Trong lịch sử Trung Hoa, triều đại nhà Đường là một trong những triều đại thịnh vượng nhất. Ở hậu cung lúc đấy cũng có rất nhiều nữ nhân kiệt xuất và Từ Huệ là một trong số các nữ nhân đó.
Từ Huệ sinh năm 627, xuất thân danh môn Trường Thành Từ thị ở Hồ Châu, Chiết Giang. Bà là cháu gái đời thứ 4 của Từ Nguyên Hầu Từ Văn Chỉnh thời Nam Lương, cháu chắt của Thái thú Thủy An Từ Tổng Chi thời Nam Trần, cháu nội của Huyện lệnh huyện Lâm Châu Từ Phương Quý, cha là Thứ sử Quả Châu Từ Đức Hiếu.
Từ Huệ bắt đầu biết nói khi mới 5 tháng tuổi. Năm 4 tuổi, bà được làm quen với Mao Thi, Luận Ngự và đến 8 tuổi đã có thể viết văn chương. Ngoài ra, Từ Huệ còn giỏi cầm kỳ thi họa, các tác phẩm của Từ Huệ được người đời lan truyền rộng rãi.
Nghe danh tiếng của "nữ thần đồng" Từ Huệ, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã hạ lệnh đưa bà tiến cung. Lúc đó bà vẫn còn nhỏ tuổi những vẫn được sách phong là Tài nhân.
Sau khi vào cung, Từ Huệ không bao giờ can thiệp vào những âm mưu cung đấu công khai hay bí mật nơi thâm cung. Bà dành thời gian trong ngày để đọc sách, do đó trình độ ngày càng được nâng cao. Thêm vào đó, Từ Huệ tính tình hòa nhã, biết đối nhân xử thế nên càng được Đường Thái Tông sủng ái hơn, phong thành Tiệp dư.
Từ Huệ có thể được xem là một trong những nữ thi nhân xuất sắc nhất thời Đường. Có một ngày, Đường Thái Tông triệu kiến Từ Huệ nhưng đợi một lúc lâu cũng thấy bóng dáng bà nên vô cùng tức giận. Lúc đó Từ Huệ đã viết ra bài thơ "Tiến Thái Tông" để dâng lên Hoàng đế. Khi nhìn thấy bài thơ này, cơn giận của Đường Thái Tông đã biến mất ngay lập tức và ra lệnh ban thưởng cho bà.
Một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là Từ Huệ không chỉ giỏi văn chương mà còn có những quan điểm chính trị độc đáo nên thỉnh thoảng Hoàng đế vẫn để bà can thiệp vào triều chính đại sự.
Dù tài giỏi nhưng Từ Huệ vẫn là một nữ nhân đa tình. Sau khi Đường Thái Tông băng hà vào năm 649, Từ Huệ cũng lâm bệnh nặng nhưng không muốn uống thuốc, nhất định muốn đi cùng Hoàng đế. Thậm chí bà còn nói với người bên cạnh rằng: Tiên đế đối với ta tình sâu nghĩa nặng, ta chỉ mong bản thân sớm có ngày tương phùng với Tiên đế. Tâm nguyện lớn nhất của bà lúc đấy là được hầu hạ Tiên đế trong lăng tẩm.
Một năm sau, Từ Huệ qua đời khi mới 24 tuổi. Lúc đó, Lý Trị lên ngôi (tức Đường Cao Tông) đã truy phong tước vị Hiền phi cho bà và an táng trong thạch thất Chiêu Lăng, nơi Đường Thái Tông yên nghỉ.
Nguồn: Toutiao, Baidu
Theo Hy Li (Pháp luật và Bạn đọc)