Người dân ở hạt Hillsborough, bang Florida, Mỹ không bị thiệt hại nặng nhưng vẫn bộn bề lo âu sau khi bão Irma tràn qua.
Khu vực Tampa không bị ảnh hưởng nặng nề sau bão Irma. Video: Lê Linh.
Lê Linh, 28 tuổi, sống ở Tampa, hạt Hillsborough, cho biết đây là nơi được dự báo sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi siêu bão Irma. May mắn khu vực này sau đó chỉ bị nhẹ vì bão suy yếu vào ngày 10/9.
Trao đổi với VnExpress, Linh cùng bố mẹ và em gái đã quyết định ở lại khi chính quyền thông báo gia đình cô thuộc khu vực X, không cần sơ tán.
Vào khoảng 1h đêm 9/9, khi bão tràn vào, Linh nghe tiếng gió rít và mưa lớn. Sáng ra, cô thấy khung cảnh xung quanh không có dấu hiệu bị tàn phá, mặc dù có cây bị đổ và bảng hiệu rơi xuống đường.
"Tôi thấy các hãng đưa tin nước bị rút hết ở vịnh Tampa, tôi sợ là nó có thể quay lại bất cứ lúc nào, gây ngập lụt", Linh nói.
Theo dự báo, sóng có thể lên đến khoảng hơn 1,5 m. Khu vực này ở gần sông chính Hillsborough nên nguy cơ ngập càng cao. Tuy nhiên Linh cũng lo lắng nếu không có nước trở lại cũng là dấu hiệu xấu đối với khu vực Vịnh Tampa.
Irma là siêu bão mạnh nhất từng xuất hiện ở Đại Tây Dương. Bão ban đầu được xếp cấp 5, với sức gió gần 300 km/h. Sau khi quét qua khu vực Caribe, Irma suy yếu xuống cấp 4 và đổ bộ khu vực Florida Keys, phía nam Miami, vào sáng 10/9, làm ít nhất 5 người chết. Irma sáng sớm 11/9 chỉ còn là bão cấp 1 và di chuyển dọc theo bờ biển tây bắc Florida. Bão dự kiến đổ bộ miền bắc Florida hoặc miền nam bang Georgia vào cuối ngày 11/9.
Linh cho biết đa số người dân đi sơ tán là sống ở gần bờ biển, người ở khu vực lân cận cũng bỏ nhà đi vì lo ngập lụt. Khi có thông báo bão, gia đình Linh đã mua nước và đồ ăn dự trữ, nước hết vì mọi người mua quá nhanh. Tuy nhiên không có tình trạng thiếu nước sạch cho sinh hoạt. Họ hàng của Linh ở các khu lân cận vẫn ở lại nhà, vì các khu tạm trú chỉ đủ dành cho những người buộc phải di tản.
Đến chiều tối 10/9, bão đổ bộ vào Naple, cách Tampa khoảng 2 tiếng đồng hồ đi xe, khiến nơi này bị ảnh hưởng nặng. Linh còn lo lắng về tình hình an ninh, một số bạn bè của Linh ở St Petersburg, cách Tampa khoảng 30 phút đi xe, cho biết có những kẻ lợi dụng tình trạng mất điện, giả làm thợ sửa để vào nhà người dân cướp của.
Cũng sống ở Tampa, nhưng khi nghe báo tin bão, Huỳnh Nhi, 27 tuổi, đã sớm đi sơ tán tránh bão. Cô và gia đình đã đến ở nhờ nhà người quen tại Atlanta, bang Georgia lân cận.
Nhi vui mừng cho biết sáng sớm ngày 10/9, các dì còn ở lại Tampa đã báo tin mọi người đều an toàn.
Mặc dù bão đã tan, Nhi cho hay vẫn chờ phải xem tình hình thế nào rồi mới về nhà. Cô đang tìm hiểu về đường sá.
"Một lượng lớn người di tản trở về chắc chắn sẽ gây ùn tắc", Nhi nói.
Vào ngày thứ 9/9, gia đình Nhi đã phải đi mất 20 tiếng để đi hết quãng đường gần 600 cây số vì tắc đường. Cô vẫn chưa hết cảm giác thấp thỏm vì khan hiếm xăng.
Trước đó, Nhi và gia đình rất lo lắng vì thấy nhiều cây xăng báo hết hàng trên đường đi. Nước ngọt cũng là mặt hàng khan hiếm khi chính quyền bang thông báo bão. Gia đình Nhi từng xác định có thể mất hết nhà cửa nếu bão tràn vào.
Nhi cho hay nhiều người đi sơ tán vì lo ngại bão Irma giống cơn bão Harvey xảy ra trước đó ở bang Texas. Nhiều bạn bè, người quen của Nhi cũng quyết định rời đi vào phút chót.
Tháng trước, bão Harvey mạnh cấp 4 đổ bộ bang Texas, tàn phá nơi này và làm hơn 70 người chết. Thống đốc bang Texas Greg Abbott ước tính cần khoảng 180 tỷ USD để khôi phục thiệt hại do Harvey gây ra.
Theo Khánh Lynh (VnExpress.net)