Tranh chấp tiền đền bù giải tỏa nhà
Năm 2003, một người phụ nữ tên là Ngụy Tư Lệ ở Nội Mông, Trung Quốc mua lại một ngôi nhà cũ từ Lưu Á Vân, sau khi nhìn thấy người thông tin người này đăng bán nhà trên báo. Thời điểm đó, chồng Lưu Á Vân bị bệnh nặng cần rất nhiều tiền chạy chữa. Vì quá túng thiếu, Lưu Á Vân quyết định rao bán căn nhà của gia đình.
Ban đầu Lưu Á Vân rao bán với giá 155.000 NDT (khoảng 544 triệu đồng), nhưng sau khi nghe về hoàn cảnh của bà, Ngụy Tư Lệ đã trả thêm 5.000 NDT (khoảng 18 triệu đồng) cho Lưu Á Vân và ký kết hợp đồng. Tổng cộng, Ngụy Tư Lệ đã chi 160.000 NDT (562 triệu đồng) để mua lại căn nhà.
Sau khi giao dịch hoàn tất, 2 người lại bận rộn với cuộc sống riêng của mình. Ngụy Tư Lệ cùng gia đình chuyển đến căn nhà mới mua, đồng thời bắt đầu việc kinh doanh tại đó, còn Lưu Á Vân dùng tiền bán nhà trả hết viện phí và nợ nần trong lúc chữa bệnh cho chồng. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng hơn chục năm sau, họ lại lần nữa gặp lại nhau vì chính căn nhà đó.
Cuối năm 2017, ngôi nhà của Ngụy Tư Lệ mua nằm trong danh sách cần giải tỏa để tái thiết khu vực. Theo ước tính sơ bộ, gia đình bà có thể được nhận ít nhất 4,19 triệu NDT (khoảng 14,6 tỷ đồng) tiền đền bù. Chưa kịp vui mừng bao lâu thì Ngụy Tư Lệ ngỡ ngàng khi nhận được thông báo từ tòa án, chủ cũ của ngôi nhà - Lưu Á Vân đã kiện cô ra tòa.
Trước đó, sau khi hay tin ngôi nhà mà mình từng bán sẽ bị giải tỏa và được đền bù một số tiền lớn, Lưu Á Vân liền quay lại tìm Ngụy Tư Lệ đòi chia 1,5 triệu NDT (khoảng 5,2 tỷ đồng). Đương nhiên, Ngụy Tư Lệ thẳng thừng từ chối. Bà đã mua ngôi nhà này được 15 năm và ký hợp đồng chuyển nhượng đầy đủ, không có lý do gì để chia tiền bồi thường cho chủ cũ là Lưu Á Vân.
Phán quyết cuối cùng của tòa án
Tuy nhiên, Ngụy Tư Lệ không ngờ được rằng hợp đồng mua bán của 2 người lại có lỗ hổng, và Lưu Á Vân đã sử dụng chính lỗ hổng này để kiện bà. Theo điều tra của cơ quan chức năng, Ngụy Tư Lệ có hộ khẩu ở thành phố, trong khi ngôi nhà cũ mà bà mua thuộc vùng nông thôn. Theo luật nhà ở của Trung Quốc ban hành năm 1999, nhà ở của nông dân ở khu vực nông thôn không được bán lại cho người có hộ khẩu thường trú ở thành thị, điều này nhằm ngăn chặn việc đầu cơ đất đai.
Ở góc độ pháp lý, giao dịch ban đầu giữa Lưu Á Vân và Ngụy Tư Lệ không được tính. Nhưng xét theo tình huống thực tế, Ngụy Tư Lệ đã bỏ 160.000 NDT mua nhà và có hợp đồng mua bán, nên tòa án vẫn công nhận giao dịch giữa 2 bên. Tuy nhiên, tiền đền bù giải tỏa phải được chia cho cả 2 bên theo tỷ lệ phù hợp.
Sau khi xem xét tình hình cụ thể của căn nhà, phía tòa án cho rằng Ngụy Tư Lệ sau khi mua xong đã đầu tư tiền để cải tạo lại nhà, nên theo điều luật liên quan, người mua cần phải được bảo vệ quyền lợi trong việc cải tạo và mở rộng nhà đất. Tổng số tiền 4,19 triệu NDT (khoảng 14,7 tỷ đồng) tiền đền bù sẽ được chia cho cả chủ mới và chủ cũ theo quy định của pháp luật.
Đến tháng 12/2023, tòa án đưa ra phán quyết Ngụy Tư Lệ sẽ được hưởng số tiền đền bù là 3,8 triệu NDT (khoảng 13,3 tỷ đồng) và Lưu Á Vân được hưởng 390.000 NDT (khoảng 1,4 tỷ đồng). Đồng thời, bác bỏ các yêu cầu khác của Lưu Á Vân liên quan đến vấn đề nhà đất.
Khi câu chuyện được đưa tin trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người lên tiếng cho rằng Lưu Á Vân đã vi phạm tinh thần của hợp đồng và quá tham lam. Thời điểm mua nhà, Ngụy Tư Lệ đã không ngần ngại trả thêm trả thêm 5.000 NDT (khoảng 18 triệu đồng), nhưng Lưu Á Vân vẫn kiện Ngụy Tư Lệ để đòi tiền. Đồng thời, vụ việc cũng là một lời nhắc nhở mọi người, trước khi giao dịch nhà đất, phải xem xét kỹ các quy định liên quan trước khi đặt bút ký vào bất cứ hợp đồng mua bán nào.
Theo Nguyên An (Nguoiduatin.vn)