Diễn biến khó lường: Từ endgame thành endless game
Anh Vũ Thành Lượng, kỹ sư tại Công ty Samsung, bang Uttar Pradesh, cho biết, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ diễn tiến rất nhanh, chỉ trong một tháng mà tình hình đã trở nên khó lường. Ngay cách đây một tuần, các trạm xe bus vẫn hoạt động bình thường, bản thân anh vẫn đến công ty đi làm. Nhưng sau khi Ấn Độ phát hiện ra ca biến chủng mới đầu tiên tại Mumbai, thì New Delhi ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh
Tuần trước, thành phố anh ở ra yêu cầu giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Đầu tiên chỉ áp dụng lệnh giới nghiêm vào thứ Bảy, rồi tình hình diễn biến ngày một căng thẳng, chính quyền bang yêu cầu phong tỏa cả ngày Chủ nhật. Đến giờ, vẫn chưa biết phong tỏa đến lúc nào, anh nói.
Visa của anh Lượng đã hết hạn từ tháng 3. Khi nộp đơn lên Phòng xuất nhập cảnh của Ấn Độ thì với đối tượng là người nước ngoài, chỉ được gia hạn một tháng, hết thời gian gia hạn phải tiếp tục gửi đơn yêu cầu xin gia hạn.
"Tôi đã gửi đơn cách đây hai tuần, nhưng vì dịch bùng phát, các cơ quan chính phủ đóng cửa nên việc gia hạn visa gặp trục trặc. Hiện giờ, việc di chuyển bị hạn chế, nếu muốn đi lại qua các bang bắt buộc phải có giấy tờ của chính phủ cấp nên muốn giải quyết thủ tục cũng gặp nhiều khó khăn", anh Lượng nói.
Vốn về Việt Nam trong chuyến bay giải cứu năm ngoái nhưng vì công việc, anh lại phải quay lại Ấn Độ dưới dạng kỹ sư tay nghề cao. Dự định ban đầu là anh sẽ quay lại Việt Nam nhưng đến nay thì cũng rất hoang mang và thực sự mong chờ một chuyến bay giải cứu, anh Lượng cho biết.
Anh Phương T., hiện làm việc tại New Delhi cho rằng, có lẽ chính người Ấn cũng bất ngờ vì diễn biến của dịch bệnh không lường trước được.
"Một 1-2 tháng trước tình hình còn bình thường, giữa tháng 2 đỉnh dịch xuống đáy, chỉ có 9000 ca/ngày. Nhưng từ thời điểm đó thì tăng vọt lên, bây giờ thì con số này tăng hơn 30 lần rồi", anh nói
Đầu năm các chính trị gia Ấn Độ còn tuyên bố sẽ là Endgame (hồi kết) của dịch Covdi-19, nhưng giờ thì thành Endless game (không có hồi kết), anh nói thêm.
Hiện tại ở New Delhi, đường sá vắng vẻ vì lockdown nhưng các bệnh viện thì đều kín giường, nhưng kể cả nếu bệnh nhân được vào viện cũng chưa chắc có oxy để thở. Có những bệnh nhân không có giường bệnh nên chết ngay ở cửa bệnh viện, anh T. cho biết.
Xung quanh là cảnh đốt xác và tiếng còi xe cứu thương
Chị Hiền Nguyễn, có chồng là người Ấn, hiện sinh sống tại Mumbai, một trong những tâm dịch ở Ấn Độ, cho biết, 16 tháng sau khi sinh con là 16 tháng cả hai mẹ con chị chỉ quanh quẩn trong nhà vì Ấn Độ liên tục phong tỏa vì Covid-19.
Tòa nhà nơi chị sinh sống có 18 căn hộ, thì có 16 người mắc và 6 người tử vong vì Covid-19 trong đợt 2. Chưa kể đến việc thỉnh thoảng chị lại nghe thấy tiếng còi xe cứu thương tới chở bệnh nhân đi viện.
Đối diện nhà chị Hiền, một gia đình có ông bà và một bé 5 tháng tuổi nhiễm Covid-19, còn ngay tầng dưới thì đã có 3 người tử vong vì Covid-19.
"Mình không dám đi đâu hết. Tới giờ, con mình chỉ có biết ông bà, bố mẹ. Nhiều khi cũng muốn ra ngoài để hít thở khí trời nhưng vì sợ dịch nên lại chỉ ở trong nhà", chị nói thêm.
Hai mẹ con chị Hiền ra ngoài được 2 lần, là đến cơ sở y tê tiêm chủng. Vì ở trong nhà lâu, nên khi ra ngoài đường là con khóc toáng lên. Đôi khi, chỉ bế ra cầu thang, hay nhìn xe cộ qua cửa kính thôi bé cũng sợ hãi, chị Hiền cho biết.
"Bố mẹ chồng tôi lo tôi nghe nhiều tin tức bệnh dịch ảnh hưởng đến tâm lý nên không cho tôi theo dõi tin tức qua tivi nhưng ở nhà, chỉ nhìn qua cửa sổ thôi, tôi cũng thấy cảnh đốt xác người tử vong vì Covid-19, hay các hố chôn tập thể vì hiện số người thiệt mạng cũng tăng lên quá nhanh, các lò thiêu không đáp ứng đủ và củi cũng đắt lên", chị Hiền nói.
Qua một lần phong tỏa vào năm ngoái, lần này, có kinh nghiệm hơn, Hiền đã dự trữ hoa quả khô, làm giá đỗ, đậu phụ để dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng thứ dùng nhiều nhất là cồn. Một tháng, nhà chị phải dùng hơn 30 lít cồn để sát khuẩn, Hiền cho biết.
Anh Nguyễn Tuấn Lê Giang, thành phố Kolkata, bang Bangalore, hiện làm việc tại Công ty Bosch chi nhánh Ấn Độ, cho biết, kể từ tháng 3 năm ngoái, khi dịch mới bùng phát ở Ấn Độ, cho đến nay, cả thành phố ở trong tình trạng lockdown đã 1 năm.
Cá nhân anh làm việc tại nhà hơn một năm nay còn việc học của con gái anh cũng diễn ra online từ tháng 8 năm ngoái đến giờ. Trong cả một năm qua, gia đình anh không tiếp xúc với ai. Các đồ dùng cá nhân và nhu yếu phẩm thì mua hàng online.
"Vì Ấn Độ có nhiều ứng dụng mua hàng online, nên việc này khá dễ dàng. Khi họ giao đến thì mình sẽ để 1 cái thau hoặc thùng giấy ngoài sân. Khi người giao đến, họ sẽ để đồ trong đó, khi họ đi rồi thì mình ra nhận. Tất cả những đồ này sẽ được vệ sinh, bỏ bao bì, xịt rửa trước khi đem vào nhà", anh nói.
Đợt tháng 11, 12 năm ngoái, số ca mắc giảm rất nhiều, nhiều chính trị gia của Ấn Độ còn tuyên bố chiến thắng Covid, nhưng gần đây có nhiều lễ hội lớn, rồi các chiến dịch bầu cử, người dân cũng tham gia vào các hoạt động tập thể nhiều hơn, khiến dịch bùng phát, anh Giang nói.
Đa số mọi người cũng mệt mỏi và căng thẳng sau các đợt giới nghiêm, anh chia sẻ.
"Ấn Độ đang thúc đẩy tiêm vaccine. Từ ngày 1/5 Ấn Độ sẽ tiêm hàng loạt cho người dân từ 18 tuổi trở lên, kể cả Ấn Độ và người quốc tịch khác. Cả tôi và vợ đã đăng ký và đến 4/5 này tôi sẽ được tiêm mũi vaccine đầu tiên, còn vợ tôi là vào ngày 7/5. Phải chia lịch tiêm ra cho an toàn", anh Giang nói.
Theo Lan Hương (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)