Việc học ở đây không hoa mỹ mà học luôn gắn với hành và có bóng dáng của doanh nghiệp để kết quả nghiên cứu của họ luôn có chỗ trong cuộc sống.
Tháng 8-2016, cô bé Tô Quang My (quê Đồng Nai) chính thức nhập học tại Trường nghề Trung Sơn - cơ sở chính tại TP cảng Cao Hùng sầm uất. Đây là trường nghề uy tín, lớn nhất tại Đài Loan với hơn 10.000 học viên đang theo học.
Học nghề lĩnh lương doanh nghiệp
My học ngành điện tử, thời lượng học được bố trí ba tháng học lý thuyết tại trường, ba tháng đến làm việc tại doanh nghiệp (DN). My cho hay là sinh viên (SV) nên công việc tại DN theo giờ hành chính và mỗi tháng được lĩnh 21.000 đài tệ (khoảng 16 triệu đồng/tháng). Khoản thu nhập này cô bé tính toán mỗi tháng chi tiêu hết một nửa, số còn lại để dành chi tiêu trong ba tháng khi quay lại trường học lý thuyết. My cho biết mình chọn nghề này vì tại Đài Loan rất dễ kiếm việc.
Cũng với lý do như My, cậu bé Phùng Cuôn Sáng (quê ở huyện Bắc Bình, Bình Thuận) theo cha mẹ sang định cư Đài Loan được vài năm cho biết tại Đài Loan, nhân sự trong ngành này cung không đủ cầu. Sáng cởi mở: “Sau khóa học này, em sẽ học chuyên sâu hơn và học thêm nhiều kinh nghiệm cũng như tích lũy vốn để nay mai về Việt Nam mở công ty. Đây là tâm nguyện của em trước khi theo cha mẹ sang Đài Loan định cư”.
Ông hiệu trưởng nhà trường thông tin có nhiều học viên từ các nước đến học tại trường. Riêng học viên Việt Nam lấn lướt nhất với 400 em. Học viên có việc làm ngay khi còn học năm nhất. Các bài giảng được thiết kế phù hợp với nhu cầu DN, có sự tham gia đánh giá của DN để tạo cho SV kỹ năng thuần thục và môi trường làm việc thực tế.
Các học viên tại Tập đoàn Công nghệ và hàng không vũ trụ GeoSat tại TP Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: P.ĐIỀN |
Nghề chơi game?
Đây là ngành mới nhất của Trường ĐH Khoa học kỹ thuật Viễn Đông tại TP Đài Nam. Tranh thủ dẫn đoàn đi thăm cơ ngơi của trường, ông Vương Nguyên Nhân, Hiệu trưởng nhà trường, tự hào vì trường nằm trong tốp 20 của các trường đại học ngành kỹ thuật tại Đài Loan. Trường có 21 ngành với sáu viện. Mũi nhọn của trường là tập trung đào tạo theo hướng sáng tạo và từ các sáng chế, phát minh mới này để áp dụng vào thực tiễn, thay vì nghiên cứu để bỏ vào tủ.
Điển hình là mô hình SV tự lập ngay trên ghế giảng đường. Mô hình này cũng không xa lạ với SV Việt Nam nhưng cách làm nơi này thực tiễn hơn. Trường để dành đất, hỗ trợ kỹ thuật canh tác công nghệ cao để SV trồng cà chua, sau đó đem bán và thu tiền.
Để mục sở thị về ngành chơi game trường đang đào tạo, ông Nhân đích thân dẫn đến “đấu trường game”. Đấu trường chia làm hai đội, có cả nữ game thủ đang thi đấu tích cực, thi thoảng la toáng lên khi gặp sự cố. Mỗi đội đều có huấn luyện viên đứng sau quan sát toàn đội qua màn hình. Phòng kế bên là bộ phận xử lý kỹ thuật dựng phim từ “đấu trường” để đưa lên mạng. Có cả hai bình luận viên, một nam một nữ, mắt luôn dán vào màn hình pha trò bình luận mỗi khi có tình huống hấp dẫn. Tất cả đều do SV thiết kế và điều hành.
Tính đến thời điểm này có hơn 4.000 sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập, nghiên cứu ở nhiều ngành nghề tại các trường ĐH, viện nghiên cứu của Đài Loan. Ngoài ra còn có nhiều người theo các khóa học ngắn hạn tiếng Hoa và hàng ngàn học sinh con em cô dâu Việt đang học tiếng Việt tại các cấp học ở Đài Loan. (Số liệu cập nhật từ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM) |
Ông Nhân tiết lộ toàn bộ diễn biến của “đấu trường” được dựng trực tiếp trên máy cùng phần bình luận trực tiếp tại phòng kỹ thuật sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình. Không để mọi người tò mò học ngành này ra trường thì làm gì, ông Nhân giải thích game được xem là ngành công nghiệp giải trí, SV theo ngành này phải được nhúng vào trò chơi để phát triển sự sáng tạo. Đi cùng đó là sự giám sát gắt gao của giáo viên để SV không sa đà vào chơi game đơn thuần. Giai đoạn sau đó các em sẽ được học về thiết kế game và tiếp thị. Khi ra trường SV có thể làm việc trong ngành công nghiệp giải trí game, thiết kế game…
Một tuần rong ruổi từ thủ phủ Đài Bắc náo nhiệt đến TP cảng Cao Hùng sầm uất, thăm các trường nghề, trường đại học và cả các trung tâm dạy tiếng Việt cho vài trăm ngàn con em cô dâu Việt tại xứ Đài, chúng tôi đã có cái nhìn toàn cảnh về phương cách trồng người và việc tiệm cận giữa học với hành ở xứ người. Mà nói như cô gái trẻ Lê Thị Ngọc Vân, quê Bắc Giang, đang làm tiến sĩ tại một trường đại học danh tiếng tại TP Đài Bắc, việc học ở đây không hoa mỹ mà học luôn gắn với hành và có bóng dáng của DN để kết quả nghiên cứu của họ luôn có chỗ trong cuộc sống.
Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao Đây là mô hình hợp tác mẫu mực trong lĩnh vực công nghệ cao giữa Trường ĐH Kỹ thuật Chang Jung (khoa Chế tạo máy bay không người lái - UAV) và Tập đoàn Công nghệ và hàng không vũ trụ GeoSat tại TP Đài Bắc. Theo ông Peter L.Y Chen, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc tế, Bộ Giáo dục Đài Loan, mô hình này thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và DN để các công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn. Ông Edward Hsieh, Giám đốc điều hành GeoSat, giới thiệu mô hình hợp tác này quy tụ 80% kỹ sư cấp cao ngành cơ khí, điện tử. Trong đó phía nhà trường đảm nhiệm việc thiết kế, nghiên cứu công nghệ chế tạo UAV. Còn phía tập đoàn trực tiếp sản xuất và phân phối sản phẩm. Để minh chứng rõ hơn về công nghệ chế tạo UAV, ông Lý Vĩnh Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Chang Jung, dẫn về khoa và mời đi xem mô hình UAV ngay tại khuôn viên rộng như sân bóng của trường. Các SV điều khiển thiết bị một cách thuần thục. Ông Long không quên mời đoàn xếp hàng, tay xếp hình chữ V để chụp ảnh từ máy bay không người lái. Vài phút sau, hình ảnh được trích xuất về màn hình lớn đặt ở văn phòng khoa Chế tạo UAV! |
Theo P.Điền (Pháp Luật TP HCM)