Nguy cơ COVID-19 tác động lâu dài đến sức khỏe con người

12/08/2020 18:03:26

Các nhà khoa học đã bắt đầu phát hiện bằng chứng cho thấy một số bệnh nhân COVID-19 sẽ chịu tác động lâu dài về sức khỏe, kể cả sau khi đã khỏi bệnh.

Với Athena Akrami, một giảng viên 38 tuổi tại trường University College London (UCL), cuộc sống của cô chỉ là một cái bóng mờ nhạt kể từ sau ngày 17/3, khi cô lần đầu thấy các triệu chứng của COVID-19. Vốn là một giảng viên về thần kinh học, giờ đây, cô phải vật lộn để có thể suy nghĩ rõ ràng cũng như chống lại chứng đau khớp và cơ.

Akrami nói: "Tôi thường đến phòng tập thể dục ba lần một tuần. Nhưng bây giờ, hoạt động thể chất của tôi là từ giường ngủ ra sofa, rồi từ sofa đi vào bếp".

Các triệu chứng ban đầu của cô giống như trong sách giáo khoa: sốt và ho, tiếp đó là khó thở, đau ngực và mệt mỏi. Trong nhiều tuần, cô vật lộn để tự điều trị tại nhà. Nhưng thay vì giảm dần theo thời gian, các triệu chứng của Akrami tiếp tục kéo dài và mãi không biến mất.

Nguy cơ COVID-19 tác động lâu dài đến sức khỏe con người
Tiến sĩ Athena Akrami - giảng viên tại trường University College London (UCL)

Theo tạp chí Science, danh sách các bệnh lý do COVID-19 gây ra đang ngày càng dài ra. Một số triệu chứng được ghi nhận bao gồm mệt mỏi, nhịp tim đập nhanh, khó thở, đau nhức khớp, suy nghĩ khó khăn, mất khứu giác, thậm chí dẫn tới tổn thương tim, phổi, thận và não.

Các tác động lâu dài tiềm ẩn ở bệnh nhân COVID-19 đang được nghiên cứu:

+ Suy giảm chức năng thần kinh

+ Tổn thương phổi và tim

+ Gia tăng các cục máu đông, dẫn đến huyết khối và đột quỵ

(Nguồn: Arab News)

Báo cáo mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng ghi nhận, hơn 1/3 số bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ, không phải nhập viện, đã không thể trở lại sức khỏe bình thường trong vòng 3 tuần sau khi dương tính với SARS-CoV-2.

Điều này hoàn toàn trái ngược với bệnh cúm mùa: hơn 90% bệnh nhân cúm đã bình phục trong vòng 2 tuần. Các tác giả báo cáo khẳng định: "COVID-19 có thể dẫn đến bệnh kéo dài, ngay cả ở những người trẻ tuổi không mắc các bệnh mãn tính tiềm ẩn".

Tác động đến não và hệ thần kinh

Các tác động của virus lên não đang ngày càng trở thành mối quan tâm lớn nhất với các chuyên gia y tế, với hơn 300 nghiên cứu khác nhau đã được ghi nhận.

Nguy cơ COVID-19 tác động lâu dài đến sức khỏe con người - 1
Tác động của COVID-19 lên não bộ được xem là rất đa dạng từ nhẹ cho tới nặng (Nguồn: AFP)

Bình luận trên tờ Arab News, Gregory Poland, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và vaccine tại Trung tâm y tế Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota cho biết, tác động của virus lên não "rất đa dạng", từ không có tác động rõ ràng đến "tắc mạch lớn" - cách nói khác của đột quỵ nghiêm trọng.

Ông Poland cho biết: "Các trường hợp "tắc mạch lớn" ở người trẻ thường là ca mắc COVID-19 từ trung bình đến nặng, nhưng vẫn có thể xảy ra với bất cứ ai mắc bệnh".

Các nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân gặp nhiều vấn đề, từ suy giảm chức năng não đến đột quỵ; viêm hệ thống thần kinh trung ương; các vấn đề thần kinh ngoại vi; các vấn đề về nhận thức và sức khỏe tâm thần, chứng mê sảng, rối loạn tâm thần; một số trường hợp mắc hội chứng Guillain - Barre (viêm đa dây thần kinh cấp tính).

Tác động tới phổi

Báo Today trích lời tiến sĩ Amesh Adalja, Đại học Johns Hopkins cho biết, một số bệnh nhân COVID-19 nặng có thể phải đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp về phổi bởi căn bệnh này không chỉ là rối loạn hô hấp.

Ông Adalja nói: "Một số bệnh nhân sẽ hình thành vết sẹo trong phổi do tác động của bệnh, và có thể không phục hồi được hoàn toàn. Không chỉ riêng COVID-19, vấn đề này cũng xuất hiện với các loại bệnh phổi khác, từ viêm phổi dẫn tới suy hô hấp cấp nặng".

Nguy cơ COVID-19 tác động lâu dài đến sức khỏe con người - 2
Các nhân viên y tế kiểm tra kết quả chụp phổi của bệnh nhân COVID-19 (Nguồn: Science)

Ngay cả những bệnh nhân nhẹ hơn, cũng có thể gặp tình trạng chức năng phổi giảm, ví dụ như không thể tập thể dục lâu vì thấy hụt hơi. Theo South China Morning Post, các bác sĩ Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, chức năng phổi ở một số bệnh nhân giảm 20 - 30% sau khi phục hồi và "sẽ gặp khó thở khi họ đi bộ nhanh hơn bình thường".

Tác động tới tim mạch

Một nghiên cứu tại Trung Quốc mới đây chỉ ra rằng, khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 bị tổn thương tim khi nhập viện. Một nghiên cứu khác của Đại học Tim mạch Mỹ ghi nhận 16% bệnh nhân mắc chứng loạn nhịp tim, thậm chí có ca suy tim cấp, đau tim và tim ngừng đập sau khi mắc COVID-19. Các bệnh nhân nặng cũng có thể bị viêm cơ tim và khó phục hồi hoàn toàn. Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong tim tới nhiều tháng, gây ra các ổ viêm cơ tim dù không có triệu chứng gì.

Nguy cơ COVID-19 tác động lâu dài đến sức khỏe con người - 3
Tình trạng gia tăng các cục máu đông được ghi nhận ở nhiều bệnh nhân COVID-19 (Nguồn: Medium)

Về vấn đề này, tiến sĩ Andrew Freeman, chuyên gia tim mạch tại Denver (Mỹ) lý giải, với các các bệnh nặng phải hồi sức trong phòng chăm sóc đặc biệt, tim sẽ chịu áp lực lớn và có thể xuất hiện tổn thương. Việc mắc bệnh phổi lâu dài cũng ảnh hưởng tới tim.

Ông Freeman bình luận: "Phổi và tim liên quan chặt chẽ. Đôi khi phổi nhiễm bệnh, động mạch phổi có thể cũng bị viêm hay sơ cứng".

Ngoài ra, các bệnh do virus có thể khiến các mảng trong động mạch bất ổn định, có thể dẫn đến tắc mạch. Các bác sĩ đã ghi nhận tình trạng các cục máu đông tăng cao bất thường ở bệnh nhân COVID-19, làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, đột quỵ và đau tim.

Tác động tới thận

Hiện không có bằng chứng cho thấy COVID-19 gây tổn thương thận người có triệu chứng nhẹ hoặc vừa, tuy nhiên, có từ 25 - 50% bệnh nhân nặng có các vấn đề bất thường ở thận, theo nghiên cứu của Hội Thận học Quốc tế.

Các bệnh nhân này có nhiều protein và tế bào hồng cầu trong nước tiểu, khoảng 15% bị suy giảm chức năng lọc thận. Tiến sĩ Alan Kliger từ Hiệp hội Thận học Hoa Kỳ cũng cho biết, có tới một nửa số bệnh nhân COVID-19 nặng phải chăm sóc đặc biệt bị suy thận và cần chạy thận nhân tạo.

Có một số giả thuyết đã được đưa ra, có thể do virus SARS-CoV-2 tấn công trực tiếp vào thận, do ảnh hưởng của các cục máu đông hoặc các cơ quan bị thiếu oxy. Tiến sĩ Adalja cũng cho rằng, thay đổi miễn dịch do virus SARS-CoV-2 có thể gây nhiễm trùng huyết, khiến nhiều hệ cơ quan bị tổn thương trong đó có thận. Tuy nhiên, Hiệp hội Thận học Quốc tế cho biết chưa phát hiện ảnh hưởng lâu dài nào về thận ở các bệnh nhân khỏi COVID-19.

Những tác động lâu dài của bệnh COVID-19 tới sức khỏe người khỏi bệnh vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn bởi virus SARC-CoV-2, kẻ thù giấu mặt, vẫn đang tạo ra những triệu chứng bệnh mới ở người mắc COVID-19.

Theo Việt Linh (VTV)

Nổi bật