Gia Cát Lượng (tự Khổng Minh) là người Dương Đô thuộc quận Lang Gia (nay là huyện Nghi Nam – tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc). Ông được đánh giá là chính trị gia xuất sắc của Thục Hán dưới thời Tam Quốc.
Hàng trăm năm qua, Gia Cát Lượng vẫn thường được nhắc tới như hóa thân của trí tuệ. Hình tượng bất hủ của ông lưu danh sử sách bởi nhân cách cao thượng, tài năng kiệt xuất, và công trạng cái thế.
Bên cạnh đó, Khổng Minh cũng để lại nhiều giai thoại và bí ẩn về cuộc đời mình cho hậu thế. Chưa kể tới những sáng kiến thần kỳ như “bát trận đồ”, “mộc ngưu lưu mã”, chỉ nói riêng việc Gia Cát Lượng cưới một cô vợ xấu xí cũng khiến thiên hạ không khỏi hiếu kỳ.
Sử cũ miêu tả: Gia cát Lượng cao chừng 7 xích, tay cầm quạt lâu, đầu chít khăn, phong lưu, phóng khoáng. Tuy nhiên, vị “Ngọa Long tiên sinh” tài trí hơn người này lại đồng ý thành thần cùng Hoàng Nguyệt Anh – một phụ nữ nổi tiếng xấu xí lúc bấy giờ.
Mặc dù sở hữu dung mạo không xinh đẹp, nhưng Hoàng Nguyệt Anh là kỳ nữ nổi danh tài giỏi lúc bấy giờ. (Ảnh minh họa). |
Sinh thời, Hoàng Nguyệt Anh từng nằm từng được mệnh danh là một trong năm người phụ nữ tài năng nhưng xấu nhất trong lịch sử Trung Hoa (Ngũ xú Trung Hoa). Ngoại hình thua thiệt, nhưng bản thân Nguyệt Anh lại vô cùng giỏi giang, đức hạnh.
Bà được miêu tả là người “năng lý năng ngoại” (giỏi lo toan việc trong nhà lẫn việc bên ngoài). Không những giúp chồng sắp xếp ổn thỏa việc gia sự, Nguyệt Anh còn bang trợ rất nhiều cho sự nghiệp của Gia Cát Lượng.
Có nhiều giai thoại còn khẳng định rằng chủ nhân của sáng kiến “Mộc ngưu lưu mã” chính là vị phu nhân túc trí này. Đây cũng là lý do vợ của Khổng Minh tuy “xấu người”, nhưng trăm ngàn năm qua vẫn được hậu thế ca tụng.
Vậy nhưng, sự thật liệu có đúng như những giai thoại truyền tai hậu thế?
Một số tư liệu lịch sử từng khẳng định: sau khi lấy Hoàng Nguyệt Anh, Gia Cát Lượng vẫn nạp thiếp.
Hơn nữa, nam tử thời phong kiến coi trọng dung mạo của nữ nhi. Chủ động cưới một người xấu xí như Hoàng Nguyệt Anh, phải chăng bản thân Gia Cát Lượng còn có dụng ý sâu xa nào khác?
Tham vọng của “Ngọa Long tiên sinh”
Khổng Minh sinh ra trong một gia đình danh môn có nhiều đời làm quan lại.
Tổ tiên của ông là Gia Cát Phong – vị đại thần từng làm quan tới chức Ti Lệ giáo úy, Quang Lộc đại phu (tương đương viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao thời nay) dưới thời Hán Nguyên Đế (nhà Tây Hán).
Cha ông (Gia Cát Khuê) cũng là Thái Sơn quận thừa. Nhưng phụ mẫu không may mất sớm, Gia Cát Lượng và em trai được chú ruột là Gia Cát Huyền cưu mang.
Bản thân Huyền từng nhậm chức Thái thú Dự Chương nhưng bị thất quan không lâu sau đó, phải mang theo gia đình cùng hai cháu tới Kinh Châu nương nhờ.
Để có chỗ đứng vững chân tại Kinh Châu, Gia Cát Huyền đem hai con gái gả cho các danh gia vọng tộc tại đây.
Một cô gả cho Bàng Sơn Dân – con trai của đại danh sĩ Tương Dương là Bàng Đức Công. Người còn lại gả cho Khoái Kỳ - công tử thuộc họ Khoái ở huyện Trung Lư (nay thuộc huyện Nam Chương, tỉnh Hồ Bắc).
Sau khi chú ruột qua đời, Gia Cát Lượng thấy bản thân khó chưa thể đắc chí, liền cùng em trai ẩn cư tại đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung. Ngày ngày cày ruộng, đọc sách, nhưng bản thân Khổng Minh không chấp nhận cả đời làm nông phu.
Ngay cả khi đã ẩn cư, Khổng Minh vẫn luôn chờ đợi cơ hội để gây dựng sự nghiệp chính trị với tham vọng của mình. (Tranh minh họa). |
Khi ấy, Gia Cát Lượng vẫn thường so mình với Quản Trọng (nhà chính trị, tư tưởng nổi tiếng nước Tề thời Xuân Thu), Nhạc Nghị, Ái Xướng. Ông còn kết giao cùng nhiều danh sĩ như Bàng Thống, Bàng Đức Công, Tư Mã Huy, Hoàng Thừa Ngạn… để mưu nghiệp lớn.
Sự túc trí đa mưu của Khổng Minh từng nức tiếng trong vùng, còn được nhiều người tôn là “Ngọa Long” (rồng ẩn mình). Vậy nhưng danh tiếng của ông mới chỉ tồn tại trong phạm vi nhỏ, tài năng của Gia Cát Lượng vẫn chưa thực sự được các hào kiệt để mắt tới.
Trong khi đó, Tào Tháo đóng ở Uyển Lạc, Viên Thiệu vượt lưỡng sông, Viên Thuật có Hoài Nam, Tôn Sách quật khởi ở Giang Đông, Mã Siêu cậy manh ở Quan Trung. Thiên hạ tranh đấu không ngừng, khiến vùng Trung Nguyên rơi vào thảm cảnh trăm họ lầm than.
Lúc này, chỉ có Lưu Biểu ở Kinh Châu bởi vì xa trung tâm chính trị, không chịu ảnh hưởng của nạn binh đao nên nhân dân an cư lạc nghiệp, sĩ tốt mạnh mẽ. Nhưng bản thân Biểu là người hồ đồ, khiến thủ hạ lục đục tranh đấu không ngừng.
Gia Cát Lượng khi đó biết rõ Lưu Biểu không thể làm nên đại sự, nên vẫn ẩn mình tại Nam Dương, im lặng mà quan sát thế sự, chờ đợi bậc minh chủ xuất hiện.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, bản thân Gia Cát Lượng từ lâu luôn tự ti về thân phận nông phu mình đang mang trên người. Ông cho rằng, ngay cả khi mình có đủ tài trí làm chủ đại cục, thì thanh danh không đẹp này cũng sẽ khiến ông mất đi nhiều cơ hội.
Do đó, Khổng Minh từ lâu vẫn luôn chờ cơ hội “đổi đời”.
Cưới vợ xấu nhưng lợi trăm bề
Chẳng mấy chốc, thời cơ mà ông trông đợi cũng đã tới. Trong một lần tụ họp, Bàng Đức Công và Trương Mã Huy đã đứng ra làm mối để Hoàng Thừa Ngạn gả con gái Hoàng Nguyệt Anh cho Gia Cát Lượng.
Vừa nghe tin đại hỉ, Khổng Minh đã vô cùng cao hứng, nhanh chóng thành thân, bái Thừa Ngạn làm nhạc phụ.
Theo miêu tả, Nguyệt Anh đen đúa, mặt đầy mụn nhọt, trông rất khó coi. Vậy, vì sao Gia Cát Lượng lại vui vẻ trước mối hôn sự này?
Phải chăng, việc đồng ý lấy vợ xấu cũng chính là một nước cờ trên bàn cờ chính trị của Gia Cát Lượng? (Tranh minh họa). |
Bởi lẽ, Hoàng Đức Công, Tư Mã Huy và Hoàng Thừa Ngạn đều là những danh sĩ nổi tiếng đương thời, cũng là phụ tá đắc lực của Lưu Biểu.
Bản thân vợ của Ngạn còn là chị em với một trong các phu nhân của Lưu Biểu, nên gia tộc họ Hoàng có tầm ảnh hưởng không nhỏ tại Kinh Châu.
Nay có Bàng Đức Công, Tư Mã Huy làm chủ, Gia Cát Lượng nghiễm nhiên trở thành con rể của nhà danh gia. Cơ hội “một bước lên trời” này khiến Khổng Minh không phải lo lắng về chuyện thanh danh, tiền đồ phía trước.
Gia Cát Lượng thông minh hơn người, biết rõ cái lợi trong cuộc hôn nhân này còn gấp trăm lần cái thiệt, vì thế mà không khỏi vui mừng.
Quả nhiên sau đó, Bàng Đức Công, Bàng Thống, Tư Mã Huy và Hoàng Thừa Ngạn cật lực tiến cử Khổng Minh. Tuy rằng lúc đó, Gia Cát Lượng vẫn đang ẩn cư tại Long Trung, nhưng danh hiệu “Ngọa Long tiên sinh” đã vang khắp thiên hạ.
Dân gian cũng bởi vậy mà có câu: “Ngọa Long (chỉ Lượng), Phượng Sồ (chỉ Bàng Thống), được một trong hai là có thể an thiên hạ.”
Sự tình sau đó ai cũng đều biết rõ. Lưu Bị ba lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng xuống núi. Khổng Minh theo phò Lưu Bị, cùng tranh thiên hạ cho nhà Thục Hán.
Theo Trần Quỳnh (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)