Qishishiqi lần đầu tiên ôm một cái cây hồi tháng 4, khi đang đi xe xích lô cùng chồng. Cảm thấy mình ngà ngà say, người phụ nữ này liền xuống xe ôm ngẫu nhiên một cái cây trên một con đường vắng ở Thượng Hải và ngay lập tức cảm thấy những tác động tích cực.
Trang Oddity Central dẫn lời Qishishiqi kể, hiện tượng ù tai thường xuyên xảy ra với cô, nhiều khả năng do căng thẳng liên quan đến công việc, dường như đã “tan biến một cách kỳ diệu” khi cô ôm thân cây to. Trải nghiệm tuyệt vời này đã thôi thúc cô không chỉ tìm kiếm các cây khác để ôm, mà còn chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người để họ cũng có thể hưởng lợi từ việc đó.
Trong bài đăng lan truyền trên ứng dụng Xiaoshomgshu, một phiên bản Instagram của Trung Quốc, Qishishiqi cho biết, cô cảm thấy thư giãn và được chữa lành sau khi ôm một cái cây nghìn năm tuổi trong rừng quốc gia gần Thượng Hải. Cô miêu tả cảm giác như “cái cây đang ôm lại mình”, giúp cô trút bỏ mọi gánh nặng.
Theo người phụ nữ này, cô luôn cảm thấy lo lắng khi ôm người khác vì e ngại họ không thể chịu đựng năng lượng tiêu cực từ mình. Tuy nhiên, cây cối thì khác vì “chúng sẽ lắng nghe bạn một cách im lặng và kiên nhẫn”.
Qishishiqi nêu rõ cô không khuyến khích thay thế liệu pháp y học thực tiễn bằng việc ôm cây, nhưng những người ủng hộ y học cổ truyền Trung Quốc tin việc ôm cây có lợi cho sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, giúp con người điều chỉnh cảm xúc.
Tiến sĩ Stone Kraushaar, một nhà tâm lý học lâm sàng được mệnh danh là “Bác sĩ ôm”, tuyên bố những người ôm nhau trong ít nhất 21 giây sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giải phóng hoóc môn gây hưng phấn oxytocin. Song, hiện vẫn chưa rõ việc ôm cây có mang lại tác dụng tương tự hay không.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)