Nguồn gốc ra đời 12 con Giáp trong văn hóa Trung Quốc

16/11/2018 15:17:50

Theo văn hóa Trung Quốc, mỗi năm theo chu kì 12 năm tương ứng với một con vật. Có 12 loài động vật cùng nhau tạo nên cung Hoàng đạo Trung Quốc, thường được gọi là 12 con Giáp. Trình tự truyền thống của 12 cung Hoàng đạo Trung Quốc là: Chuột, Bò, Hổ, Thỏ, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà trống, Chó và Lợn.

Tuy nhiên, khác với các dấu hiệu Hoàng đạo của chiêm tinh học phương Tây, các loài vật biểu tượng của Hoàng đạo Trung Quốc không dựa trên các chòm sao. Trong khi các dấu hiệu hoàng đạo phương Tây được cho là có nguồn gốc từ thiên văn học, khởi nguyên ra đời của 12 Cung Hoàng đạo Trung Quốc cho đến thời điểm này vẫn là thứ gây tranh cãi.

Nguồn gốc ra đời 12 con Giáp trong văn hóa Trung Quốc
12 cung Hoàng đạo - 12 con Giáp Trung Quốc

Đại diện (12 con vật) của dấu hiệu Hoàng đạo được tìm thấy trên rất nhiều hiện vật Trung Quốc thời cổ đại, đặc biệt là trong thời kỳ Chiến Quốc (475 TCN - 221 TCN). Một số ý kiến cho rằng những dấu hiệu này đã xâm nhập vào Trung Quốc qua “Con đường tơ lụa”, cùng với Phật giáo từ Ấn Độ.

Một số tài liệu ghi chép cho thấy dấu hiệu 12 cung Hoàng đạo lần đầu tiên được sử dụng bởi các bộ tộc du mục - những người đã phát triển một bộ lịch thú đặc biệt dựa trên đặc điểm các loài vật để tiện cho việc săn bắn và trồng trọt. Tuy nhiên, đa số các Học giả Trung Quốc tin rằng dấu hiệu 12 cung Hoàng đạo được phát triển dựa trên kiến ​​thức và tinh hoa của văn hóa Trung Hóa cổ đại.

Tất nhiên, vẫn tồn tại những huyền thoại nổi tiếng với màu sắc thần bí về cội nguồn ra đời 12 cung Hoàng đạo với nhiều biến thể khác nhau. Truyền thuyết kể rằng,  Ngọc Hoàng, trong một lần cao hứng đã triệu tập tất cả các loài động vật trong vũ trụ để tổ chức 1 cuộc đua. Và giải thưởng cho 12 con vật đầu tiên về đích là được xuất hiện trong 12 cung Hoàng đạo. Thứ tự xuất hiện trên cung Hoàng đạo chính là thứ tự “về đích” của 12 con vật này.

Nguồn gốc ra đời 12 con Giáp trong văn hóa Trung Quốc - 1
Những hình đất nung trong thời kì Chiến Quốc biểu tượng các linh thú trong 12 con Giáp 

Một truyền thuyết khác lại liên quan đến cuộc hành trình của các loài động vật đến cung điện của Ngọc Hoàng (một số biến thể thay thế vị trí Ngọc Hoàng bằng Đức Phật). Và đây có lẽ là huyền thoại được kể nhiều nhất trong việc lý giải sự ra đời của 12 cung Hoàng đạo.

Chuột đến cung điện đầu tiên dù nó là loài vật có hình thể khiêm tốn nhất. Thuyết kể rằng, ở cuối cuộc hành trình có 1 con sông mà tất cả các loài vật phải vượt qua để tiến vào Thiên đình. Chuột (được cho) không biết bơi nhưng lại đủ ranh ma để âm thầm trú trên lưng Bò. Ngay khi Bò vượt qua sông, Chuột đã nhảy xuống và tiến thẳng vào Thiên đình đầu tiên.

Truyền thuyết cũng miêu tả lòng từ bi của Rồng và lý giải tại sao một linh thú đầy quyền năng như Rồng lại “chỉ” là cung Hoàng đạo thứ 5. Có thể bay, Rồng dễ dàng về đích ở vị trí số 1. Tuy nhiên, trong cuộc đua, Rồng đã gặp phải những người dân đang chịu cảnh lũ lụt và quyết định giúp họ. Đấy là lý do tại sao Rồng đứng thứ 5 trong chu kỳ 12 cung Hoàng Đạo. 

Giống như cung Hoàng đạo của chiêm tinh học phương Tây, người Trung Quốc tin rằng dấu hiệu “12 con Giáp” nói lên rất nhiều điều về một con người, từ tính cách, sức khỏe, cuộc đời. Mỗi động vật có những đặc điểm nhất định, và người sinh ra vào năm nào (tháng nào, ngày nào, giờ nào) cũng sẽ mang những đặc điểm nổi trội của con vật đại diện.

Nguồn gốc ra đời 12 con Giáp trong văn hóa Trung Quốc - 2
Truyền thuyết về 12 con Giáp Trung Quốc liên quan đến một cuộc đua do Ngọc Hoàng tổ chức

Tử vi số mệnh Trung Quốc mở rộng đặc điểm của các con vật, kết hợp 12 Địa Chi với 10 Thiên Can, đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với thuyết Âm Dương – Ngũ Hành, từ đó tạo ra 60 tổ hợp Can Chi (Lục thập hoa giáp) để dự đoán tính cách và số phận của con người.

Những ứng dụng (đặc biệt là tử vi, thiên văn học) của 12 cung Hoàng đạo đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong văn hóa Trung Quốc, từ thời cổ đại, phong kiến và cho tới tận ngày hôm nay.

“Nhân vật” thứ tư trong 12 con Giáp Trung Quốc cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan là Thỏ trong khi vị trí này trong 12 con Giáp Việt Nam lại là... Mèo!

Đã có nhiều cách lý giải tại sao và từ khi nào người Việt đưa con mèo vào thay thế con thỏ trong danh sách 12 con giáp vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, tuy nhiên, câu trả lời vẫn chưa rõ ràng.

Một trong những lý do có thể là bắt nguồn từ lỗi dịch thuật phức tạp từ cách tính 12 Cung Hoàng Đạo – 12 con Giáp: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó) và Hợi (lợn).

Tiếng Hoa, phát âm tên con mèo là ‘mao’, khá giống người Việt phát âm ‘mèo’. Cả hai cách phát âm bắt nguồn từ âm tiếng Hán thời xưa ‘mão’. Dù vậy, ở Trung Quốc ngày xưa thường bị lẫn lộn giữa mèo và thỏ trong cách viết và phát âm.

Vì thỏ là loài vật có nhiều ý nghĩa hơn mèo trong văn hóa truyền thống nên người Trung Quốc đã quyết định chọn con thỏ để đưa vào 12 con giáp. Trái lại ở Việt Nam, dường như loài thỏ không có đặc điểm gì nổi bật, ngoài việc được đánh giá là một loài vật hiền lành.

Trong khi đó, từ xưa đến nay loài mèo ở Việt Nam được xem là “tiểu hổ” là loài vật nuôi rất gắn bó với cuộc sống của nhiều gia đình tại Việt Nam, xuất hiện trong các câu chuyện, tranh vẽ và nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao...

Không những thế, mèo còn được biết đến với khả năng bắt chuột – rất phù hợp với truyền thuyết. Có lẽ vì vậy mà người Việt vẫn giữ nguyên âm gốc ‘Mão’ để đặt năm con giáp là Mèo

TẦM HOAN (SHTT)