Người biểu tình mang mặt nạ Tổng thống Park Geun Hye (phải) và bà Choi Soon Sil (trái), đòi tổng thống phải từ chức và truy tố bà Choi |
Sáng sớm chủ nhật (30-10), bà Choi Soon Sil đặt chân xuống sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc sau một chuyến bay dài từ Anh.
Luật sư riêng của bà Choi cho hay bà về nước và “sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra” làm rõ những cáo buộc nhắm vào mình.
Vị luật sư này cũng nói bà Choi dự kiến tổ chức một buổi họp báo ngay sau khi về Hàn Quốc, tuy nhiên cuộc họp báo đã bị hủy vì lý do sức khỏe.
Trước đó, nhiều tờ báo trong nước đưa tin cuộc điều tra xung quanh cáo buộc bà Choi “trục lợi” nhờ vào mối quan hệ thân cận với đương kim tổng thống sẽ rất khó khăn vì bà này tìm cách trốn ở nước ngoài, không chịu về nước.
Hơn cả tình bạn
Như thừa nhận của chính Tổng thống Park Geun Hye, Choi Soon Sil là bạn thân của bà trong suốt gần 40 năm qua, người luôn bên bà “những thời khắc khó khăn nhất”. Tuy nhiên, nếu nhìn lại cuộc đời của nữ tổng thống Hàn Quốc thì câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó.
Mọi việc bắt đầu từ cái chết của đệ nhất phu nhân Yuk Young Soo ngày 15-8-1974. Hôm đó, bà Yuk cùng chồng là Tổng thống Park Chung Hee dự lễ độc lập của Hàn Quốc. Viên đạn lẽ ra nhắm vào vị tổng thống đã bay đúng vào đầu bà Yuk.
Chới với trong nỗi đau mất mẹ, Park Geun Hye, khi đó 22 tuổi, vớ được một cái “phao” tinh thần, đó là giáo sĩ Choi Tae Min, người sáng lập một giáo phái có tư tưởng trộn lẫn giữa Phật giáo, Thiên Chúa giáo và tín ngưỡng bản địa.
Ông Choi khẳng định ông “được bà Yuk Young Soo báo mộng để giúp đỡ con gái bà”. Từ đó, ông Choi trở thành cố vấn của bà Park Geun Hye, thân cận tới mức có không ít lời ra tiếng vào là ông này lợi dụng mối quan hệ với ái nữ của đương kim tổng thống để vun vén cho mình gia sản khổng lồ.
Năm 1979, đến lượt Tổng thống Park Chung Hee bị ám sát mà một trong những nguyên nhân, như thủ phạm Kim Jae Gyu - giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Hàn Quốc, khai trước tòa là do ông Park đã dung túng, không ngăn ngừa con gái để cho ông Choi thao túng và trục lợi.
Cái chết của người cha càng thắt chặt mối quan hệ giữa bà Park và ông Choi trong suốt 15 năm sau đó.
Tới năm 1994, vị giáo sĩ qua đời, đến lượt con gái ông, bà Choi Soon Sil, thế chỗ và trở thành chỗ dựa cho bà Park. Hai người càng thân thiết hơn và trong chừng mực nào đó, bà Choi còn làm tốt hơn cả người cha của mình nhờ ưu thế cùng thế hệ và đều là phụ nữ.
Thời trẻ, cả hai làm việc cùng nhau trong một tổ chức do các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc tài trợ để tăng cường “giáo dục đạo đức”. Sau này, khi bà Park trở thành nghị sĩ thì chồng cũ của bà Choi đảm nhiệm vị trí chánh văn phòng cho bà Park.
Và rồi khi bà Park bước vào Nhà Xanh (dinh tổng thống), hai người càng như hình với bóng.
Báo chí Hàn Quốc không ít lần dẫn các nguồn tin thân cận cho hay bà Choi gần như can dự vào mọi việc của bà Park, từ việc tổng thống mặc gì tới những chuyện quốc gia đại sự như phát ngôn, bổ nhiệm nhân sự...
Trái đắng
Thông tin bà Choi lợi dụng mối quân hệ mật thiết với tổng thống để trục lợi thực ra không phải tới nay mới bùng phát.
Vài tháng qua, dư luận Hàn Quốc xôn xao trước việc bà Choi cậy quyền cậy thế, gây ảnh hưởng lên các doanh nghiệp lớn, buộc họ phải quyên tiền cho hai quỹ phi lợi nhuận do bà lập nên.
Ước tính số tiền đóng góp vào các quỹ này khoảng 50 tỉ won (tương đương 44 triệu USD).
Nhưng điều khiến người Hàn giận dữ và cũng chính là đỉnh điểm tạo nên làn sóng biểu tình, đòi Tổng thống Park Geun Hee phải từ chức, chính là thừa nhận của bà Park hôm 25-10.
Trước ống kính truyền hình, nữ tổng thống xác nhận bà đã chuyển nhiều bài phát biểu và tài liệu cho bà Choi.
Thậm chí, theo Diplomat, bà Choi không chỉ biên tập hàng chục bài phát biểu của tổng thống mà trong máy tính của bà còn chứa khoảng 200 tài liệu được phân loại, trong đó có cả những văn bản tuyệt mật về nhân sự, quân sự.
Ngay lập tức, uy tín của bà Park lao dốc một cách đáng sợ. Theo kết quả thăm dò do Realmeter tiến hành cùng ngày, tỉ lệ ủng hộ tổng thống chỉ còn 17,5%, mức thấp nhất kể từ khi bà nhậm chức.
Có tới 42% số người được hỏi cho biết bà Park phải bị buộc tội hoặc nên từ chức. Đảng Saenuri của bà bị Đảng Dân chủ đối lập vượt lên với khoảng cách hơn 4 điểm phần trăm.
Chưa hết, ngày 29-10, khoảng 10.000 người đã xuống đường ở Seoul đòi bà Park phải từ chức và truy tố bà Choi. Các cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố lớn thứ hai Busan.
Cũng trong ngày 29-10, các công tố viên Hàn Quốc đã mở rộng điều tra, tiến hành lục soát nhà và văn phòng các cố vấn cấp cao của bà Park.
Trước đó chánh văn phòng tổng thống, ông Lee Won Jong, đã đệ đơn từ chức và bà Park ngày 30-10 đã chấp thuận như một động thái nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người dân. Bà Park cũng đã yêu cầu nhiều cố vấn cao cấp của mình từ chức và cam kết sẽ sớm bổ nhiệm người thay thế.
Trong số đó có cố vấn phủ tổng thống phụ trách các vấn đề dân sinh Woo Byung-woo và cố vấn cấp cao phụ trách các vấn đề kinh tế Ahn Jong-bom.
Phủ nhận Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với báo Segye Ilbo ngày 27-10 và là lần xuất hiện đầu tiên trên báo chí kể từ sau nhiều tuần mối quan hệ của bà với tổng thống bị dư luận săm soi, bà Choi Soon Sil thừa nhận là có nhận bản thảo các diễn văn của bà Park. Tuy nhiên, bà phủ nhận cáo buộc cho rằng bà tiếp cận với các tài liệu chính thức, cũng như lợi dụng mối quan hệ với tổng thống để tư lợi hoặc gây ảnh hưởng tới các quyết định của tổng thống. “Tôi biết đó là việc làm sai trái, tôi xin lỗi” - bà Choi nói, đồng thời cho biết các diễn văn tổng thống mà bà nhận được chỉ trong giai đoạn những ngày đầu tổng thống nhậm chức. Theo AFP, tổng tài sản của bà Choi khoảng 26 triệu USD, trong đó có một khách sạn và ba ngôi nhà ở Đức. |
Bà Park Geun Hye, 64 tuổi, là tổng thống thứ 11 và là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Trước khi trở thành tổng thống vào tháng 2-2013, bà Park là chủ tịch Đảng Saenuri và là nghị sĩ trong bốn khóa liên tiếp từ năm 1998-2012. Cha của bà, ông Park Chung Hee, là tổng thống Hàn Quốc từ năm 1962-1979. Kết quả thăm dò dư luận tháng 7-2013, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, tỉ lệ ủng hộ bà Park lên tới 63%. Tuy nhiên tới tháng 1-2015, con số này tụt xuống còn 30% sau thảm họa chìm phà Sewol và tranh chấp với Bắc Triều Tiên. Tới tháng 9-2015, với những nỗ lực ngoại giao trong giải quyết tranh chấp với miền Bắc, tỉ lệ ủng hộ bà lại vọt lên 54%. Đến cuối tháng 10-2016, xìcăngđan với bà Choi đã kéo tỉ lệ ủng hộ của bà xuống mức thấp nhất: 17,5%. |