Giống như Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Lọ Lem, Công chúa ngủ trong rừng hay Peter Pan, Cô bé quàng khăn đỏ là câu chuyện cổ tích nổi tiếng và hẳn là quen thuộc với hầu hết tuổi thơ của nhiều thế hệ. Những câu chuyện ấy tuy khác nhau về mặt cốt truyện nhưng hầu hết đều mang không khí vui tươi và có điểm chung là kết thúc có hậu, kẻ xấu luôn bị phe chính nghĩa tiêu diệt.
Thế nhưng, nguồn gốc của các câu chuyện này không phải lúc nào cũng tươi sáng, đơn cử như trường hợp của Cô bé quàng khăn đỏ. Phiên bản gốc khác với phiên bản phổ biến do anh em nhà Grimm, 2 tác giả người Đức, kể lại.
Nội dung phổ biến của Cô bé quàng khăn đỏ được mọi người biết đến kể về hành trình của một cô bé đeo chiếc khăng quàng cổ hoặc đội nón trùm màu đỏ trên đầu, đến nhà thăm bà bị bệnh. Trên đường đi, đứa trẻ này tình cờ gặp một con sói dữ và ngây thơ nói ra điểm đến của mình.
Tiếp đến, con sói bắt đầu đánh lạc hướng cô bé để nó có thời gian chạy đến nhà bà cô bé và ăn thịt bà. Sau đó, con sói cải trang làm người bà và chờ đợi cháu gái đến trước khi tấn công đứa trẻ. Khi đã no nê, con sói đánh một giấc thì một người thợ săn xuất hiện, rạch bụng nó với lưỡi cưa nhọn và cứu sống 2 bà cháu cô bé quàng khăn đỏ. Người thợ săn đã nhét đá vào bụng con sói để nó không thể trốn thoát khi tỉnh dậy và nằm đó đến chết.
Thực tế, câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ có nguồn gốc ở Pháp từ tận thế kỷ thứ 10, trước khi nó được truyền miệng sang tận nước Ý. Nhân vật phản diện trong câu chuyện ấy là một con yêu tinh thay vì sói. Yêu tinh không chỉ ăn thịt và giả dạng làm bà của cô bé quàng khăn đỏ mà nó còn dùng các phần cơ thể của nạn nhân để nấu thức ăn.
Cô bé quàng khăn đỏ khi đến thăm bà đã dùng bữa tại đây. Cô bé không hề biết rằng cơm, thịt và cả nước trên bàn ăn đều được làm từ thi thể của bà mình. Đứa trẻ này sau đó còn nhảy lên giường và ngủ cùng với yêu tinh trước khi bị nó ăn thịt. Kết cục của Cô bé quàng khăn đỏ phiên bản gốc này có phần tương đồng với chuyện cổ tích Tấm Cám khi Tấm giết chết Cám rồi làm mắm và lừa dì ghẻ ăn.
Một số nhà văn học dân gian đã tìm hiểu sâu hơn về các phiên bản khác của Cô bé quàng khăn đỏ tại Pháp. Trong đó, cô bé đã nhận ra thủ đoạn của con sói và nghĩ ra một cách để trốn thoát là đòi vào phòng tắm.
Con sói bắt buộc phải chấp thuận nhưng buộc một sợi dây vào người đứa trẻ để ngăn em chạy trốn nhưng bằng cách nào đó, cô bé quàng khăn đỏ vẫn chạy thoát. Điều thú vị là trong phiên bản này, cô bé đã tự mình trở thành nữ anh hùng, cứu bản thân thoát khỏi cái chết được báo trước. Thế nhưng, sau khi câu chuyện được kể lại bởi anh em nhà Grimm, họ đã biến tấu câu chuyện, thêm vào nhân vật thợ săn làm vị anh hùng xuất hiện vào phút cuối.
Tiến sĩ Jamie Tehrani, cũng là nhà nhân chủng học văn hóa, đã tìm thấy một số phiên bản của Cô bé quàng khăn đỏ có niên đại gần 3.000 năm trước. Theo Tiến sĩ Tehrani, phiên bản lâu đời nhất xuất hiện đầu tiên ở Hy Lạp từ thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên.
Trước phiên bản của anh em nhà Grimm, tác giả người Pháp, Charles Perrault, đã kể lại câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ vào thế kỷ 17 với kết cục dừng lại sau khi 2 bà cháu bị sói ăn thịt. Theo tác giả, câu chuyện là lời cảnh báo dành cho những cô gái trẻ đối với kẻ lạ mặt. Ông chọn sói làm nhân vật phản diện bởi vì loài vật này có thể lừa dối mọi người bằng dáng vẻ dịu dàng bên ngoài hòng che giấu dã tâm.
2 thập kỷ sau, anh em nhà Grimm viết lại Cô bé quàng khăn đỏ từ câu chuyện của tác giả Charles Perrault. Họ thêm vào chi tiết người thợ săn xuất hiện, giết con sói và cứu sống 2 bà cháu. Chưa dừng lại ở đó, sau này 2 bà cháu còn rơi vào trường hợp tương tự nhưng nhờ có kinh nghiệm lần trước, họ đã giết chết được con sói khác.
Theo đó, cô bé quàng khăn đỏ cũng đang trên đường đến nhà bà thì chạm mặt một con sói nhưng lần này, đứa trẻ đã phớt lờ con vật. Người bà thì không cho sói vào nhà rồi cùng với cháu gái dụ dỗ con vật bằng mùi thơm của xúc xích nướng. Con sói vì không cưỡng lại được đã leo vào nhà từ đường ống khói, cuối cùng té vào thùng nước và chết đuối trong đó.
Năm 1857, anh em nhà Grimm viết lại câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ với nội dung rút gọn như chúng ta biết hiện nay.
Theo IMACHO (Trí Thức Trẻ)