Sidney Reilly là một điệp viên của Mật vụ Anh nhưng được cho là đã làm việc cho ít nhất 4 nước khác nhau. Ngoài việc nổi tiếng với âm mưu ám sát lãnh tụ Nga Lenin, người này cũng được cho chính là nguyên mẫu điệp viên 007.
Tối 5/11/1925, tù nhân số 73 được đưa ra khỏi phòng giam ở nhà tù khét tiếng Lubyanka và được đưa tới một cánh rừng ở ngoại ô Moscow, cùng đi còn có 3 thành viên của cơ quan tình báo quân đội Liên Xô (UGPU). Khi đến một hồ nước, tù nhân được cho ra khỏi xe để đi bộ.
Đây không phải là việc bất thường vì trước đó tù nhân này cũng đã được cho đi bộ tự do như thế nhiều lần. Cứ cách vài ngày, tù nhân này lại được hưởng hình thức tập thể dục như vậy sau một thời gian dài bị UGPU thẩm vấn.
Cái chết gây tranh cãi
Tuy nhiên, buổi tối hôm đó, mọi việc lại diễn tiến theo chiều hướng khác. Khi tù nhân 73 vừa bước được khoảng 30, 40 bước, viên sỹ quan Ibrahim Abisalov đã nhẹ nhàng rút súng ra và bóp cò. Theo các nguồn tin chính thức, tù nhân số 73 đã bị bắn chết với chỉ 1 viên đạn từ phía sau.
Nhưng cũng có ghi chép nói rằng khi được đưa trở lại xe, ông ta vẫn còn sống nên sỹ quan Abisalov đã phải bắn thêm một viên đạn vào ngực để kết liễu mạng sống của người này. Lại cũng có tin khẳng định tù nhân đó đã không chết và đã trốn thoát.
Ngay cả những chi tiết cuối cùng về tù nhân nói trên cũng hư hư thực thực, càng khiến cho bức tranh về cuộc đời của ông ta vốn đã đầy tranh cãi thêm phần kỳ bí. Tù nhân số 73 ở đây chính là Sidney Reilly – người đàn ông từng được Mật vụ Anh xem là Át chủ bài tình báo- được miêu tả bằng những mỹ từ như “người đàn ông dũng cảm nhất thời đại” hay “điệp viên vĩ đại nhất trong lịch sử”.
Sidney Reilly là ai?
Ngày sinh thực sự và ngay cả tên thật của Sidney Reilly là gì cho đến nay cũng vẫn là một vấn đề gây tranh cãi với nhiều người. Hầu hết các nguồn tin đáng tin cậy nói rằng ông ta sinh ngày 24/3/1874 ở đâu đó gần Odessa, Ukraine. Những cái tên được cho là tên thật của ông ta bao gồm Georgi Rosenblum, Sigmund Rosenblum, Salomon Rosenblum, Sigmund Georgjevich Rosenblum…
Khi còn nhỏ, Rosenblum được hưởng cuộc sống tương đối dễ chịu do có cha là một nhà buôn bất động sản giàu có. Trong mắt những người xung quanh, Rosenblum là một đứa trẻ khá thông minh, đặc biệt là về ngôn ngữ nhưng cũng là một người dễ nổi nóng và đặc biệt bảo thủ, luôn cho rằng mình đúng.
Biến cố thay đổi suy nghĩ và cuộc sống thực sự của Rosenblum đến khi cha của ông ta qua đời, khi ông ta phát hiện ra rằng mình thực chất là kết quả của một mối tình ngoài luồng giữa mẹ và một bác sỹ người Do Thái.
Lớn lên trong bầu không khí bài Do Thái nên bí mật về việc là sản phẩm của một mối tình bất hợp pháp và lại mang trong mình một nửa dòng máu Do Thái đã trở thành một đòn giáng mạnh với Rosenblum, cũng là nguyên nhân khiến anh ta có những hành động liều lĩnh và bất cần về sau.
Để chối bỏ nguồn gốc của mình, Rosenblum đã đổi tên thành Sydney Reilly và tìm cách tới Anh trên một tàu hàng. Theo các ghi chép, trên đường đi, Reilly tình cờ cứu sống 2 sỹ quan người Anh nên đã được những người này trả ơn bằng cách xoay xở cho một tấm hộ chiếu Anh đồng thời giới thiệu cho các đầu mối của tình báo Anh.
Đến Anh vào năm 1895, Reilly lập một công ty tư vấn hóa chất chuyên sản xuất, phân phối những loại thuốc không rõ thành phần nhưng được quảng cáo thành những loại thuốc thần kỳ để bán cho những bệnh nhân nhẹ dạ.
Trong quá trình này, ông ta gặp một bệnh nhân bị suy thận mãn tính giàu có tên Hugh Thomas để rồi chỉ vài tuần sau khi được ông Thomas giới thiệu với cô vợ trẻ xinh đẹp tên Margaret Thomas, Reilly và Margaret đã lén lút qua lại với nhau.
Sydney Reilly |
Theo các nguồn tin, chính Reily, có thể là có cả sự giúp sức của Margaret, đã cùng nhau lập kế hoạch giết chết ông Thomas để vừa chiếm đoạt tài sản của ông, vừa có thể danh chính ngôn thuận đến với nhau.
Công việc buôn bán thuốc mang lại nhiều tiền nhưng với kiểu tiêu tiền như rác nên Reilly vẫn luôn thiếu thốn. Do đó, ông ta bắt đầu nhận việc cung cấp thông tin cho Mật vụ Anh ở Scotland về hoạt động của những người nhập cư, người lưu vong chính trị… ở Scotland. Nhiệm vụ do thám lớn đầu tiên của Reilly dưới sự điều hành của mật vụ Scotland là xác định trữ lượng dầu của Nga ở Baku, gần Biển Caspi. Đến thời điểm đó, Reilly được cho là đã trở thành một điệp viên 2 mang, bán các thông tin thu được cho cả tình báo Anh và Nhật.
Trước chiến tranh Nga – Nhật, trong vai một nhà buôn vũ khí, Reilly đã tới cảng Arthur để do thám về căn cứ hải quân mới này của Nga. Ông ta đã làm quen được với một kỹ sư người Trung Quốc và cuối cùng đánh cắp được bản kế hoạch phòng thủ ở cảng Arthur để bán cho Nhật, giúp Nhật tiến hành được cuộc tấn công bất ngờ ở cảng này vào tháng 2/1904.
Trong quãng thời gian này, Reilly cũng lập được chiến tích lớn với Anh khi tiếp xúc và thành công trong việc thuyết phục kỹ sư người Australia William Knox D’Arcy – người đã mua được quyền khai thác dầu ở Trung Đông và đang muốn bán những quyền này cho người Pháp – chuyển sang hợp tác với chính phủ Anh cùng nhiều hoạt động quan trọng khác.
Trong quá trình hoạt động, Reilly tỏ ra vô cùng ranh mãnh, bất chấp thủ đoạn. Để thực hiện thành công nhiệm vụ của mình, ông ta sẵn sàng quyến rũ và lợi dụng bất cứ người nào có thể mang đến lợi ích cho mình, dù là đàn ông hay phụ nữ. Reilly cũng nổi tiếng vì những nguyên tắc như không tin bất cứ ai ngoài bản thân mình…
Âm mưu ám sát Lenin
Âm mưu ám sát lãnh tụ Vladimir Lenin và lật đổ chính quyền Bolshevik được đánh giá là kế hoạch táo tợn nhất của Reilly. Kế hoạch này được tiến hành sau khi cuộc cách mạng ở Liên Xô thành công vào năm 1917, khiến Chính phủ Anh lo ngại chính quyền mới ở Nga tìm cách đạt được thỏa thuận hòa bình riêng rẽ với Đức. Trong tình cảnh đó, Reilly được điều tới Nga với nhiệm vụ đảm bảo Nga sẽ tiếp tục đứng về phía Đồng minh.
Tháng 5/1918, Reilly đã cùng một điệp viên người Anh khác tên Robert Bruce Lockhart tới gặp Boris Savinkov, người đứng đầu tổ chức chống cách mạng UDMF ở Nga, cũng là một trong những người kịch liệt chống đối chính quyền Bolshevik. Sau cuộc gặp, Lockhart và Reilly tiếp tục liên hệ với các nhóm chống Bolshevik khác có liên quan tới Savinkov và tích cực ủng hộ về tài chính cho các nhóm này bằng nguồn tiền của mật vụ Anh.
Trong suốt thời gian sau đó, Reilly tích cực lôi kéo lực lượng và chuẩn bị cho việc lật đổ chính quyền Bolshevik. Ông ta thậm chí đã lập danh sách những nhà lãnh đạo quân sự của Liên Xô sẵn sàng tiếp quản chính phủ mới trong trường hợp chính quyền Bolshevik sụp đổ.
Tại cuộc họp diễn ra ngày 17/8, Reilly và đồng bọn đã nhất trí sẽ tiến hành cuộc đảo chính trong tuần đầu tiên của tháng 9. Tuy nhiên, các sự kiện bất ngờ xảy ra trước thời điểm dự định đã khiến cuộc đảo chính không thành.
Ngày 30/8, người đứng đầu Ủy ban đặc biệt toàn Nga (Cheka) ở Petrograd Moisei Uritsky bất ngờ bị một đồng đội bắn chết. Cùng ngày, Lenin bị ám sát hụt, kéo theo chiến dịch truy quét các phần tử chống chính quyền trên phạm vi toàn quốc. Từ danh sách do các điệp viên chìm cung cấp, Cheka đã bắt giữ được những người liên quan đến âm mưu đảo chính của Reilly.
Lockhart cũng bị bắt giữ nhưng sau đó được thả để đổi lấy một nhà ngoại giao bị Anh bắt ở London. Được xác định là kẻ chủ mưu, Reilly và Lockhart đã bị kết án tử hình vắng mặt. Tuy nhiên, Reilly may mắn trốn thoát trước khi cảnh sát Nga bủa lưới vây bắt. Tòa án Nga tuyên bố bản án sẽ được thực thi ngay khi Reilly đặt chân đến Nga.
Tình báo Nga sau đó đã cho người giả danh những người có tư tưởng chống cộng sản để dụ Reilly về Nga. Mưu lược là thế nhưng Reilly cuối cùng đã bị sập bẫy. Ngay khi vừa đặt chân tới Nga để gặp một người “đồng chí hướng” khác, ông ta đã bị bắt giữ, bị tống giam và sau đó bị tử hình như nói ở trên…
Theo Minh Ngọc (Baophapluat.vn)