Dân Bình Nhưỡng tỏ ra điềm tĩnh trước mối đe dọa chiến tranh, tin tưởng sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Mỹ.
|
Người dân Bình Nhưỡng trong một buổi mít tinh chống Mỹ. |
Trong lúc cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về cuộc khủng hoảng tên lửa, hạt nhân trên bán đảo leo thang đẩy quan hệ hai nước vào tình trạng căng thẳng chưa từng có, Carol Giacomo, phóng viên mảng chính sách đối ngoại kỳ cựu của tờ NYTimes, tuần trước bất ngờ nhận được lời mời tới thăm Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên đứng ra mời Giacomo và ba phóng viên khác của NYTimes tới Bình Nhưỡng với điều kiện tờ báo phải tự trang trải mọi chi phí. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Triều Tiên sẽ không đảm bảo hoàn toàn cho đoàn phóng viên Mỹ về vấn đề an ninh Triều Tiên, khiến họ phải tự tìm cách cân bằng nhất giữa thông tin trung thực và sự an toàn cho bản thân khi đưa tin ở Bình Nhưỡng.
"Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực nổ ra chiến tranh hạt nhân", Choe Kang-il, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói với các phóng viên. Khi được hỏi liệu cuộc chiến này có thể tránh được không, ông Choe trả lời: "Tôi cho rằng điều đó phụ thuộc vào thái độ của phía Mỹ".
Tới thủ đô Bình Nhưỡng, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt Giacomo là các biểu ngữ tuyên truyền, vẽ những quả tên lửa đang nhằm thẳng vào thủ đô nước Mỹ, treo đầy trên các tuyến phố lớn. Các quan chức Triều Tiên cho biết gần đây hàng triệu người, trong đó có cả học sinh trung học, công nhân và người lớn tuổi từng thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, đã nộp đơn xin nhập ngũ theo lời kêu gọi sẵn sàng chống Mỹ của nhà nước.
Bình Nhưỡng và Washington đang ở thế đối đầu khi Triều Tiên có những bước tiến lớn trong chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa có thể mang vũ khí hạt nhân của mình. Lãnh đạo hai nước liên tiếp tung ra những lời đe dọa sử dụng biện pháp "hủy diệt", làm gia tăng đáng kể nguy cơ nổ ra xung đột giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong suốt bốn ngày ở Bình Nhưỡng, chứng kiến thái độ của người dân Triều Tiên với nguy cơ chiến tranh nổ ra, Giacomo không thể đoán chắc được cuộc khủng hoảng hiện nay có thể kết thúc tốt đẹp hay không.
Từng viết về đề tài Triều Tiên từ năm 1992, đây là lần đầu tiên Giacomo được đặt chân tới Bình Nhưỡng, khi quốc gia này muốn giới truyền thông Mỹ hiểu hơn về các mục tiêu kinh tế và chính trị của họ. Tuy nhiên chuyến đi này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh sinh viên người Mỹ Otto Warmbier vừa qua đời sau một năm bị bắt và giam giữ ở Triều Tiên vì hành vi lấy cắp một biểu ngữ trong khách sạn.
Suốt chuyến đi, đoàn nhà báo Mỹ luôn bị giám sát bởi hai quan chức chính phủ Triều Tiên, chỉ trừ khi họ ở trong phòng khách sạn. Nhưng giữa không khí căng thẳng đó, Giacomo không nhận thấy bất cứ hoạt động điều chuyển quân bất thường nào ở Bình Nhưỡng hay dọc biên giới với Hàn Quốc. Lính biên phòng Triều Tiên cùng các binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc vẫn đứng gác bình thường tại khu phi quân sự, trong khi khách du lịch và các phóng viên nước ngoài vẫn đổ về đây tham quan, chụp ảnh.
|
Tranh cổ động trên đường phố Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters. |
Đoàn phóng viên Mỹ được đưa tới thăm một nhà máy sản xuất lụa, một tổ hợp khoa học công nghệ, nơi có hệ thống máy tính nối mạng quốc gia nhưng không kết nối Internet, một trường trung học dành cho con em giới tinh hoa và bảo tàng chiến tranh chống Mỹ. Họ còn tới thăm một công viên giải trí, nhà hàng và bể nuôi cá heo, nơi người dân Bình Nhưỡng có thể thăm thú vào ngày nghỉ. Tuy nhiên, đề xuất thăm ba tù nhân người Mỹ tại nhà tù Triều Tiên bị giới chức Bình Nhưỡng từ chối.
Dù bị kiểm soát chặt chẽ, Giacomo vẫn có thể trò chuyện với người dân bình thường ở Bình Nhưỡng và cảm nhận ở họ sự chấp nhận đến điềm tĩnh về nguy cơ nổ ra chiến tranh với Mỹ. Hầu hết những người mà bà phỏng vấn đề hết lòng tin tưởng vào chiến thắng của Triều Tiên nếu chiến tranh nổ ra.
Một số người dân Bình Nhưỡng khẳng định họ căm thù chính phủ Mỹ, nhưng không hề ghét bỏ người dân Mỹ và mong muốn được sống trong hòa bình. Một phụ nữ Triều Tiên khi trò chuyện với Giamoco đã rưng rưng nước mắt khi nói về những cảm xúc lẫn lộn của bà với nước Mỹ.
Điều Giamoco muốn biết nhất là liệu người dân Triều Tiên có sẵn sàng đàm phán hạt nhân với Mỹ hay không và điều kiện để thương lượng là gì. Trong thập niên 1990, hai nước từng đạt được thỏa thuận đóng băng chương trình làm giàu plutonium của Triều Tiên trong suốt 8 năm và đặt ra những giới hạn trong chương trình tên lửa.
Tuy nhiên, các thỏa thuận này sụp đổ dưới thời chính quyền George W. Bush và Triều Tiên tới nay đã có ít nhất 20 vũ khí hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo có thể vươn tới nước Mỹ, điều mà Tổng thống Trump từng tuyên bố là "không cho phép xảy ra".
Theo lời ông Choe, Triều Tiên buộc phải trở thành cường quốc hạt nhân để tự vệ trước "đòn tống tiền hạt nhân", lệnh trừng phạt, lịch sử đối đầu của Mỹ cũng như để đảm bảo toàn vẹn chủ quyền và phẩm giá quốc gia. Bình Nhưỡng phải tạo nên "thế cân bằng quyền lực" để kiềm chế Washington, hướng tới mục tiêu biến thỏa thuận ngừng bắn trong chiến tranh Triều Tiên thành hiệp ước hòa bình lâu dài, để Triều Tiên có thể tập trung vào phát triển kinh tế.
Giamoco cho rằng đây dường như là câu trả lời cho thắc mắc của bà về điều kiện để Triều Tiên đàm phán với Mỹ. Chỉ khi Washington đưa ra quyết định chấm dứt các cuộc tập trận với Seoul, ngừng cấm vận và từ bỏ nỗ lực cô lập Bình Nhưỡng về ngoại giao, đối thoại giữa hai bên mới mang lại kết quả, Choe nhấn mạnh.
Những cuộc phỏng vấn quan chức và người dân Bình Nhưỡng khiến Giamoco tin rằng Mỹ cũng cần phải giảm bớt giọng điệu của mình đối với Triều Tiên. Bài phát biểu của Tổng thống Trump ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng trước là hành động "vượt lằn ranh" đối với nhiều người dân Triều Tiên, khi ông Trump gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là "người tên lửa" và đe dọa "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên", quốc gia có 26 triệu người.
Việc chính quyền Trump khăng khăng sẽ không đàm phán với Triều Tiên trừ phi Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong thời gian vô hạn định khiến triển vọng ngoại giao rơi vào bế tắc, thậm chí đẩy khu vực vào tình thế nguy hiểm. Giamoco cho rằng cuộc khẩu chiến và phô trương sức mạnh hiện nay giữa hai nước không thể đem lại kết cục tốt đẹp cho khu vực và thế giới.
Theo Trí Dũng (VnExpress.net)