường chuyển sang kính trọng bà, bạn bè ông đều ngưỡng mộ Gia Cát Lượng đã có được người vợ hiền đức, tài năng nổi tiếng. |
Nếu nói giang sơn của nhà Thục có sự cống hiến vô cùng to lớn của Gia Cát Lượng thì trên thực tế sự cống hiến đó có một phần công lao không hề nhỏ của Hoàng Nguyệt Anh. Sau khi theo phò tá Lưu Bị, Gia Cát Lượng suốt ngày đi biền biệt, người vợ xấu xí thường xuyên phải vò võ một mình nuôi con nhỏ, chờ đợi tin thắng trận của chồng. Ở nhà bà vẫn tần tảo cùng mọi người trong nhà trồng dâu nuôi tằm và có công lớn trong việc tạo dựng nghề trồng dâu nuôi tằm tại địa phương. |
|
Bằng tài năng xuất chúng của một bậc kỳ nữ nên bà còn là một nhà giáo dục nổi tiếng. Tuy thừa tướng Gia Cát Lượng tài năng vang danh thiên hạ nhưng suốt ngày chỉ lo việc quân việc nước. Nghĩa vụ dạy dỗ hậu thế cho dòng tộc Gia Cát lại đặt hết lên vai của người vợ xấu xí Hoàng Nguyệt Anh. Ba người con trai của Gia Cát Lượng sau này đều thành đạt nổi tiếng đều do công lao dạy dỗ của Hoàng Nguyệt Anh. |