"Tôi bước vào tòa, ngồi xuống, tuyên thệ và vài giờ sau bước ra cùng với một thân thể duy nhất" - Jeni Haynes nói với BBC. Với vẻ ngoài bình thường như thế, không ai ngờ bên trong cô là hàng ngàn nhân cách khác nhau.
Từ nhỏ, Jeni đã liên tục bị cưỡng bức và tra tấn bởi chính cha đẻ Richard Haynes. Để chống chọi với nỗi ám ảnh, bộ não của Jeni đã thực hiện một "thủ thuật" phi thường - tạo ra hàng loạt nhân cách nhằm phân tán nỗi đau. Và do sự lạm dụng quá kinh khủng, dai dẳng, Jeni khẳng định cô có tới 2.500 nhân cách để tiếp tục sinh tồn.
Trong phiên tòa gây chấn động Úc vào tháng 3 vừa qua, Jeni cũng đối mặt với bố với nhiều nhân cách, bao gồm một "phiên bản" 4 tuổi mang tên Symphony (nghĩa là "khúc giao hưởng"). Đây là trường hợp đầu tiên ở Úc - nếu không muốn nói là trên toàn thế giới - có một nhân chứng được chẩn đoán mắc rối loạn đa nhân cách trình tòa. "Chúng tôi [các nhân cách] không sợ hãi. Chúng tôi chờ rất lâu để nói với mọi người về những gì ông ấy đã làm. Ông ấy không thể tiếp tục bắt chúng tôi câm lặng" - thốt lên từ Jeni.
Cuối cùng hôm 6/9 vừa qua, bị cáo Richard Haynes - 74 tuổi - bị tuyên án 45 năm tù. Tất cả đều nhờ sự đấu tranh ngoan cường của nạn nhân, nhân chứng và cũng là con gái ruột Jeni. Vậy cụ thể chuyện gì đã xảy ra?
"Thực ra tôi cũng không an toàn trong đầu mình"
Nói cách khác, 2.500 nhân cách không thể là một lá chắn vững chắc bảo vệ Jeni khỏi người bố biến thái. Gia đình cô dọn từ London (Anh) về Sydney (Úc) năm 1974. Khi đó, Jeni chỉ mới 4 tuổi nhưng đã bắt đầu bị bố tấn công. Từ những cái động chạm ban đầu, mọi chuyện bắt đầu trở thành bạo lực thể xác và nỗi đau tinh thần tột cùng.
"Sự lạm dụng của bố ngày càng gia tăng và đã được tính toán. Ông ta cố tình thỏa mãn thú tính trong từng phút" - Jeni chỉ ra trong phiên tòa khác hồi tháng 5. "Tôi cầu xin ông dừng lại. Ông ấy nghe tôi khóc, nhìn thấy tôi kinh hãi nhưng vẫn tiếp tục cho đến khi những vết thương hằn lên da thịt, chảy máu. Hôm sau, ông ta lại tái diễn mọi thứ".
Theo Jeni, bố cô đã cố gắng "tẩy não" con gái khi nói mình "có khả năng đọc suy nghĩ". Nếu Jeni chỉ cần nghĩ đến việc tố giác thôi thì mẹ và anh chị của cô sẽ bị bố giết chết. "Cả bên trong tâm hồn tôi cũng bị bố xâm hại. Tôi không thể an toàn trong đầu mình. Nhiều lúc, tôi không còn kiểm chứng được chuyện gì đã xảy ra".
Năm Jeni 11 tuổi, gia đình lại dọn về Anh và bố mẹ cô li dị năm 1984. Từ đó, cô không tin bất kì ai khác - kể cả mẹ. Chưa hết, người bố còn hạn chế các tương tác xã hội của Jeni. Dưới sự kìm kẹp, cô gái học cách giữ cho bản thân nhỏ bé và im lặng. Bởi nếu bị nhìn thấy kết giao với một người trưởng thành xa lạ, Jeni sẽ bị trừng phạt.
Tất cả để lại những di chứng suốt đời. Giờ đây ở tuổi 49, Jeni gánh chịu những thương tổn không thể phục hồi về thị lực, hàm, ruột, hậu môn và xương cụt. Cô phải trải qua hàng loạt ca phẫu thuật, bao gồm mổ đại tràng năm 2011.
Symphony và những nhân cách giúp Jeni sống sót
Hoàn cảnh của Jeni rất đặc biệt: cô bị cắt đứt khỏi những mối liên hệ xã hội, bị lạm dụng trong một môi trường được đánh giá là an toàn - dưới mái nhà của mình. Khi đó, Jeni đã dần hình thành hội chứng DID (Dissociative Identity Disorder, nghĩ là Rối loạn nhận dạng phân ly). "Đó thực sự là một chiến thuật sinh tồn" - trích lời tiến sĩ Pam Stavropoulos chuyên về chấn thương tâm lí thời thơ ấu.
"Xin chào, tôi là Symphony" - trong buổi phỏng vấn với BBC, Jeni đã "gọi" nhân cách này xuất hiện khoảng 1 giờ rưỡi. Symphony có giọng chua, gấp gáp, hoảng sợ, tông giọng cao và mỏng hơn. Theo Jeni, mỗi lần cô bị cưỡng bức thì "người" này lại xuất hiện.
Ngoài ra còn một số "người" khác giúp Jeni vượt qua bi kịch:
* Muscles (Cơ bắp): thiếu niên có phong cách như nhạc sĩ Billy Idol. "Anh ấy" cao và mặc áo ngắn lộ ra cánh tay mạnh mẽ. Bình tĩnh và có khả năng che chở.
* Volcano (Núi lửa): rất cao và khỏe, mặc đồ da màu đen từ đầu đến chân, tóc nhuộm vàng.
* Judas: thấp người với mái tóc đỏ. "Anh ấy" mặc quần đồng phục màu xám ngắt với áo khoác xanh lá cây. Lúc nào cũng mấp máy môi như muốn nói.
* Linda/Maggot: cao và ốm, mặc váy thập niên 50. Tóc búi gọn gàng, lông mày sắc.
* Rick: đeo cặp kính khổng lồ giống như ông bố Richard Haynes, liên tục đấm vào mặt mình.
Các phiên tòa chưa từng có tiền lệ
Jeni bắt đầu báo cáo việc lạm dụng năm 2009, nhưng các nhà điều tra phải tốn hơn 10 năm để bắt Richard Hayne đền tội. Ông ta bị áp giải từ nước Anh về Úc năm 2017. Trước đó Richard luôn miệng nói con gái là kẻ dối trá và bịa đặt để vu khống mình.
Sau khi biết chuyện, mẹ của Jeni là người ủng hộ con gái mạnh mẽ nhất để tìm lại công lý. Nhưng suốt chục năm, Jeni liên tục bị bác bỏ bởi các nhà tư vấn luật và bác sĩ tâm lí vì câu chuyện khó tin. Hoặc nó quá kinh khủng nên họ không thể chấp nhận và ủng hộ cô.
Mãi đến tháng 3/2019, Jeni mới được chấp thuận ra tòa với Symphony và 5 nhân cách khác - mỗi "người" đều đưa ra các vụ lạm dụng dưới nhiều lăng kính khác nhau. Hầu hết các nhân cách đều là người trưởng thành (dù nó được phát triển khi nạn nhân còn nhỏ), phần lớn còn sở hữu trí tuệ thiên tài.
Phiên tòa được lắng nghe chỉ bởi 1 thẩm phán, vì các luật sư nhận định nó quá phức tạp nếu bồi thẩm đoàn cùng nghe xử. Bị cáo Richard ban đầu đối diện 367 cáo buộc, bao gồm cưỡng bức, có hành vi thô tục, tấn công tình dục trẻ em dưới 10 tuổi.
Công tố viên - cùng với các nhà tâm lí học - liên tục đưa ra các bằng chứng xác thực cho mỗi lời tố giác từ các nhân cách bên trong Jeni. Do phát triển nhiều nhân cách nên Jeni có thể lưu giữ hầu hết kí ức đen tối, không bị lẫn lộn như nhiều nạn nhân bị cưỡng bức từ nhỏ.
"Các kí ức của chúng tôi đã ngưng đọng theo thời gian. Khi cần, tôi sẽ đi đến khung thời gian ấy và đưa 'họ' ra. Symphony là 'người' lưu giữ nhiều chi tiết ám ảnh nhất lúc tôi 7 tuổi. Muscles sẽ đưa bằng chứng về các vụ đánh đập. Linda - một phụ nữ thanh lịch - sẽ làm chứng về các mối quan hệ xã hội bị kìm kẹp của tôi" - Jeni cho biết.
Sau 2,5 giờ làm chứng của Jeni, bị cáo Richard đã thay đổi lời khẩn cầu của mình. Theo đó, y thừa nhận 15 tội danh. Thẩm phán tiếp tục bổ sung khoảng 12 tội danh khác. Hôm 6/9, Jeni ngồi cách bố ruột khoảng vài mét khi nghe phán quyết cuối cùng của tòa: Richard chịu án tù 45 năm, do sức khỏe yếu nên tòa cho phép ngồi tù ít nhất 33 năm không tha bổng.
Phiên tòa khép lại, Jeni bước ra vui mừng thoát khỏi người bố "ác quỷ". Thế nhưng sự chịu đựng của cô vẫn chưa dừng lại. "Với 2.500 giọng nói, ý kiến và thái độ khác nhau cùng tồn tại bên trong đầu, tôi rất khó để sắp xếp 'bọn họ'. Tôi không hề thoải mái. Và xin nói rõ rằng chính bố tôi đã gây ra nỗi đau đớn này".
Dù mang thoe nỗi ám ảnh suốt cuộc đời nhưng Jeni đã vượt lên để học tập, lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở 2 ngành luật và triết học. Thế nhưng cô luôn gặp khó khăn để tìm kiếm công việc ổn định. Hiện giờ, Jeni và mẹ vẫn sống nhờ phúc lợi xã hội.
Dù vậy, hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ bước ra tòa có thể được xem là dấu mốc khởi đầu mới. "Tôi rất muốn câu chuyện của mình được chia sẻ. Tôi muốn cho mọi người thấy 10 năm đấu tranh tìm công lý của mình không hề dễ dàng. Nhưng sau cùng tôi đã có thể nói: Nếu bạn mắc rối loạn đa nhân cách do bị cưỡng bức, thì giờ đây có thể hi vọng tìm thấy công lý được rồi".
Vụ việc của Jeni Haynes gây chấn động ngành tâm lí học và chắn chắn nó sẽ tiếp tục được mổ xẻ suốt nhiều năm sau.
Theo Đạt Lê (Helino)