Nguồn tài chính của IS đến từ đâu?

05/04/2019 09:57:33

Ngay khi các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn tuyên bố ngày 23-3 đã chính thức loại bỏ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, giới quan sát quốc tế đã đặt câu hỏi rằng: Liệu IS đã thực sự bị loại bỏ hay chưa?

Câu trả lời là: Chưa! Sự xuất hiện của các vụ tấn công, tuy còn lẻ tẻ, trong những ngày gần đây tại các khu vực trong tỉnh Idlib của Syria, đã cho thấy sự tồn tại dai dẳng của mạng lưới rộng lớn các slepper cells IS (vốn là những tay khủng bố được huấn luyện kỹ càng, được cài đặt vào các khu vực dân cư). Còn thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của IS hiện vẫn đang ẩn náu ở một nơi nào đó.

Mặt khác, hiểm họa đang đến từ tiềm lực tài chính mạnh của lực lượng khủng bố, thứ đang lan rộng như huyết mạch khắp Trung Đông và khó có thể bị tiêu diệt bởi vũ khí, đạn dược. Bài viết mới đây của nhà báo David Kenner đăng trên tờ The Atlantic ngày 24/3 đã hé lộ về “đế chế kinh tế” với trữ lượng tiền khổng lồ mà IS tích lũy được trong ít nhất 5 năm qua thông qua việc cướp bóc, tống tiền, kiểm soát các mỏ dầu tại các lãnh thổ chiếm đóng.

Nguồn tài chính của IS đến từ đâu?
Mạng lưới chuyển tiền chui xuyên quốc gia

Nếu bạn đang muốn chuyển tiền ở Beirut (thủ đô Lebanon), thì khả năng bạn sẽ được giới thiệu tới gặp Abu Shawkat. Ông ta làm việc trong một văn phòng nhỏ ở vùng ngoại ô của thủ đô Lebanon, nhưng sẽ không cung cấp cho bạn vị trí chính xác của văn phòng. Thay vào đó, ông ta sẽ hướng dẫn bạn đến một con hẻm gần đó và việc Abu Shawkat có xuất hiện hay không phụ thuộc vào việc ông ta có thích vẻ ngoài của bạn hay không.

Dù vậy, Abu Shawkat không phải tên thật của ông ấy, mà chỉ là biệt danh của một phần hệ thống chuyển tiền Hawala, thường được sử dụng để chuyển tiền mặt trong những nơi mà hệ thống ngân hàng bị phá vỡ hoặc dành cho những đối tượng không muốn bị các hệ thống tài chính hoặc chính quyền theo dõi dòng tiền.

Các đại lý (hoặc nhà môi giới) của Hawala sẽ bảo đảm chuyển tiền đến tay người nhận trong vòng 48 giờ, bất kể địa chỉ hẻo lánh đến đâu, trong khi tất cả các khoản tiền chuyển đều không có hợp đồng. Người gửi sẽ đặt mật khẩu và người nhận chỉ cần nói đúng mật khẩu này cho đại lý Hawala để nhận tiền. Do đó, tiền mặt có thể chuyển qua biên giới mà không có bất kỳ yêu cầu nào về việc ai đang gửi hoặc nhận nó, hoặc mục đích của số tiền. Tất nhiên, bọn tội phạm cũng yêu chuộng Hawala và giúp mạng lưới ngầm này ngày càng lan rộng và tồn tại lâu đời ở Trung Đông và Nam Á.

Thực tế trong nhiều năm qua tại Syria, các dự án được Mỹ và Anh tài trợ đã gửi hàng triệu USD vào nước này thông qua Hawala; các tổ chức nhân đạo đã sử dụng nó để trả tiền lương cho nhân viên; hoặc người Syria làm việc ở nước ngoài dùng mạng lưới này để gửi tiền cho người thân đang gặp khó khăn ở quê nhà.

Nguồn tài chính của IS đến từ đâu? - 1
Các khu dân cư bị phá hủy trong cuộc chiến để giải phóng Mosul (Iraq) khỏi IS cuối năm 2017. Ảnh: AP.

Nhưng Abu Shawkat trong mạng lưới Hawala chỉ tương đương như một cửa hàng bán lẻ, trong khi một trong những “người khổng lồ” của ngành công nghiệp, mà các nhà phân tích tin rằng sở hữu một mạng lưới các doanh nghiệp dịch vụ tiền và đã chuyển hàng triệu USD mỗi tuần, chính là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo nhà báo David Kenner tại Beirut, ngay cả khi các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn giành lại phần lãnh thổ cuối cùng từ IS ở Syria, Washington và các đồng minh vẫn không thể hạ bệ “đế chế kinh tế” của tổ chức khủng bố. Theo ước tính của các chuyên gia, nhóm này vẫn là một cường quốc tài chính, bao gồm việc có thể tiếp cận hàng trăm triệu USD và sở hữu chiến lược kinh tế giúp tiền chảy vào túi của chúng đều đặn.

Sức mạnh tài chính của IS đã đặt ra một thách thức lớn hơn với Hoa Kỳ hay bất kỳ chính phủ nào khác. Trong nỗ lực siết chặt tổ chức khủng bố này về mặt tài chính, Washington đã buộc phải dựa vào một chiến lược khác biệt cơ bản so với chiến lược quân sự của mình. Vũ khí chính được sử dụng không phải là các cuộc không kích và pháo binh, mà là các công cụ tinh vi hơn, như trừng phạt các doanh nghiệp có liên kết với IS, không cho phép các doanh nghiệp này truy cập vào hệ thống tài chính quốc tế và hợp tác chiến lược này với các chính phủ trên toàn cầu. Tuy nhiên, thành công từ các chiến dịch này sẽ phải mất nhiều năm và chưa có gì đảm bảo chiến thắng.

Hoạt động giống al-Qaeda

Ngoài ra, sự kết thúc những ngày cai trị lãnh thổ của IS được ví như một con dao hai lưỡi. Một mặt, việc mất quyền kiểm soát địa bàn khiến IS mất đi 2 nguồn doanh thu chính là khai thác các mỏ dầu ở Iraq, Syria và đánh thuế người dân sống tại các khu vực mà tổ chức này cai trị.

Ở thời kỳ IS đang phát triển mạnh và liên tục mở rộng địa bàn nắm giữ, tổ chức này đã thu được khoảng 1 triệu USD mỗi ngày, biến nhóm này thành tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới, theo tiết lộ của một quan chức an ninh cấp cao Iraq, người yêu cầu được giấu tên khi thảo luận về các thông tin tình báo.

Nhưng mặt khác, việc mất lãnh thổ của IS đã giải phóng cho tổ chức này khỏi các chi phí liên quan đến việc cố gắng xây dựng lãnh thổ tự xưng của mình và cho phép nó tập trung hoàn toàn và hoạt động khủng bố. Một quan chức giấu tên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã  tiết lộ với báo giới rằng IS đang hoạt động ngày càng giống như tổ chức khủng bố tiền nhiệm của nó, al-Qaeda ở Iraq, và không còn cần đến các nguồn lực như khi tổ chức này cai trị các vùng lãnh thổ. Trong khi đó, dầu vẫn mang lại doanh thu cho IS.

Quan chức nêu trên nói rằng, thay vì kiểm soát các khu vực chứa dầu trong địa bàn nó chiếm đóng, nguồn thu nhập chính lúc này của IS là tống tiền các tuyến cung cấp dầu trên toàn khu vực.

Nguồn tài chính của IS đến từ đâu? - 2
IS biểu dương lực lượng năm 2016 (Ảnh tư liệu).

Như vậy, IS vẫn thu lợi từ những nguồn mà “đế chế Hồi giáo” tự xưng này xây dựng trong thời kỳ quyền lực. Theo đánh giá của ông Howard Shatz, nhà kinh tế cấp cao của Rand Corporation (tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận của Mỹ) và là đồng tác giả của một số nghiên cứu về tài chính của IS, nhóm các phần tử khủng bố cực đoan đã tích lũy được lượng lớn tiền mặt và các tài sản khác.

Một trong số những tài sản của IS được phát hiện dưới dạng các đầu tư vào những doanh nghiệp thương mại hợp pháp. Vào tháng 10-2018, một loạt các cuộc đột kích vào các doanh nghiệp có liên kết IS ở thành phố Erbil của Iraq đã phát hiện ra một tài liệu cho thấy IS đã đầu tư vào mọi thứ, từ bất động sản đến đại lý ôtô.

Các doanh nghiệp này thường được điều hành bởi những người trung gian hợp tác với IS, không phải vì đồng cảm ý thức hệ mà là vì lợi nhuận. Những người này thường chuyển doanh thu cho IS bất cứ khi nào được yêu cầu.

Ngoài ra, quan chức an ninh cấp cao Iraq, nguồn tin đã nhắc tới nêu trên, còn cho biết, phần lớn tài sản của IS đã được chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xử phạt các doanh nghiệp dịch vụ tiền của chúng ở Syria và Iraq. Theo các thông tin tình báo thu nhận được, một phần trong số các quỹ này đang được để dưới dạng tiền mặt bởi các cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một phần đã được đầu tư vào vàng.

Các cuộc điều tra cũng cho thấy đã có tiền lệ cho việc Ankara lơ là kiểm soát hoạt động của tổ chức khủng bố trên đất nước này: IS từng kiếm được hàng triệu USD bằng cách bán dầu nhập lậu cho người mua Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đột kích hồi tháng 10-2018 ở Erbil cũng nhắm vào mạng lưới tài chính được xây dựng bởi Fawaz Muhammad Jubayr al-Rawi, một kẻ lãnh đạo cấp cao trong tổ chức IS mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho rằng đang sở hữu và điều hành các doanh nghiệp dịch vụ tiền có trụ sở tại Syria để đổi tiền với Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục từ chối cung cấp nơi ẩn náu của các cá nhân thuộc IS hoặc tài sản của chúng.

Chiến lược tài chính kiểu “mafia”

Các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Syria và Iraq cũng vẫn còn yếu tố để IS hồi sinh. Các báo cáo tình báo chỉ ra rằng, từ năm 2008 đến 2012, khi al-Qaeda tại Iraq bị truy quét và buộc phải chuyển sang hoạt động ngầm, chúng đã hoạt động giống một tổ chức mafia. Al-Qaeda tìm cách ăn phần chênh, lợi nhuận của các hợp đồng xây dựng tái thiết đất nước, đặc biệt là ở thành phố Mosul, miền Bắc Iraq; lấy trộm hàng hóa và bán lại chúng; hay bắt cóc các thành viên của các gia đình giàu có để đòi tiền chuộc.

Mặc dù có nhiều khó khăn và bị loại bỏ ở nhiều nơi, doanh thu hàng tháng ghi nhận được của al-Qaeda ở ngưỡng gần 1 triệu USD chỉ ở tỉnh Nineveh (nơi có thủ phủ tỉnh là Mosul) vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009.

Nguồn tài chính của IS đến từ đâu? - 3
Bản đồ các khu vực dưới sự kiểm soát khác nhau trong cuộc nội chiến Syria tính đến tháng 2-2016. IS chiếm đóng các vùng đất được tô màu đen. Nguồn: Market Watch.

Ngày nay, các tổ chức khủng bố thậm chí còn có nhiều cơ hội để tạo thêm nguồn lợi cho chúng. Các khu vực từng do IS kiểm soát tại Iraq đang cần một nỗ lực tái thiết lớn. Tại một hội nghị năm 2018, các quốc gia đã cam kết 30 tỷ USD để xây dựng lại khu vực này, một con số thấp hơn so với những gì Chính phủ Iraq đang cần. Tuy nhiên, khoản tiền khổng lồ như vậy sẽ cung cấp cho IS nhiều cơ hội được hưởng lợi từ tham nhũng.

Tài liệu giải mật liên quan tới vấn đề này đã cho thấy rằng các chính trị gia cao cấp của Iraq, người Kurd và cả Thổ Nhĩ Kỳ đã có thỏa thuận với al-Qaeda tại Iraq năm 2009. Do đó, với chiến thuật tương tự al-Qaeda, IS có thể có những giao kèo bí mật với các quan chức địa phương, trong khi việc giám sát các khoản chi tại các khu vực này hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn.

Thứ hai, IS đang giữ các hồ sơ chi tiết về khoảng 7-8 triệu người từng sống dưới sự cai trị của tổ chức. Bất kỳ phần tử nào mang tư tưởng cực đoan đang nắm giữ những hồ sơ đó, đều có thể sử dụng chúng để tống tiền giới giàu có ở Iraq và Syria. Ví dụ như uy hiếp, đe dọa tính mạng người thân của các chủ doanh nghiệp xây dựng, phất lên nhờ các dự án tái thiết tại các địa bàn từng do IS chiếm giữ.

Ngoài ra, IS đã liên tục đa dạng hóa nguồn thu của tổ chức khủng bố, thay vì bắt cóc đòi tiền chuộc, nhóm nhắm vào các doanh nghiệp thương mại và tống tiền họ. Ngay cả khi Mỹ và các đồng minh cố gắng cắt đứt nguồn thu chính từ việc buôn lậu dầu xuyên quốc gia của tổ chức khủng bố này, thì những tài liệu mà các nước phương Tây thu được chỉ có thể cung cấp cái nhìn tổng quan về nhân sự và nguồn doanh thu của nhóm, chứ không triệt tiêu được chúng.

Bởi dù không còn tồn tại đế chế hay kiểm soát các vùng lãnh thổ, tư tưởng cực đoan của tổ chức này vẫn còn và đang len lỏi trong các slepper cells (gọi nôm na là các phần tử ẩn mình). Các phần tử này vẫn tiếp tục duy trì mạng lưới tài chính dưới vỏ bọc các doanh nghiệp hợp pháp và sẵn sàng tài trợ cho các hoạt động khủng bố trỗi dậy sau này.

Tóm lại, lợi thế thị trường của Abu Shawkat là ông có thể chuyển tiền đến những nơi mà các tổ chức tài chính chính thức (như ngân hàng) đã không còn tồn tại. Mô hình kinh doanh của IS cũng dựa trên các yếu tố tương tự, nhưng ở quy mô lớn hơn rất nhiều. IS nhằm mục đích khai thác sự đổ vỡ của chính quyền các khu vực như một cách để tài trợ cho bạo lực chính trị. Bạo lực này sẽ làm suy yếu chính quyền tại đó hơn nữa, giúp tạo ra nhiều cơ hội tài chính hơn nữa cho tổ chức khủng bố.

Do đó, chiến thắng quân sự chống lại IS là điều đáng mừng, nhưng cũng cho phép tổ chức khủng bố cực đoan nhất tồn tại ở một hình thái khác, giúp chúng trở lại với chiến lược kinh tế đã giúp thu lợi trong nhiều năm. Thực tế này cho thấy hiểm họa khó đoán định, và chắc chắn IS sẽ chưa ra khỏi “cuộc chơi” sớm.

Theo Việt Thùy (CAND Online)