Theo cảnh sát, vệt dầu loang từ chiếc siêu xe thể thao dẫn các thanh tra đến biệt thự xa hoa của một trong những gia đình giàu nhất Thái Lan, người đồng sở hữu đế chế nước tăng lực Red Bull.
Cảnh sát nói rằng người đàn ông lái chiếc xe là Vorayuth "Boss" Yoovidhya, người thừa kế gia sản mà Forbes ước tính khoảng 20,2 tỷ USD.
Vorayuth sau đó bị cáo buộc 5 tội danh, bao gồm lái xe quá tốc độ, đâm người rồi bỏ chạy, lái xe liều lĩnh gây chết người. Tuy nhiên, vụ án gặp bế tắc trong nhiều năm vì Vorayuth nhiều lần vắng mặt hoặc trì hoãn lệnh triệu tập. Giới chức tin rằng Vorayuth đã rời Thái Lan từ năm 2017.
Trong những năm đó, gia đình sĩ quan trung sĩ Wichien Klanprasert rơi vào cảnh khốn khó.
Đến ngày 23/7 vừa qua, Đại tá Sampan Luangsajjakul thuộc lực lượng cảnh sát hoàng gia Thái Lan quyết định xoá mọi cáo buộc đối với Vorayuth, người ở tuổi 30 khi vụ tai nạn xảy ra.
Quyết định này khiến vụ án trở lại thành tiêu điểm quan tâm của dư luận. Những người Thái giận dữ từ lâu đã cảm thấy rằng hệ thống pháp luật của đất nước chỉ thiên vị người giàu.
Nhiều người kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Red Bull. Nhiều người khác cho rằng quyết định không truy tố Vorayuth là xác nhận mới nhất và trắng trợn nhất cho văn hoá miễn trừ với giới thượng lưu ở nước này.
“Dư luận cho rằng có những tiêu chuẩn khác nhau đối với người giàu và người nghèo”, Ekachai Chainuvati, giảng viên luật tại ĐH Siam ở Bangkok, nói với CNN.
Từ đó, áp lực dư luận gia tăng, kêu gọi cần có những cuộc điều tra của Văn phòng tổng kiểm toán Thái Lan (OAG), cảnh sát, Hạ viện và cả Thủ tướng Prayut Chan-ocha, người hứa sẽ “bảm đảm công lý mà không gây chia rẽ giữa các nhóm trong xã hội Thái Lan”.
Từ lúc đó, câu chuyện xuất hiện những diễn biến kịch tính hơn, từ cái chết của một nhân chứng quan trọng đến việc OAG yêu cầu cảnh sát điều tra Vorayuth với 2 tội đanh có thể dẫn đến việc truy tố anh ta.
Dẫu vậy, người thừa kế trẻ tuổi và gia đình anh ta vẫn im lặng. Nhưng khi biểu tình tái diễn để đòi cải cách chính trị, nhiều người yêu cầu giới nhà giàu và tầng lớp quyền lực nhất xã hội phải có trách nhiệm giải trình lớn hơn.
Những tỷ phú kín tiếng
Được gọi là “Ông chủ”, Vorayuth lớn lên từ một trong những gia đình có ảnh hưởng nhất ở Thái Lan. Ông nội của anh ta là ông Chaleo Yoovidhya đã tạo ra nước tăng lực Red Bull và phát triển thành một đế chế toàn cầu.
Là con của một gia đình người Hoa di cư xuống miền bắc Thái Lan, vị tỷ phú tự thân đã khởi nghiệp bằng nghề bán nguyên liệu dược. Năm 1956, ông thành lập công ty dược TC Pharmaceutical, chuyên sản xuất thuốc đau đầu hạ sốt.
Chaleo sớm nhận thấy thị trường lớn hơn cho nước uống tăng lực. Ông tạo ra Krating Daeng, loại đồ uống với thành phần là chất ngọt và caffeine nhanh chóng được những người lao động chân tay và lái xe tải yêu thích.
Năm 1984, ông Chaleo hợp tác với doanh nhân Úc Dietrich Mateschitz rồi sau đó ra mắt thương hiệu Red Bull, loại nước uống có ga được phát triển từ Krating Daeng và nhanh chóng được các vận động viên, sinh viên, người lao động trên khắp thế giới yêu thích.
Sau khi ông Chaleo qua đời năm 2012, con trai ông là Chalerm Yoovidhya tiếp quản doanh nghiệp. Ông Chalerm và gia đình hiện đứng thứ hai trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan, sau đế chế nông nghiệp của anh em nhà Chearavanont.
Gia đình Yoovidhya sở hữu khoảng một nửa đế chế Red Bull toàn cầu, tập đoàn bán được 7,5 tỷ lon nước trên khắp 171 quốc gia trong năm 2019. Tập đoàn này còn kinh doanh bất động sản, nhà hàng, nhà máy rượu và là nhà nhập khẩu độc quyền siêu xe Ferrari vào Thái Lan.
Tập đoàn TCP, công ty mẹ của thương hiệu Red Bull, cố gắng tách khỏi những ồn ào về vụ đâm xe rồi bỏ chạy. Trong một tuyên bố trước đây, Vorayuth nói rằng anh ta “chưa từng đảm nhận bất kỳ vị trí nào trong quan lý và hoạt động hằng ngày của tập đoàn TCP, không phải cổ đông và chưa từng giữ vị trí điều hành nào trong TCP”.
Giống như ông nội và bố, Vorayuth sống kín đáo và ít được người dân Thái biết cho đến khi xảy ra vụ tai nạn năm 2012.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)