Theo IBTimes, Hyderabad, thủ phủ bang Andhra Pradesh, đã trải qua 5 ngày đón luồng khí nóng. Các nhà khoa học dự đoán, trong tương lai gần, Hyderabad sẽ gặp hiện tượng nóng tới 40 ngày.
Người nông dân bên cánh đồng khô cằn, đất nứt nẻ tại làng Gauribidanur ngày 26/5. Ảnh: EPA |
"Từ nay đến cuối tuần, New Delhi tiếp tục nắng gắt. Luồng không khí nóng đổ về Ấn Độ xuất phát từ Pakistan. Nhiệt độ ở nước này duy trì khoảng 50 độ C", ông B. K. Yadav, giám đốc Văn phòng Khí tượng Ấn Độ, nói với CNN.
Các bác sĩ cảnh báo, nhiệt độ tăng cao đột ngột khiến cơ chế bảo vệ của cơ thể bị rối loạn. Trời quá nóng khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu nước, sốc nhiệt. Chính quyền bang Andhra Pradesh và Telangana phải lập một số trạm tiếp nước ở nhiều bến xe buýt và ga tàu.
Nguyên nhân nóng bất thường
Theo các chuyên gia, El Nino - hiện tượng thời tiết khiến bề mặt nước biển trên Thái Bình Dương ấm lên - là "thủ phạm" chính của đợt nắng nóng trên toàn châu Á gần đây. Bên cạnh đó, tình trạng nóng ấm toàn cầu trong thập kỷ qua góp phần khiến thời tiết khắc nghiệt thêm.
"Do nhiệt độ trái đất tăng thêm 0,8 độ C trong thế kỷ qua, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều luồng khí nóng ngay cả khi El Nino không xảy ra", J Srinivasan, giám đốc Trung tâm Biến đổi khí hậu Ấn Độ, nói với IBTimes.
Hiện tượng biến đổi khí hậu khiến 2014 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Xu hướng này tiếp tục diễn ra vào năm 2015. Tháng 3 vừa qua được ghi nhận là tháng 3 nóng nhất.
Các hoạt động tàn phá môi trường của con người là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ trái đất tăng cao. Ấn Độ là nước thải khí CO2 nhiều thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Mỹ).
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, cảnh báo tổng lượng CO2 các nước thải ra phải giảm 40% - 70% đến năm 2050, và tiến tới cắt giảm hoàn toàn trước khi kết thúc thế kỷ. Chính sách này nhằm tránh để nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C. Cột mốc 2 độ C là ngưỡng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.