Cuộc sống của những người đào tẩu Triều Tiên được chia làm hai phần: trước đào tẩu và sau đào tẩu. Tim Franco - một nhiếp ảnh gia của tờ The New York Time - sống ở Trung Quốc và Hàn Quốc đã quyết định thực hiện đề tài đặc tả tâm trạng của những người đào tẩu Triều Tiên.
"[Triều Tiên] là nhà của họ, họ rời xa người thân" - Franco nói - "Dù bây giờ sống ở quốc gia hiện đại [Hàn Quốc] nhưng họ sẽ không bao giờ hoàn toàn hạnh phúc".
Một nghệ sĩ, một doanh nhân... đã đồng ý để Franco chụp hình, tuy câu chuyện của họ khác nhau nhưng hầu hết họ đều bày tỏ sự hối hận khi rời xa Triều Tiên. Dù không thể xác thực được câu chuyện của họ nhưng Franco cho rằng, một số nhân vật có thể hơi phóng đại câu chuyện của chính mình nhưng nguyên nhân cũng có thể là do câu chuyện ở Triều Tiên luôn là "viên gạch nền" giúp họ đặt chân vào Hàn Quốc.
Tuy nhiên, thích nghi xã hội mới là một quá trình khó khăn, sự thành kiến và thờ ơ khiến họ khó kiếm được công việc. Franco nói, kết quả là rất nhiều người đào tẩu buộc phải viết sách hoặc xuất hiện trên các chương trình truyền hình, biến trải nghiệm đã qua thành phương thức kiếm sống.
Ahn Myeong-Cheol
Vào một đêm năm 1994, cuộc sống của Ahn Myeong-Cheol thay đổi. Anh ta mang một khẩu AK-47 và vài khẩu súng ngắn, mặc đồng phục nhân viên của trại giam, lên chiếc xe jeep và chạy trốn đến sông Tumen, biên giới Trung-Triều. Tại đây, anh ta vứt bỏ lại vũ khí, bơi về phía bờ sông bên kia. Nửa giờ sau, Ahn đặt chân sang đất Trung Quốc.
Tám năm trước, Ahn Myeong-Cheol nhận công việc đầu tiên của mình tại một nhà tù chính trị. Trong ngày làm việc đầu tiên, Ahn được nhắc nhở rằng, tất cả các tù nhân đều là kẻ phản bội hoặc gián điệp, nếu giao tiếp với họ, Ahn cũng sẽ bị khép vào một tội danh nghiêm trọng.
Trong nhà giam, xô xát thường xuyên xảy ra, rất nhanh, Ahn bắt đầu học các thế võ từ những vụ xô xát này. Sau tám năm, do một vụ mâu thuẫn, Ahn quyết định, đó là đêm cuối cùng anh ta ở lại Triều Tiên.
Lee So-yeon
Năm 1997 có lẽ là năm nạn đói tồi tệ nhất ở Triều Tiên. Lee So-yeon tự nguyện gia nhập quân đội với hy vọng có được một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, cô đã đối mặt với thực tế khác. Nạn đói lan rộng tới nội bộ quân đội, tân binh chỉ có thể nhận được nửa số khẩu phần theo quy định, thậm chí bên trong còn bị trộn cỏ dại.
Sau 10 năm nhập ngũ, Lee nghe được những câu chuyện về những đồng bào đào tẩu sang Hàn Quốc và cô quyết định rời đi. Lần đầu khi cố gắng vượt sông Tumen, cô chỉ mặc đồ trong, đội duy nhất bộ quần áo khô trên đầu, hai chân trầy xước, rướm máu vì va phải đá nhọn. Sang phía Trung Quốc, những kẻ trong đường dây buôn bán người đang chờ đợi cô. Cô từ chối đi theo họ nên bị đẩy lại xuống sông và bị binh sĩ Triều Tiên bắt trở lại. Trong một năm ngồi tù, Lee học được mánh khóe của các tù nhân khác nên đã thực hiện một cuộc vượt ngục lần hai thành công.
Hiện nay cô đang sống ở Hàn Quốc nhưng không dám tiết lộ thân phận với hàng xóm xung quanh.
Choi Seong-Guk
Choi Seong-Guk muốn trở thành thành viên của giới tinh anh Triều Tiên để có thể theo đuổi được cô gái trong mộng nhưng Choi không có nền tảng cơ bản.
Lúc này, những bộ phim Hàn Quốc lan tràn khắp thị trường chợ đen Triều Tiên và Choi đã tìm cho mình một cơ hội. Choi mở một studio nhỏ chuyên chụp hình chân dung, nơi khách hàng có thể thay hình ảnh mình vào những bức ảnh của các diễn viên Hàn Quốc. Ý tưởng này đã rất thành công và Choi thu được lợi nhuận lớn. Anh ta nhanh chóng kiếm được đủ số tiền để mở cửa hàng internet đầu tiên ở Bình Nhưỡng.
Năm 2006, Choi bị bắt vì buôn lậu phim. Đây là tội danh lớn nhưng theo Choi, do khách hàng của anh là những người có ảnh hưởng lớn nên anh được giảm nhẹ tội danh nhưng vẫn bị đuổi khỏi Bình Nhưỡng, điều này khiến anh không thể thực hiện được ước mơ theo đuổi tình yêu.
Choi đã quyết định bỏ trốn sang Hàn Quốc nhưng dù hiện đã sống ở Hàn Quốc một thời gian, Choi vẫn chưa thể hòa nhập với nền văn hóa có chút khác biệt này.
Park Soo-yeon
Park Soo-yeon từng là một thành viên của giới tinh anh mới Triều Tiên. Cô thường được tham gia các buổi tiệc lớn và xuất hiện ở các khu spa, nghỉ mát cao cấp - lối sống vô cùng khác biệt với những điều mà nhiều người vẫn thường nghe kể về Triều Tiên.
Khi tuyến thương mại đầu tiên được mở ra, cô nhanh chóng có được những cuốn băng video phim truyện Hàn Quốc. Từ những bộ phim này, cô bị thu hút bởi sự gần gũi giữa hai giới và bị mê hoặc bởi sự đa dạng về lối trang điểm mà phụ nữ Hàn Quốc sử dụng, đặc biệt là tông son tối màu của các nữ diễn viên trong khi phụ nữ Triều Tiên chỉ được sử dụng một màu son. Càng tiếp xúc nhiều các video phim Hàn Quốc, Park Soo-yeon càng trở nên tò mò về cuộc sống bên ngoài. Vì thế, cô quyết định rời bỏ Triều Tiên.
Tuy nhiên, sau khi đến Hàn Quốc, điều đầu tiên cô nhận ra là, cuộc sống của đa phần những người đào tẩu Triều Tiên còn nhiều khó khăn. Hiện nay, cô là chủ sở hữu một công ty mai mối, chuyên giúp người đào tẩu Triều Tiên tìm được hạnh phúc ở Hàn Quốc.
Han Song-i
Từ nhỏ, mơ ước của Han là trở thành một ngôi sao màn ảnh. Sống ở vùng Đông Bắc nên cô có thể quan sát Trung Quốc từ bên kia bờ sông Áp Lục. Người Triều Tiên ở vùng này có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các mặt hàng nhập khẩu và các chương trình truyền hình Trung Quốc.
Cũng chính từ đây, cô phát hiện ra "làn sóng Kpop". Năm 17 tuổi, cô quyết tâm rời khỏi Triều Tiên để thực hiện ước mơ của mình. Do gia đình có điều kiện nên chuyến đi của cô không gặp nhiều trở ngại. 10 ngày ngồi trên xe rong ruổi qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan và điểm cuối cùng cô đặt chân tới là Seoul, Hàn Quốc.
Rất nhanh chóng, cô tìm được chỗ đứng của mình. Cô xuất hiện trên kênh truyền hình ở Seoul bằng những câu chuyện về cuộc sống ở Triều Tiên. Theo Han, hiện giờ cô tương đối nổi tiếng, ra đường rất nhiều người nhận ra, thậm chí có nhà hàng còn mời cô dùng bữa miễn phí.
Rất nhiều người Triều Tiên đào tẩu kiếm sống bằng cách kể những câu chuyện của họ trên các chương trình truyền hình, buổi nói chuyện công khai hoặc viết sách. Tuy nhiên đối với Han Song-i, điều này lại khiến cô bối rối: Cô nổi tiếng là nhờ cuộc sống ở Triều Tiên và tấm hộ chiếu Hàn Quốc đã tạo điều kiện giúp cô trở thành ngôi sao.
Kim Cheol-woong
Kim Cheol-woong sinh ra ở thủ đô Bình Nhưỡng. Anh có một cuộc sống sung túc khi cha mẹ công tác trong chính phủ và tài năng âm nhạc của anh được thừa nhận từ khi còn nhỏ. Năm 1995, anh thậm chí còn được gửi đến học tại Nhạc viện Tchaikovsky ở Moscow. Sau khi nước, Kim Cheol-woong trở thành nhạc sĩ trẻ nhất của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Triều Tiên.
Năm 2001, Kim Cheol-woong bắt đầu hẹn hò. Anh dự định cầu hôn bạn gái bằng một tác phẩm của nhà soạn nhạc mà anh yêu thích Richard Clayderman. Tuy nhiên, việc chơi nhạc nước ngoài ở Triều Tiên bị cấm.
Kim Cheol-woong bị cơ quan an ninh quốc gia bắt giữ và bị buộc viết kiểm điểm. Sự kiện này đã khiến anh thay đổi suy nghĩ. Một vài tuần sau, anh vượt sông sang Trung Quốc để trốn sang Hàn Quốc.
Trong quá trình đợi phía Seoul xử lý, Kim Cheol-woong chợt nhận ra, anh đã có cuộc sống sung túc ở Triều Tiên nhưng với những chuyện đã xảy ra, anh không còn con đường nào quay trở lại.
Cuộc sống ở Hàn Quốc có ít đặc quyền hơn và Kim Cheol-woong thường nhớ về cuộc sống trước đây ở Bình Nhưỡng.
Theo Thủy Thu (Soha/Thời Đại)