Người Việt an toàn nhưng sợ hãi sau khủng bố ở Bỉ

23/03/2016 18:25:15

Chia sẻ với chúng tôi, một số người Việt có gia đình đang ở Brussels cho rằng cuộc sống của cộng đồng VN nói riêng và dân sở tại nói chung bị xáo trộn sau vụ khủng bố ngày 22/3.

Chia sẻ với chúng tôi, một số người Việt có gia đình đang ở Brussels cho rằng cuộc sống của cộng đồng VN nói riêng và dân sở tại nói chung bị xáo trộn sau vụ khủng bố ngày 22/3.
Những nạn nhân được sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm sau vụ đánh bom tại Bỉ ngày 22/3. Ảnh: Reuters
 
Gần một ngày sau loạt vụ khủng bố kinh hoàng giữa trung tâm thủ đô Brussels, cuộc sống ở "trái tim châu Âu" bị đảo lộn. Mọi người, trong đó có những người Việt đang sinh sống tại đây, đều chưa hết bàng hoàng sau sự việc.

Anh Tú (một người Việt sống qua lại giữa Brussels và Hà Nội) cho biết, sau loạt vụ tấn công khủng bố ở trung tâm thủ đô Brussels, gia đình anh an toàn nhưng bao trùm tâm trí là nỗi sợ hãi.

Theo anh Tú, cuộc sống của người Việt ở Bỉ nói riêng và người dân sở tại nói chung ít nhiều bị ảnh hưởng sau vụ khủng bố.

"Cuộc sống bị đảo lộn. Người Bỉ có phản ứng khác nhau sau sự việc, có người kháng cự, những người khác thì lo sợ. Hệ quả từ vụ việc là sự nghi kỵ, căng thẳng trong cộng đồng. Người dân sẽ sợ tới những nơi đông người. Cuộc sống ở Bỉ sẽ tê liệt trong thời gian tới. Không ai có thể nói trước được điều gì, nhưng nhiều biến cố khác có thể xảy ra trong tương lai", anh nói.

Đề cập tới vấn đề an ninh, anh Tú cho hay, những cảnh báo trước đó về khả năng tấn công khủng bố chỉ là một phần bởi giới chức không thể xác định được tính chính xác của những cảnh báo đó.

Theo những thông tin mà anh Tú biết, an ninh ở Bị bị phê phán gay gắt. Người dân chỉ trích chính quyền lơ là. Thời gian tới, giới chức Bỉ sẽ có nhiều biện pháp cứng rắn khác, nhưng không thể quá mạnh tay.

Một người bị thương sau vụ nổ ở ga tàu điện ngầm  Maelbeek
 phải thở bằng bình oxy.
 
Trong khi đó, anh Lân, người Việt từng sinh sống hơn 40 năm tại Bỉ, cho biết, thông qua chức năng đánh giá vùng an toàn trên mạng xã hội Facebook, anh có thể biết bạn bè ở Brussels đều bình an.

Anh Lân cho biết: "Cháu tôi đáp xuống sân bay ở Bỉ 10 phút trước khi sự việc xảy ra nên người nhà rất lo lắng. Tuy nhiên, mọi chuyện đều ổn", anh Lân nói.

Theo anh, nước Bỉ sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi. Thái độ của người dân Bỉ với người Arab sẽ khác biệt hơn trước ít nhiều. Họ sẽ đòi hỏi giới chức có chính sách về người tị nạn gắt gao hơn. Ngoài ra, an ninh sẽ được thắt chặt hơn trước.

Lúc 8h ngày 22/3 (14h giờ Hà Nội), hai vụ nổ xảy ra tại sân bay Zaventem, thủ đô Brussels làm 14 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương. Sau đó khoảng 70 phút, một vụ nổ khác xảy ra ở ga tàu điện ngầm Maelbeek gần Trụ sở Liên minh châu Âu (EU) khiến 20 người chết. Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng.

Trao đổi với chúng tôi sau khi sự việc xảy ra, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ cho hay hiện chưa có thông tin về người Việt bị ảnh hưởng sau các vụ tấn công khủng bố bằng bom ở thủ đô Brussels.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ đã mở 2 đường dây nóng 0032-498352442 và 0032-485315965 trực 24/24 để có thể sẵn sàng tiếp nhận thông tin; hỗ trợ, giải quyết các yêu cầu khẩn cấp của công dân Việt Nam.

(* Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu)
 
>> Khủng bố ở Bỉ: Người Việt kể chuyện may mắn thoát chết
>> IS nhận trách nhiệm loạt vụ tấn công ở Bỉ 
>> Sao bóng đá Bỉ bàng hoàng sau vụ khủng bố ở quê nhà
>> Chưa có thông tin người Việt gặp nạn tại Bỉ
>> Nhân chứng vụ đánh bom sân bay Bỉ: "Như thể tận thế"
 
Theo H.Anh (Zing.vn)

Nổi bật