Jennie Lan, 22 tuổi, đã lấy bằng cử nhân tại ngôi trường danh tiếng College London (Anh), dự định sẽ theo đuổi chương trình thạc sĩ. Tuy nhiên, mối bận tâm lớn nhất của Lan vào tháng 1 chính là sự an toàn của bố mẹ. Cô lo lắng gửi về 500 chiếc khẩu trang cho gia đình khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc.
Nhưng tình thế thay đổi hoàn toàn vào tuần trước. Bố mẹ của Lan biết được dịch bệnh bắt đầu diễn biến khó lường ở Anh, cầu mong con gái hãy trở về nhà, hay chí ít là để gia đình chuyển lại cho số khẩu trang. Cuối cùng, Lan tìm được người thuê phòng trọ của mình, chi 930 USD mua vé máy bay một chiều để trở về thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang.
Thành phố này ghi nhận ít ca nhiễm Covid-19, khu vực mà gia đình Lan sinh sống lại càng không có bệnh nhân. "Chính quyền địa phương đã kiểm soát rất tốt" - cô chia sẻ. Ngược lại, ở xứ sở sương mù, Lan nhận thấy một số người chưa đề phòng kĩ càng, ví dụ như từ chối đeo khẩu trang.
Cách đây vài tuần, nhiều người sợ hãi rời khỏi Trung Quốc - tâm dịch của thế giới. Nhưng nay tình hình đã khác, đông đảo người dân xứ Trung lại rục rịch trở về nhà. Họ cảm thấy đây mới là "nơi an toàn nhất thế giới", do nhà chức trách và cộng đồng biết làm thế nào để kiểm soát dịch bệnh.
Apple đã cho đóng cửa tất cả cửa hàng trên toàn thế giới trong vòng 2 tuần, ngoại trừ ở Trung Quốc. Đội bóng Wuhan Zall cuối cùng được trở về quê hương, rời khỏi Tây Ban Nha khi virus corona đang lây truyền nhanh ở đây. Jack Ma - nhà sáng lập đế chế Alibaba - quyết định quyên góp 1 triệu khẩu trang và 500.000 bộ kit xét nghiệm virus cho... bờ kia Thái Bình Dương - nước Mỹ.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng thay đổi chiến lược chống dịch. Khi số ca nhiễm mới trong nước giảm dần về 0, ưu tiên sẽ là chặn người mắc bệnh từ nước ngoài trở về lây lan trong cộng đồng. Chính quyền Bắc Kinh ngày 8/3 ra thông báo, bất kỳ ai nhập cảnh tại thủ đô đều phải cách ly trong 2 tuần.
Cuộc sống ở Trung Quốc còn lâu mới trở về bình thường, nhưng người dân cảm thấy tình hình dần được kiểm soát. Nhiều ý kiến cho rằng những biện pháp mạnh mẽ của chính phủ - bao gồm đóng cửa kinh doanh, cách ly tại nhà, bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt - đã giúp ngăn chặn Covid-19. Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố vào ngày 13/3, rằng châu Âu chính là "tâm chấn mới" trong đại dịch toàn cầu.
Josh Liu - một nha sĩ 33 tuổi làm việc tại Thượng Hải - đã trải qua biết bao lần hồi hộp, suy đi tính lại trong suốt 2 tháng vừa qua. Anh là người Mỹ gốc Hoa, hồi tháng 1 đang đi thăm người thân ở Tứ Xuyên thì dịch bùng phát.
"Chúng ta phải rời khỏi đây ngay" - Liu thông báo cho bà xã. Sau đó, hai vợ chồng cùng con trai 1 tuổi đặt chuyến bay vào phút chót, lên đường trở về vùng ngoại ô San Francisco (Mỹ). Thật không ngờ, hiện tại thành phố này đã xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19, tiến hành phong tỏa hơn 7 triệu dân. Cùng lúc, Liu nghe tin phòng khám nha khoa của mình ở Thượng Hải có thể sớm mở cửa trở lại. Một lần nữa, gia đình Liu quyết định thay đổi nơi "trú ẩn". Họ nói rằng "lúc này về Trung Quốc có vẻ an toàn hơn".
Ngày 10/3, gia đình bác sĩ Liu đáp xuống sân bay quốc tế ở Thượng Hải, trải qua quy trình kiểm tra kĩ càng rồi được yêu cầu cách ly trong 14 ngày. Liu cho biết: "Ở đây mọi người sẵn sàng chấp nhận những quy định nghiêm ngặt. Chúng tôi vẫn nghĩ 'thật rắc rối' nhưng lại có cảm giác an toàn".
Mỹ và Châu Âu đang tiến hành đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh; trong khi guồng quay kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chuyển động trở lại, đặc biệt ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Tâm dịch Hồ Bắc vẫn bị phong tỏa, nhưng đã có những tín hiệu đầu tiên cho thấy khủng hoảng dần được đẩy lùi. Vậy là giữa hành trình tránh dịch Covid-19, người Trung Quốc xa xứ bỗng tìm thấy một "vịnh trú bão" mới: quê nhà của mình.
Theo Jayden (Báo Dân Sinh)