Người Trung Quốc thắt chặt chi tiêu do lo lắng về thị trường việc làm

21/04/2023 14:06:34

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2023 tạo ấn tượng sai lầm về chi tiêu của người Trung Quốc.

Người Trung Quốc thắt chặt chi tiêu do lo lắng về thị trường việc làm
Một hội chợ việc làm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Xinhua

Phục hồi không đồng đều

Người Trung Quốc đang chi tiêu cẩn thận hơn so với trước đại dịch COVID-19 trong bối cảnh lo lắng về việc đảm bảo việc làm và triển vọng nghề nghiệp, đặc biệt là với sinh viên mới tốt nghiệp, theo Straits Times.

Chi tiêu bán lẻ ở Trung Quốc tăng 5,8% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 so với cùng kỳ năm 2022, nhưng chậm hơn tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trước COVID-19, theo dữ liệu kinh tế công bố tuần này.

Chi tiêu bán lẻ quý đầu tiên năm 2019 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước đó.

Năm trước đó, mức tăng trưởng trong cùng kỳ đạt 9,8% do chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục không bị kiểm soát ngay cả khi Mỹ áp thuế với tất cả máy giặt và tấm pin mặt trời nhập khẩu vào Mỹ trong tháng 1.2018.

Theo Straits Times, bất chấp tiêu dùng phục hồi mạnh hơn dự kiến, các nhà kinh tế lưu ý, sự phục hồi tổng thể của Trung Quốc không đồng đều. Sản xuất của các nhà máy trong tháng 3 tăng chậm hơn 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái - so với 5% vào tháng 3.2022 - do nhu cầu của nước ngoài giảm.

Các nhà phân tích nhận định, con số tăng trưởng bán lẻ mạnh mẽ của tháng 3 là do hiệu ứng cơ sở thấp, do tình hình kinh tế đầy thách thức được ghi nhận năm 2022 khi Trung Quốc trải qua phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng có.

Nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 4,5% trong quý đầu tiên của năm nay sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19.

Tuy nhiên, tốc độ tiêu dùng chậm hơn sau đại dịch cho thấy, những thách thức dài hạn mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc nỗ lực điều chỉnh lại nền kinh tế để tiêu dùng trong nước thúc đẩy thay vì xuất khẩu.

Người Trung Quốc thắt chặt chi tiêu do lo lắng về thị trường việc làm - 1
Người dân ngắm hoa nở trong công viên ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Fu Linghui chia sẻ khi thông báo các số liệu trong tuần này rằng, “nhu cầu trong nước không tương xứng vẫn còn áp đảo và nền tảng cho sự phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc”.

Tiết kiệm của người dân đã đạt mức cao lịch sử khi chi tiêu trong nước vẫn còn ảm đạm, cho thấy “mọi người không sẵn sàng mua nhà hoặc tiêu dùng”, ông Dan Wang - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng ở Thượng Hải - chỉ ra.

Tiền gửi của hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng 9,9 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỉ USD) từ tháng 1 đến tháng 3.2023 - số tiền của cả năm 2021. Năm 2022, tiền gửi của hộ gia đình đạt mức kỷ lục 17,8 nghìn tỉ nhân dân tệ (2,6 nghìn tỉ USD).

Dữ liệu mà Trung Quốc vừa công bố cũng cho thấy, chi tiêu cho đồ trang sức, được coi là kênh đầu tư trú ẩn an toàn, tăng 37,4% trong tháng 3.2023 so với một năm trước.

Tỉ lệ thất nghiệp liên tục cao

Các nhà kinh tế chỉ ra, tỉ lệ thất nghiệp liên tục cao trong giới trẻ là một yếu tố khiến tâm lý người tiêu dùng yếu đi cùng với đó là các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi sau các quy định ngừa COVID-19 nghiêm ngặt năm 2022.

Tỉ lệ thất nghiệp với những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 đã tăng lên 19,6% trong tháng 3, so với 18,1% của tháng 2. Cuối năm 2023, kỷ lục 11,58 triệu sinh viên dự kiến tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục đại học.

Nhà phân tích vĩ mô Tao Chuan của Soochow Securities tại Bắc Kinh chỉ ra, các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với lĩnh vực công nghệ và bất động sản đã ảnh hưởng tới niềm tin của các doanh nghiệp và tác động tới tăng trưởng của năm 2022. Điều này khiến nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận hiệu suất tồi tệ nhất - tăng trưởng 3% - trong nhiều thập kỷ, ông nói.

Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy nhu cầu trong nước - ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong năm 2023 - khi nước này đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% vào năm 2023.

Các nhà kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế 4,5% trong quý đầu tiên sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi đúng hướng hoặc thậm chí vượt mục tiêu này.

Tháng 3 năm nay, chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ thúc đẩy thu nhập cá nhân của người dân “để giải phóng tiềm năng tiêu dùng”, kích thích du lịch nội địa và thúc đẩy thương mại điện tử nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch kích thích lớn nào được công bố.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đầu tuần này nhận định, Trung Quốc sẽ là nước đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỉ trọng của nước này gấp đôi so với Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện tại.

IMF dự kiến nền kinh tế thế giới sẽ tăng 3% trong 5 năm tới, triển vọng yếu nhất trong hơn 3 thập kỷ. Đơn vị cho vay này đã kêu gọi các nước tránh phân mảnh kinh tế do căng thẳng địa chính trị và thực hiện các bước để tăng năng suất.

Theo Thanh Hà (Lao Động)