Nguy cơ đổ vỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều vì cố vấn 'diều hâu' mới của Trump

24/03/2018 13:16:52

Việc ông John Bolton từng chủ trương dùng vũ lực giải quyết khủng hoảng Triều Tiên đang đe dọa xô đổ những nỗ lực ngoại giao đã đạt được.

Nguy cơ đổ vỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều vì cố vấn 'diều hâu' mới của Trump
Tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định chọn John Bolton, chính trị gia tân bảo thủ có quan điểm cứng rắn, làm cố vấn an ninh quốc gia mới thay tướng H.R. Giới phân tích lo ngại động thái này của Trump có thể làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trước khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra, theo Vice News.

Bolton được chỉ định làm cố vấn an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng giữa Triều Tiên với Mỹ - Hàn đang có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi suốt những tháng qua, đặc biệt kể từ Thế vận hội Mùa đông 2018 ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Nhưng những tiến triển này có thể tan thành mây khói nếu tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ vẫn duy trì quan điểm "diều hâu" của mình trong vấn đề Triều Tiên.

Bolton lâu nay vẫn ủng hộ hành động can thiệp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Trong bài xã luận đăng trên Wall Street Journal tháng trước, ông ủng hộ ba biện pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề Triều Tiên, gồm tấn công cơ sở hạt nhân, phá hủy tên lửa trước khi kịp khai hỏa và ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đây dường như là nguyên nhân dẫn tới việc Bình Nhưỡng năm 2003 gọi ông là "gã tồi, một kẻ hút máu".

"Tôi nghĩ việc bổ nhiệm ông Bolton sẽ đưa chúng ta tiến gần hơn tới một cuộc xung đột nghiêm trọng", ông Robert Kelly, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, nhận định.

Theo giáo sư Kelly, ông Bolton sẽ khiến nội các "diều hâu" của Tổng thống Trump trở nên cứng rắn hơn, khi nhiều quan chức cấp cao khác trong Nhà Trắng hiện nay đều mang quan điểm ủng hộ phương án đối đầu với Triều Tiên.

"Xung quanh Tổng thống bây giờ toàn diều hâu", ông Kelly nói. "Tôi lo ngại chúng ta đang có một nội các hiếu chiến. Phó tổng thống Mike Pence là diều hâu. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley là diều hâu. Ngoại trưởng Mike Pompeo là diều hâu và Bolton cũng vậy".

Bên cạnh đó, câu hỏi liệu ông Bolton có thể làm tốt công việc của mình trên cương vị mới hay không cũng là điều khiến không ít người hoài nghi.

"Tôi thực sự không tin ông Bolton sẽ thực hiện hiệu quả công việc", Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin tại Viện Middlebury, cho hay. "Chúng ta nên cảm thấy lo lắng về những thứ ông ấy thì thầm vào tai Tổng thống".

Phản ứng từ Hàn Quốc hôm 23/3 trước tin ông Bolton trở thành cố vấn an ninh quốc gia mới của Mỹ khá hỗn loạn. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tỏ ra lạc quan, cho rằng Bolton là chính trị gia "am hiểu các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên" và quan trọng hơn cả, ông ấy "được Tổng thống Mỹ tin tưởng".

Tuy nhiên, nghị sĩ bảo thủ Kim Hack-yong, lãnh đạo ủy ban quốc phòng trực thuộc quốc hội Hàn Quốc, lại miêu tả quyết định của Tổng thống Trump "gây lo ngại". "Triều Tiên và Mỹ cần đối thoại nhưng điều này chỉ làm gia tăng hoài nghi về việc liệu các cuộc đối thoại có thực sự được diễn ra hay không", ông Kim nói.

Dù thế giới cảm nhận ra sao về Bolton, quyết định bổ nhiệm ông chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng tới các kế hoạch tổ chức gặp thượng đỉnh với Triều Tiên sắp tới, bình luận viên David Gilbert của Vice đánh giá.

Bolton từng nói ông tin các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng sẽ "chết yểu". "Tôi nghĩ cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo có thể là một phiên họp khá ngắn ngủi nơi Tổng thống Trump sẽ nói 'hãy cho tôi biết rằng các bạn đã bắt đầu phi hạt nhân hóa bởi chúng tôi sẽ không tham gia những phiên đàm phán kéo dài. Các bạn có thể đảm bảo với tôi bây giờ hoặc tôi sẽ nghĩ tới những phương án khác'", ông Bolton trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh WMAL ở Washington hồi đầu tháng.

Theo giáo sư Kelly, Bolton có thể không tìm cách cản trở đối thoại Mỹ - Triều, nhưng nếu đối thoại thất bại, nó sẽ được ông coi như đòn bẩy để thúc đẩy những hành động cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Alan Mendoza, giám đốc điều hành viện chính sách quốc tế tân bảo thủ Xã hội Henry Jackson, nhận xét việc bổ nhiệm Bolton sẽ giúp ích cho Mỹ trong việc truyền tải thông điệp tới Triều Tiên rằng Washington đang "cân nhắc mọi lựa chọn".

Quyết định đưa ông Bolton lên làm cố vấn an ninh quốc gia sẽ gửi đi thông điệp rằng "Mỹ hoàn toàn nghiêm túc giải quyết vấn đề và sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp cần thiết nếu trừng phạt và đàm phán không đem lại kết quả", ông Mendoza bình luận.

Nhưng theo chuyên gia về chiến lược hạt nhân Mỹ Adam Mount, nếu ông Trump hoàn toàn nghe theo quan điểm cứng rắn của Bolton, "các cuộc thảo luận chắc chắn sẽ dẫn tới thảm họa".

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)

Nổi bật