Hãng tin Times of Israel ngày 31/7 cho biết, việc thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát khi đến dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran đã cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống an ninh của Tehran.
Iran đã cáo buộc lực lượng tình báo Israel đứng sau vụ ám sát, thậm chí lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei còn ra lệnh "tấn công trực tiếp Israel" như một động thái đáp trả.
Về phía Israel, Tel Aviv từ chối đưa ra bình luận về vụ việc. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng hệ thống tình báo của Israel có vai trò rất lớn trong vụ tấn công nhắm vào ông Haniyeh.
"Mọi người đều biết Israel có rất nhiều điệp viên ở Iran. Việc thủ lĩnh Hamas bị tấn công chính xác khi đang nghỉ ngơi đã thể hiện rõ chiều sâu của hệ thống tình báo Israel", bà Agnes Levallois, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Địa Trung Hải và Trung Đông (IREMMO) nhận xét.
Trong khi đó, ông Ronen Solomon, chuyên gia phân tích an ninh và tình báo Israel, nhấn mạnh rằng vụ ám sát ở Tehran là một vấn đề lớn với Iran. Không giống như các thủ lĩnh quân sự Hamas, ông Haniyeh là nhân vật thường xuyên xuất hiện trước công chúng, nhưng chỉ có 1 vệ sĩ theo kèm khi tới Iran.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ảrập và Địa Trung Hải (CERMAM) Hasni Abidi cho rằng Iran đang không thể bảo vệ tốt các khách mời của lãnh tụ tối cao hay chính phủ.
Theo Turkiye Today, nguyên nhân khiến Iran không thể ngăn chặn vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh là tổng hợp bởi nhiều yếu tố, bao gồm công nghệ quân sự và khả năng tình báo.
Dù chưa được xác nhận chính thức, nhưng đã có những báo cáo cho rằng vụ tấn công được thực hiện bằng một tên lửa dẫn đường phóng từ bên ngoài lãnh thổ Iran. Đáng chú ý, Israel sở hữu tất cả các phương tiện để thực hiện những vụ tập kích kiểu này, bao gồm: tiêm kích F-35I Adir, máy bay cảnh báo sớm (AEW&C), tên lửa tầm xa độ chính xác cao.
Về phía Tehran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sở hữu một loạt hệ thống phòng không nội địa và do nước ngoài sản xuất như Raad, Mersad, Ya Zahra-3, Khordad, Bavar-373 hay Madjid. Nhưng các hệ thống này đều không có khả năng đánh chặn các tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao.
Hồi đầu tháng 4 năm nay, Israel từng dùng tên lửa tầm xa để bắn nổ một trạm radar S-300 ở miền Trung Iran. Lực lượng tình báo Israel được cho là đã triển khai một UAV cỡ nhỏ từ bên trong lãnh thổ Iran để làm rối loạn các hệ thống phòng không của Tehran, qua đó giúp tên lửa dễ dàng đánh trúng mục tiêu.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)