Nguy cơ chiến tranh 2,6 tỷ người giữa Trung Quốc và Ấn Độ?

19/07/2017 10:44:00

Căng thẳng xảy ra ở Doklam, khu vực biên giới giữa 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trước lập trường cứng rắn từ các bên.

Căng thẳng xảy ra ở Doklam, khu vực biên giới giữa 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trước lập trường cứng rắn từ các bên.

nguy co chien tranh 2,6 ty nguoi giua tq va an do? hinh anh 1

Theo Diplomat, căng thẳng ở Doklam những ngày qua khiến nhiều người nghĩ về một cuộc chiến tranh giống như xung đột biên giới Trung-Ấn năm 1962.

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực và nói New Delhi nên ghi nhớ bài học quá khứ.

Khi được hỏi về khả năng căng thẳng leo thang, Luo Zhaohui, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ không phủ nhận kịch bản như vậy.

Ở New Delhi, quân đội giới chức Ấn Độ bày tỏ lập trường cứng rắn. Tư lệnh các lực lượng Ấn Độ, tướng Bipin Rawat đề cập đến khả năng chiến tranh Trung-Ấn và khẳng định “quân đội Ấn Độ sẵn sàng chiến đấu trên cả hai mặt trận biên giới”.

Việc chính phủ Ấn Độ đồng ý cho quân đội mua khẩn cấp thêm đạn dược, vũ khí cũng cho thấy khả năng về một cuộc xung đột ngắn.

Trên thực tế, căng thẳng Trung-Ấn tồn tại đã lâu và không chỉ mới xuất hiện ở khu vực Doklam. Khả năng xảy ra chiến tranh giữa hai quốc gia có tổng số dân 2,6 tỷ người này đã là mối quan ngại của các chuyên gia trong hàng thập kỷ qua.

nguy co chien tranh 2,6 ty nguoi giua tq va an do? hinh anh 2

Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng chiến tranh tổng lực với Ấn Độ.

Theo chuyên gia Rajeesh Kumar đến từ Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng New Delhi, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu bên nào sẽ nổ súng trước? Trả lời câu hỏi này sẽ giải đáp được khả  năng xảy ra chiến tranh biên giới Trung-Ấn lần 2.

Đối với Ấn Độ, New Delhi không hề muốn leo thang chiến tranh bởi nhân tố đối nội. Quân đội tuyên bố sẵn sàng nhưng chiến tranh còn phụ thuộc vào yếu tố chính trị và hệ quả lâu dài.

Ấn Độ sẽ bước vào cuộc bầu cử vào tháng 5.2019, giới lãnh đạo New Delhi không hề mong muốn một cuộc chiến tranh mà Ấn Độ không nắm chắc phần thắng.

Xung đột cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ngay cả khi Ấn Độ chiến thắng, Trung Quốc cũng có thể gây sức ép kinh tế, khiến cuộc chiến không đem lại lợi ích cho Ấn Độ.

Tác giả Rajeesh Kumar cho rằng, Ấn Độ sẽ không khơi mào chiến tranh với Trung Quốc trong tương lai gần, ít nhất là sau cuộc bầu cử 2019.

Quân đội Ấn Độ cũng bày tỏ lập trường cứng rắn, sẵn sàng chiến tranh đồng thời với cả Pakistan và Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, lời lẽ cứng rắn dường như là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chuẩn bị cho một cuộc chiến ngay lập tức và không thể tránh khỏi với Ấn Độ.

Nhưng Trung Quốc đang xây dựng hình ảnh cường quốc kinh tế ở khắp nơi trên thế giới. Nước này cũng đang trải qua quá trình hiện đại hóa quân đội, chế tạo hàng loạt vũ khí hiện đại.

Do đó, Bắc Kinh sẽ không mạo hiểm gây chiến ở thời điểm hiện tại. Bởi điều này làm tổn hại hình ảnh một Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình.

Chuyên gia Rajeesh Kumar cho rằng, lựa chọn tốt nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là làm theo lời dặn của Tôn Tử: “Nhà lãnh đạo tài ba là người khéo léo chinh phục kẻ thù mà không cần phải chiến đấu”.

Như vậy, có thể nói yếu tố đối nội ngăn New Delhi đến chiến tranh trong khi Trung Quốc là hình ảnh một cường quốc trỗi dậy trong hòa bình.

Hai quốc gia láng giềng chỉ còn duy nhất một lựa chọn là tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự ở biên giới để đáp ứng sức ép từ dư luận trong nước.

Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)

Nổi bật