Nguy cơ tiềm ẩn của việc sơ tán cư dân Donbass sang Nga

19/02/2022 08:32:16

Ngày 18/2, những người đứng đầu hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (DPR và LPR) thông báo bắt đầu sơ tán khẩn cấp dân thường tới vùng Rostov do căng thẳng gia tăng ở Donbass.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị phát 10.000 rúp cho mỗi người tị nạn từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng.

Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về Các vấn đề Quốc tế (RIAC) Andrey Kortunov cho rằng, quyết định sơ tán cư dân của DNR và LNR sang Nga có thể có "nhiều động cơ khác nhau". Thứ nhất, theo nhà khoa học chính trị, là mối đe dọa chiến tranh vẫn còn. “Có một nỗi sợ hãi về sự leo thang, tình hình căng thẳng ở cả hai bên biên giới. Mặc dù giới lãnh đạo Ukraine nói rằng, không có kế hoạch giải quyết vấn đề Donbas bằng biện pháp quân sự, nhưng không phải mọi thứ đều do Tổng thống V.Zelensky bên phía Ukraine kiểm soát". Theo chuyên gia, có những đội quân bán tự trị có thể không đồng ý với quan điểm của nhà lãnh đạo Ukraine và dùng đến một số kiểu khiêu khích.

Nguy cơ tiềm ẩn của việc sơ tán cư dân Donbass sang Nga
(Ảnh: Tass)

Ông Kortunov cho rằng, một lý do khác khiến việc sơ tán bắt đầu là mong muốn của các nước cộng hòa tự xưng "gây áp lực" lên Nga để Điện Kremlin công nhận nền độc lập của họ càng sớm càng tốt. Nó gắn với các quyết định mới nhất của Duma Quốc gia Nga vào ngày 15/2, các đại biểu đã ủng hộ dự thảo nghị quyết đề xuất lên Tổng thống Nga về việc công nhận DNR và LNR. Việc sơ tán và kịch tính hóa tình hình tạo ra một lập luận ủng hộ để quyết định công nhận các nước cộng hòa được Tổng thống Nga phê duyệt.

Chuyên gia Kortunov tin rằng, việc thực hiện các thỏa thuận Minsk là không có lợi cho các cơ quan chức năng hiện tại của DPR và LPR, vì họ có thể mất quyền lực ở các nước cộng hòa. Theo lời ông, “Nếu các thỏa thuận Minsk được thực hiện, nó sẽ thay đổi rất nhiều cục diện chính trị ở vùng lãnh thổ này. Nhiều trung tâm quyền lực đã hình thành trong 8 năm này sẽ bị đẩy lùi bởi các lực lượng chính trị mới ở cấp độ toàn Ukraine. Các chính trị gia khác, các đảng phái khác sẽ đến”. Ông nghĩ rằng, Donbass sẽ vẫn thân Nga, nhưng đó sẽ là một môi trường hoàn toàn khác - nó sẽ cạnh tranh và cởi mở hơn. Không phải tất cả mọi người trong chính quyền của các nước cộng hòa đều coi triển vọng này như một cơ hội.

Người đứng đầu Đoàn Chủ tịch tổ chức phi chính phủ “Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng” Fyodor Lukyanov giả định rằng “việc sơ tán cư dân của DPR và LPR" đã trở thành một yếu tố trong một trò chơi nhất định bao gồm việc gia tăng mức độ leo thang của tình hình". Theo một nghĩa nào đó, những hành động này là đáp trả tương xứng những gì phương Tây đang làm, liên tục công bố ngày càng nhiều ngày mới cho “cuộc xâm lược của Nga”. Nhà khoa học chính trị này cho rằng, có nguy cơ làm trầm trọng thêm và phát triển quân sự, bởi vì có một số yếu tố không thể kiểm soát được, cả về phía Ukraine và một phần của các nước cộng hòa chưa được công nhận. Một số lực lượng không vận hành theo logic của một trò chơi được suy nghĩ kỹ lưỡng. Đồng thời, ông Lukyanov dự đoán rằng, các hành động được thực hiện ở Donbass nhằm "không phải để chuẩn bị cho chiến tranh, mà nhằm ngăn chặn một cuộc đụng độ trực tiếp".

Chuyên gia Viện các nước SNG Vladimir Evseev cho rằng, cuộc di tản đã bắt đầu, đây là một bước đi rất nghiêm trọng, “nói lên khả năng xảy ra một cuộc chiến thực sự”. Ông thu hút sự chú ý đến các thông tin về sự tích tụ của quân đội Ukraine trên tuyến liên lạc với Donbass và việc rà phá mìn ở  các vị trí của DPR. 

Tuyên bố của những người đứng đầu DPR và LPR về việc sơ tán cư dân được đưa ra trong bối cảnh tình hình quân sự gia tăng ở Donbass - trong vài ngày qua, các nước cộng hòa không được công nhận và Ukraine đã cáo buộc nhau về các vụ pháo kích. Các cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh các thông tin về mối đe dọa Nga tấn công Ukraine, mà Moscow đã nhiều lần phủ nhận việc chuẩn bị./

Theo Anh Tú (VOV.vn)

Nổi bật